Những câu thơ của thi sĩ, chiến sĩ Quang Dũng bỗng bất chợt ngân lên khi tôi ngắm gương mặt hiền từ nhưng không giấu vẻ kiêu bạc một thời tuổi trẻ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi…". Nghe tôi đọc những câu thơ tài hoa trong bài thơ Tây Tiến, ông Đàm lúi húi lục từ trong chiếc tủ kính gia đình, lấy ra phiên bản bức thư của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gửi đoàn vũ trang Tây Tiến, đề ngày 1/2/1947. Ông nói rằng, bao năm rồi đã cất giữ bức thư của Đại tướng như một kỷ vật trên hành trình làm người lính chiến. Nói rồi ông lặng người đi chốc lát, có lẽ cảm xúc của lão ông đang hòa theo dòng hồi ức những ngày tháng gian lao mà anh dũng từ xa xôi hiện về…
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp; quê hương lại oằn mình gánh chịu thương đau. Ở tuổi 16, khi Nguyễn Hữu Đàm đang bị giặc Nhật bắt đi vác đá xây sân bay thì Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ, lại bước sang chương mới đầy bi tráng khi kẻ thù đe dọa nền độc lập. Quân đội ta tăng cường vũ trang chiến đấu. Đại đoàn 304 đã thành lập giữa quê hương của người thanh niên đang tràn đầy nhiệt huyết.
"Ngắm hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc đoàn thật cao đẹp, lung linh", ông nói. Lúc đó, ông là một trong những người hiếm hoi ở quê học xong cấp hai; vừa chuyển lên cấp ba thì tạm dừng bút nghiên. Ông nhập ngũ tháng 7/1950, là quân của Đại đoàn 304. 300 người lớp tân binh khóa chín của Nguyễn Hữu Đàm sau ba tháng huấn luyện đã gia nhập vào một trong những đoàn quân Tây Tiến, thành lập tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Lịch sử ghi, đoàn Tây Tiến thành lập ngày 16/5/1947, ba năm sau đó, tân binh Nguyễn Hữu Đàm có mặt trong "đoàn binh không mọc tóc" và hành quân lên miền tây, vượt biên giới qua nước bạn Lào.
"Người chỉ huy của chúng tôi là đại tá Bằng Giang; anh Thức là đại đội trưởng. Tôi là chiến sĩ liên lạc thuộc trung đội thông tin do anh Đức làm trung đội trưởng". Ông nhớ lại: "Đêm hội quân bên dòng sông Chu, đại tá Bằng Giang cầm đuốc và kiếm đứng trước hàng quân, hình ảnh đẹp một cách kiêu hùng. Giọng truyền lệnh vang rền núi rừng của vị chỉ huy làm tinh thần những người lính trẻ chúng tôi hết sức phấn chấn, dù biết rằng phía trước là hành trình vô cùng gian lao". Dù lý tưởng mỗi thời mỗi khác, nhưng nghe lời ông Đàm kể, tôi liên tưởng câu thơ của tráng sĩ Kinh Kha bên bờ sông Dịch trước lúc vượt sông hành thích Tần Thủy Hoàng: "Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn" (Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê/ Tráng sĩ một đi không trở về…".
Lão ông Nguyễn Hữu Đàm cười hiền: "Chuyện của tôi thì chẳng có gì nhiều, nhưng chuyện về đồng đội Tây Tiến thì không thể nào quên!". Ông Đàm nói và giúp tôi lần giở những trang ký ức. Theo lời ông, ngày đầu lập đoàn trang bị rất thô sơ. Mỗi chiến sĩ được phát hai bộ quân phục, hai người một chiếc màn và một cái chăn mỏng. Cả đoàn có bốn khẩu cối 82 thuộc đại đội hỏa lực còn bộ binh chỉ có giáo mác, súng trường. Tiểu đội ông Đàm có 12 người thì một nửa được trang bị súng, một nửa không. Ăn Tết năm 1950 ở huyện Cẩm Thủy, đại đội chỉ có một chiếc nồi quân dụng, chiến sĩ vào rừng chặt bương về đựng canh. Qua Tết, đơn vị hành quân, vượt Tây Bắc, áp sát Sầm Nưa. Tháng 3/1951, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Hữu Đàm có mặt trong đoàn quân qua nước bạn Lào…
★★★
Đường hành quân của bộ đội Tây Tiến là núi cao, vực thẳm, là qua những bản làng heo hút. Sơn cước đẹp mê mẩn mà cũng vắt kiệt sức lực những người lính trẻ. Đúng như những câu thơ lãng đãng của thi sĩ Quang Dũng: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời". Nguyễn Hữu Đàm nhớ lại những cuộc dân vận, binh vận, những đêm lửa trại. Hòa nhịp xoang, lính trẻ xốn xang trước vẻ mỹ miều của những cô gái Thái trong điệu xòe lả lơi bên bếp lửa bập bùng. Những câu thơ trác tuyệt của Quang Dũng chắc cũng viết lên từ cảm xúc ấy: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"…
Nguyễn Hữu Đàm cùng đồng đội vượt sông Chu, sông Mã, ngược lên miền núi cao phía tây. Sức trai tráng ngày đầu là thế mà cứ thấm dần rừng thiêng nước độc. Những trận sốt rét đã quật ngã biết bao chiến binh, rồi ghẻ lở hành hạ. Các loại bọ rận len lỏi vào tóc tai, râu ria. Chúng lổm ngổm trong quần áo, bám vào kẽ tay, kẽ chân. Ông Đàm kể, những đêm dừng nghỉ giữa rừng, cả đoàn quân ngồi quanh bếp lửa bắt chấy rận, tiếng tanh tách giết rận rộn lên. Rồi nhiều quá, bộ đội phải bắc chảo nước sôi luộc quần áo hòng làm rận chết. Không chịu nổi ngứa ngáy, những cái đầu lính cứ thế phải cạo trọc dần. Những gương mặt mỗi ngày thêm gầy gò, yếu ớt vì sốt rét, ghẻ lở và đói. Cái đói thì rất rõ, đoàn quân Tây Tiến lên đường mà không có bộ phận hậu cần, ai có gì mang nấy từ nhà, mà miền bắc thì mới trải qua nạn đói khủng khiếp. Trong ruột tượng, ống nứa của người chiến sĩ có thể là một ít gạo hẩm, vài cân khoai lang khô, chỉ ít ngày là lương thực cạn kiệt. Trên đường hành quân, bộ đội vừa chiến đấu, vừa phải tìm cái ăn. Miếng ăn của chiến binh hầu hết dựa vào đồng bào. Nhiều bữa đói, ít bữa no, thời đó bản làng thưa thớt và người dân nghèo khổ. Đoàn quân đầu trọc, mầu da xanh xao lại trở thành thi ảnh đầy gợi cảm trong thơ Quang Dũng: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm". Còn đây là giấc mơ của người lính với cái đói triền miên: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"…
Ông Đàm trầm ngâm: "Quân Pháp không giết các chiến sĩ nhiều bằng bệnh sốt rét. Có anh chiều còn tếu táo, đêm đã lạnh cứng rồi. Ngày nào, dường như cũng có chiến sĩ hy sinh". Đồng đội ra đi nhiều đến nỗi mà một tiểu đoàn phó đã nghẹn ngào viết bài hát "Tiếng cồng quân y" để khóc tiễn đưa. Chuyện là, mỗi khi có người lính nào chết thì quân y đánh một tiếng cồng báo hiệu. Lời bài hát có đoạn: "Cồng âm i âm i/ Từng đợt tiếng lầm lì/ Tới tai người chiến sĩ ốm đau xa nhà… Chàng chưa muốn chết, nước non chưa yên…". Bộ đội chết nhiều vì sốt rét, chiếu của đồng bào góp cho không đủ, đồng đội phải chẻ tre, bó cáng để chôn. Chiếc cáng tre chính là chiếc "áo bào thay chiếu" trên những nẻo đường "rải rác biên cương mồ viễn xứ"!...
Ông Đàm hồi ức, sau nhiều ngày hành quân, đội võ trang của ông đến biên giới Việt-Lào. Vượt đèo Pa Hang, cùng hội quân tiến về Sầm Nưa. Mặc dù đội võ trang Tây Tiến không đông quân lắm, nhưng quân Pháp đồn trú ở đây lại nghe đồn là đối phương đông rợp cả rừng, đặc biệt có nhiều hỏa lực mạnh. Ông cười rồi kể tiếp: "Thật ra đó là những ống bương, ống nứa mà các chiến sĩ thiếu thốn quân trang phải mang theo để đựng gạo, đựng muối và nước uống. Trinh sát giặc nhìn từ xa cứ tưởng là súng, pháo hạng nặng. Quân Pháp mất hết nhuệ khí, quan lính hè nhau chạy thục mạng, ta giải phóng thị xã Sầm Nưa, thủ phủ tỉnh Hủa Phăn không tốn mấy viên đạn". Trong chiến dịch Sầm Nưa, tổ trưởng Nguyễn Hữu Đàm đã lập chiến công khi thu được một tấn dây điện thoại của giặc; ông đã chỉ huy đồng đội dùng bè luồng vượt sông Chu đưa chiến lợi phẩm quý giá đó về hậu cứ thành công…
★★★
Tiếp nối khúc quân hành Tây Tiến, đôi bàn chân của chiến binh Nguyễn Hữu Đàm đã in dấu trên những dặm dài chiến trường ác liệt. Bao mùa chinh chiến đi qua, chiều mưa này ngồi tâm sự cùng tôi, ông ít nói về mình, cũng ít kể về những chiến công trong quá khứ. Lão ông tuổi ngoại cửu tuần theo dòng hồi ức mà ngậm ngùi nhớ về sự hy sinh của đồng đội ngày xưa: "Chiến tranh thật khốc liệt! Từ Tây Tiến, Hòa Bình, Điện Biên Phủ đến chiến trường Trị Thiên, tôi đã phải chứng kiến sự hy sinh của biết bao đồng đội thân yêu. Cái giá của chiến thắng thật đắt vô cùng. Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tiểu đoàn của tôi 800 người vào thành phố Huế, lúc rút ra chỉ còn lại vẻn vẹn 37 anh em. Chúng tôi không thể và cũng không đủ người để mang thi hài đồng đội trở về...".