Sau khi chiếm trại “Bảo An Binh” (40 phố Hàng Bài), những thanh niên Cứu Quốc có chân trong mặt trận Việt Minh được phát súng vừa thu được trong trại rồi tổ chức thành tiểu đội, phân đội. Cán bộ tiểu đội, phân đội do anh em bầu.
Các phân đội ở trại “Bảo An Binh” này do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy. Sau đó một đơn vị được tách ra, đóng ở “Nông lâm đại học đường” bây giờ là trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đơn vị được lệnh đi Tây Tiến, lúc đó gọi là đội “Võ trang trinh sát miền Tây” gồm 160 người.
Hồi ức cựu binh Tây Tiến
Những chàng thanh niên Hà Nội từ đó xuất phát theo con đường số 6 đi Xuân Mai và lên tập kết ở thị xã Hòa Bình rồi đi đường tắt sang Lào.
Chàng trai Nguyễn Xuân Sâm đã lên đường với khí thế hừng hực, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải để giành độc lập. Dọc đường đi bộ đến thị xã Hòa Bình, nhân dân ra đón tiếp như ngày hội. Đoàn quân đi trong tiếng pháo nổ dọc đường, trong tiếng hô “Việt Nam độc lập muôn năm”.
Ra khỏi tỉnh Hòa Bình, đoàn quân đi tắt đường núi sang Lào. Sau nhiều ngày hành quân gian khổ, còn cách giặc khoảng 1 ngày đường, quân Tây Tiến dừng lại lấy tin tức.
Kiều bào ở Sầm Nưa cử người đến báo: Giặc vừa chạy sáng 17/10/1945. Từ điểm tập kết thứ nhất, quân Tây Tiến gấp rút hành quân suốt đêm trong mưa. Sáng 18/10 thì đến thị xã Sầm Nưa.
Ngày hôm sau 19/10, từ điểm tập kết thứ hai này, đội “Võ trang trinh sát miền Tây” đã lên đường truy kích giặc. Sẩm tối 20/10 đội bất ngờ tập kích quân giặc ở Mường Lát.
Trận Mường Lát diễn ra ngày 20/10/1945 khi đội võ trang vừa 2 tháng tuổi quân, trong khi quân địch là đội quân nhà nghề.
Hoạt động về nguồn ý nghĩa của con em cựu chiến binh Tây Tiến
Trưởng thành cùng Trung đoàn 52 Tây Tiến, Đội vũ trang trinh sát miền Tây sau gọi là Tây Tiến 1. Nhiều đơn vị khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ kìm chân giặc ở Thủ đô Hà Nội lần lượt chuyển lên mặt trận miền Tây. Đó là những đơn vị Tây Tiến 2,3.
Năm 1947, đơn vị Tây Tiến 1 họp lại với Tây Tiến 2,3 lập thành trung đoàn 52 Tây Tiến. Lúc này đồng chí Nguyễn Xuân Sâm là chính trị viên đại đội 135 Tiểu đoàn 60 của Trung đoàn.
Quân đội ta lúc đó thực hiện được chiến tranh nhân dân, đánh hàng trăm trận làm cho địch khốn đốn bằng những chiến thuật tập kích, gây hỏa mù, lấy yếu thắng mạnh…
Trận đánh đáng nhớ vào cuối năm 1947 là ở Ngọc Lâu, thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, địa bàn giáp Thanh Hóa, có địa thế rất hiểm trở. Người dân ở đây thèm tự do nên sau khi được giải phóng, người chiến binh Nguyễn Xuân Sâm chợt nghĩ nên đề nghị đổi tên xã Ngọc Lâu thành xã Tự Do. Mọi người đều đồng ý. Ông Đinh Công Phục, người đại diện cho huyện vào họp cũng đồng ý và về báo cáo với huyện và tỉnh chính thức lấy đặt tên cho xã là xã Tự Do..
Năm 1949, đồng chí Nguyễn Xuân Sâm chiến đấu trong trung đoàn 66, là một trong các đại đội trưởng đầu tiên của đại đội Ký Con, sau phát triển thành tiểu đoàn Ký Con rồi trung đoàn Ký Con, rồi tham mưu phó đại đoàn 304.
Năm 1954 cùng phối hợp đơn vị tham gia chiến dịch Trung Lào và Điện Biên Phủ lịch sử và được tặng thưởng huy hiệu chiến sĩ Điện Biên.
Năm 1960 ông chuyển ngành, công tác tại tổng cục Lâm nghiệp, làm bí thư đảng ủy cục trồng rừng. Năm 1970 cụ được giao thành lập và làm giám đốc Tổng công ty chế biến và bảo quản Lâm sản. Trong thời gian này, ông đã cùng các kỹ sư và công nhân kỹ thuật nghiên cứu chế tạo ra cót ép, một loại vật liệu xây dựng hết sức thiết thực cho các công trình của xã hội và các gia đình trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn.
Năm 1981, ông được Đảng và nhà nước cho nghỉ hưu. Khi nghỉ hưu ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), ông vẫn tích cực tham gia các công tác nghiên cứu sáng tạo ra các vật dụng mới để làm lợi cho xã hội. Cụ là người đầu tiên thiết kế, chế thử và phổ biến bếp than tổ ong cho xã hội sử dụng trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề thời bao cấp.
Trong suốt quãng đời phục vụ cách mạng, ở cương vị nào ông cũng tận lực tận tâm, dũng cảm, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý.
Đại diện Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến tặng quà cho Trường tiểu học Tây Tiến ở Sài Khao, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. |
Đặc biệt, ông là nòng cốt của Ban liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến trước đây, gây dựng nhiều hoạt động ý nghĩa thắm tình quân dân trong cộng đồng mà nay lớp cháu con- Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến tiếp tục kế thừa và phát huy.
Các thế hệ con em các cựu chiến binh Tây Tiến duy trì hàng năm đi dâng hương liệt sĩ Tây Tiến tại các điểm di tích Tây Tiến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, duy trì quỹ khuyến học ở Trường tiểu học Sài Khao, Mường Lát, Thanh Hóa và nhiều hoạt động khác.
Cụ Nguyễn Xuân Sâm đã về miền mây trắng gặp lại đồng đội đêm 25/11/2024, hưởng thọ 98 tuổi, để lại niềm tiếc thương và kính trọng vô bờ bến trong lòng những người thân yêu. Các con em Tây Tiến luôn tự hào và noi theo tấm gương của cụ.