Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp trong nghề nuôi biển

NDO - Ngày 14/2, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp UBND tỉnh Bình Định, Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”.
Quang cảnh Hội thảo “Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Cục thủy sản, lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên; lãnh đạo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; lãnh đạo Báo Tuổi trẻ cùng đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển miền trung, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong nước.

Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp trong nghề nuôi biển ảnh 1

GS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ nhấn mạnh: "Ngành thủy sản đã góp phần tạo thêm thương hiệu quốc gia cho Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Có thể nói Việt Nam đã trở thành một trong những “vựa thủy sản” lớn của thị trường toàn cầu”.

Năm 2022, con tôm xuất khẩu đã mang về cho nước ta hơn 4 tỷ USD, cá tra gần 2,5 tỷ USD. Hai mặt hàng chủ lực này chủ yếu từ nguồn nuôi trồng, không phải từ khai thác. Điều này cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc theo hướng căn cơ, lâu dài đã được xác định thành slogan khai thác bền vững - đẩy mạnh nuôi trồng.

Tại hội thảo, các đại biểu từ cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trình bày nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề “Chuyển đổi nghề nuôi biển như thế nào để tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản cất cánh?”.

Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp trong nghề nuôi biển ảnh 2

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu đã thảo luận về việc cần phải thay đổi chính sách nuôi trồng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nghề nuôi biển, vì sao phải chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp? Tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam; Ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững… nhằm gia tăng sản lượng thủy sản, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt, các đại biểu cũng trao đổi về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương, đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý từ các cơ quan chức năng trong nước mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó đề xuất, hiến kế các thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu…