"Ai lên Tây Tiến"…
Hai ngày, họ đã đi qua Hòa Bình, Mai Châu, Hồi Xuân, Mường Lát và vượt những "dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" để lên với điểm cuối Sài Khao. Dựng một tấm bia kỷ niệm đoàn quân Tây Tiến ở Sài Khao, vừa tri ân với đồng bào, vừa có ý nghĩa giáo dục với thế hệ mai sau trở thành tâm nguyện tha thiết của những cựu binh Tây Tiến, nhưng hầu hết đều không còn đủ sức để đi lại hành trình xưa. Tâm nguyện ấy họ gửi lại cho thế hệ con cháu. Và Bùi Phương Thảo-con gái nhà thơ Quang Dũng "lĩnh ấn tiên phong".
Vì sao một cô giáo lại làm Trưởng ban Liên lạc của Trung đoàn 52 Tây Tiến? Trong ngôi nhà nằm sâu ở con ngõ nhỏ của Hà Nội, bà Bùi Phương Thảo kể cho tôi nghe nguyên cớ: "Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập gồm các cựu chiến binh hãy còn sức khỏe đứng ra gánh vác. Ban liên lạc ấy hướng đến tiêu chí kết nối, quan tâm đến đồng đội cũ, ôn lại kỷ niệm xưa, nhưng đến năm 2010, sức khỏe của các cụ ngày một yếu đi, nhiều cựu binh qua đời để lại khoảng trống lớn, tưởng như "gia đình Tây Tiến" sẽ phải ly tán. Một số cụ có sáng kiến giao lại Ban liên lạc cho con em Tây Tiến. Và tôi được chọn vì tôi là con gái nhà thơ Quang Dũng. Theo các cụ cựu binh, nhờ bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng mà cả nước biết đến Tây Tiến nhiều hơn".
Một buổi chiều cuối năm 2011, cuộc họp tại nhà cụ Xuân Sâm, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 52 Tây Tiến, các cựu chiến binh đã thống nhất giao nhiệm vụ Trưởng ban Liên lạc cho chị Bùi Phương Thảo. Cụ Xuân Sâm nói: "Thôi thì giàu con út, khó con út. Thế hệ cha chú đều đã già hết cả rồi, cháu Thảo lãnh nhận trách nhiệm này mong cháu sẽ làm cho tên của trung đoàn mãi đẹp trong lòng nhân dân". Các cụ cũng lập ra một ban cố vấn để phụ giúp cho ban liên lạc.
Vậy là cô giáo chưa một ngày trong quân ngũ trở thành Trưởng ban Liên lạc của đoàn quân lừng lẫy ngày nào và cùng với các con em Tây Tiến khác đề ra tiêu chí: tri ân và khuyến học để hoạt động. Hoạt động tri ân được xác định sẽ tìm lại hành trình của bộ đội Tây Tiến vốn đã đặt dấu chân trên nhiều tỉnh ở Tây Bắc, Thanh Hóa…
Đi lại hành trình ấy, tìm lại dấu tích đoàn quân kiêu hùng ngày nào, bà Bùi Phương Thảo cùng nhiều con em Tây Tiến có dịp gặp lại những địa danh đã trở nên bất tử trong bài thơ Tây Tiến.
Hành trình đầu tiên, họ đi lên Hòa Bình. Ở xóm Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, bà Bùi Phương Thảo và những người đồng hành đã tìm đến nơi trước đây là quân y xá Châu Trang nơi chữa trị cho bộ đội Tây Tiến bị sốt rét và nhiều chứng bệnh mắc phải do rừng thiêng nước độc. Ngày ấy, cuộc sống của bộ đội Tây Tiến hết sức gian khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc, trở thành "đoàn quân không mọc tóc" vì sốt rét rừng và cạo trọc đầu tránh chấy rận.
Một số cụ già ở Lạc Sơn vẫn nhớ và kể lại những kỷ niệm sâu sắc về tình quân dân và sự hy sinh của bộ đội Tây Tiến. Ngày ấy một viên ký ninh phải hòa vào nước chia cho mấy người bị sốt rét uống. Chỉ riêng ở Trạm quân y ở Châu Trang (nay là xóm Trang, xã Thượng Cốc, Lạc Sơn) trong những năm 1947-1949, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Tây Tiến đã lần lượt hy sinh, chủ yếu vì sốt rét, thiếu ăn, thiếu thuốc đặc trị.
Các cựu chiến binh Tây Tiến và đồng bào xã Thượng Cốc đã chung tay dựng nên tượng đài Tây Tiến giản dị, trên bia đá có khắc mấy câu thơ: "Anh bạn dãi dầu không bước nữa; Gục lên súng mũ bỏ quên đời!; Chiều chiều oai linh thác gầm thét; Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người; Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói; Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Tượng đài đã được tỉnh Hòa Bình công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Giờ đây, tượng đài ở xã Thượng Cốc trở thành điểm đầu tiên của hành trình tri ân của con em Tây Tiến. Họ không chỉ đến các tượng đài, mà còn "ba cùng" giúp đỡ đồng bào xây trường học, làm điện mặt trời, trao tặng quỹ khuyến học ở những nơi đi qua.
Từ xã Thượng Cốc, hành trình của những người con Tây Tiến hướng tới Mộc Châu, điểm đầu tiên của tỉnh Sơn La với khu di tích Lâm Viên-bia tưởng niệm Tây Tiến. Nhà bia dựng ở thị trấn Mộc Châu nơi bộ đội Tây Tiến lớn mạnh và ra quân đánh thắng trận đầu ở Sầm Nưa ngày 20/10/1945. Khu di tích được thiết kế từ cảm hứng của bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, với một số hạng mục được xây dựng bởi các cựu chiến binh Tây Tiến, trong đó phải kể đến công lớn của "vệ út" Lê Hùng Lâm-người đã theo đoàn quân Tây Tiến từ năm 16 tuổi. Lâm Viên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử quốc gia.
Bà Thảo vẫn còn nhớ những chuyến đi cùng các cựu binh Tây Tiến trở lại đường hành quân xưa, các cụ lúc ấy vẫn còn đủ minh mẫn để "vừa đi đường vừa kể chuyện". Có chuyện bộ đội Tây Tiến nằm đè lên nhau lấy điểm tựa ghì báng súng để bắn quân Pháp dưới chân dốc. Hay chuyện anh bộ đội tên Huệ trên đường hành quân, bị một cú xóc của ô-tô, lăn mấy vòng, khi tỉnh dậy tay vẫn ôm hòm đạn. Rồi chuyện một phụ nữ người dân tộc thiểu số vượt qua hàng chục con dốc chạy về báo cho bộ đội Tây Tiến "Mì lai Pha Lăng" (Có nhiều quân Pháp lắm) rồi khuỵu xuống vì kiệt sức…
Lớp cha trước, lớp con sau…
Mỗi lần về lại hành trình xưa, con em của những cựu chiến binh Tây Tiến lại đến nghĩa trang nằm giữa núi đồi Mai Châu (Hòa Bình), lặng im tưởng niệm về những con người "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".
Bà Thảo rưng rưng kể lại: "Chúng tôi đến nghĩa trang Mai Châu, ở đó có 150 ngôi mộ khuyết danh, họ chính là bộ đội Tây Tiến đã hy sinh trong một trận đánh với quân Pháp. Bà con Hòa Bình đã đưa họ vào nghĩa trang chôn cất".
Từ nghĩa trang liệt sĩ Mai Châu, hành trình tri ân của Ban Liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến đến với Mường Hịch, cách đó không xa. "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người", địa danh đi vào bài thơ Tây Tiến này giờ đây là xã Mai Hịch, dĩ nhiên không còn hổ nữa, nhưng những ký ức về "đoàn quân không mọc tóc" thì vẫn được lưu giữ. Mường Hịch có hang Tây Tiến-nơi bộ đội Tây Tiến ngày trước đóng quân, cất giấu vũ khí. Người dân kể, cách đây khoảng 20 năm họ vẫn nhặt được những chiếc bình to của đoàn quân Tây Tiến để lại. Mai Hịch giờ đây trở thành điểm du lịch, nhiều người dân kinh doanh homestay, và những dấu tích của bộ đội Tây Tiến để lại trở nên có sức thu hút với du khách.
Bùi Thanh Dung-cháu nội nhà thơ Quang Dũng, bố cũng là bộ đội. Bố và ông đều đã qua đời, Dung tham gia Ban liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến cùng cô ruột Bùi Phương Thảo. Dù đã thường xuyên đi phượt, nhưng cô gái trẻ này vẫn rợn ngợp khi đứng trước những con dốc chạm mây của Sài Khao-điểm cuối của hành trình tri ân, hiểm trở đến nỗi chưa có cựu chiến binh Tây Tiến nào đủ sức trở lại.
Dốc lên Sài Khao như dựng đứng, nhưng những con em của bộ đội Tây Tiến vẫn nhiều lần tìm đến khảo sát và với sự đồng hành của chính quyền huyện Mường Lát đã dựng bức phù điêu, trên đó có dòng chữ in đậm: "Tinh thần Tây Tiến đời đời bất diệt" và khắc hai câu thơ: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi; Mường Lát hoa về trong đêm hơi".
Những câu thơ Tây Tiến đã được tạc vào lòng người, rất tự nhiên, sâu đậm. Và hình ảnh bi hùng của đoàn quân thuở ấy vẫn đang tiếp tục được lớp cháu con của họ nỗ lực khơi dấu, khắc họa lại đậm nét, trên cả hành trình dẫu đã phôi pha dấu thời gian, hay trong lòng lớp lớp hậu thế.