Nghiên cứu cho thấy rừng của 4 quốc gia đang bị tàn phá kinh hoàng

NDO - Một nghiên cứu mới cho thấy, sự tàn phá rừng kinh hoàng đang xảy ra không chỉ trên khắp Amazon, mà đáng lo ngại là nhiều nơi khác, những cánh rừng cũng đang bị suy giảm.
0:00 / 0:00
0:00
Tán rừng nhiệt đới ở Indonesia. Ảnh: Getty Images
Tán rừng nhiệt đới ở Indonesia. Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu này vừa được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) ngày 12/9.

Đây là nghiên cứu đầu tiên khảo sát toàn diện số lượng rừng bị mất do các hoạt động khai thác công nghiệp thâm canh ở vùng nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu phát hiện, có khoảng 3.264 km2 rừng nhiệt đới đã bị mất do khai thác từ năm 2000 đến 2019, lớn hơn diện tích của Vườn quốc gia Yosemite.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy, chiếm đến 4/5 vụ phá rừng này chỉ xảy ra ở 4 quốc gia: Indonesia, Brazil, Ghana và Suriname. Indonesia đứng đầu bảng, chịu trách nhiệm cho 58,2% số vụ phá rừng nhiệt đới được ghi nhận trực tiếp do việc mở rộng các mỏ công nghiệp.

Phó giáo sư Stefan Giljum, Viện Kinh tế Sinh thái tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Vienna, Áo cho biết: "Có rất nhiều thiệt hại về môi trường gây ra bởi các hoạt động khai thác rừng, bao gồm sự hủy hoại hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học, gián đoạn nguồn nước, sản xuất chất thải nguy hại".

"Việc chính phủ cấp phép khai thác cần tính đến tất cả những điều này: mỏ công nghiệp có thể dễ dàng phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái. Khai thác công nghiệp vẫn là một điểm yếu tiềm ẩn trong chiến lược giảm thiểu tác động môi trường", ông Stefan Giljum nói.

Nghiên cứu cho thấy rừng của 4 quốc gia đang bị tàn phá kinh hoàng ảnh 1

Mô tả trực quan về nạn phá rừng gián tiếp do khai thác công nghiệp trên 26 quốc gia. Kết quả cho thấy càng gần địa điểm khai thác, tỷ lệ phá rừng do khai thác mỏ càng cao. Nguồn PNAS.

Dữ liệu nghiên cứu bao gồm tổng cộng 26 quốc gia khác nhau, chiếm 76,7% tổng số vụ phá rừng nhiệt đới liên quan đến khai thác mỏ xảy ra từ năm 2000 đến năm 2019. Các hoạt động khai thác này bao gồm khai thác than, vàng, quặng sắt và bauxite.

Mức độ phá rừng do khai thác mỏ hiện đang giảm xuống. Mất rừng do khai thác công nghiệp tại Indonesia, Brazil và Ghana đều đã đạt đỉnh từ năm 2010 đến năm 2014, riêng khai thác than vẫn tiếp tục phát triển ở Indonesia.

Giáo sư Hariadi Kartodihardjo, chuyên gia về Chính sách Lâm nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Bogor ở Indonesia cho biết: “Mặc dù tổng số vụ phá rừng ở Indonesia đã giảm hàng năm kể từ năm 2015, nhưng những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục lập kế hoạch sử dụng đất mạnh mẽ để bảo đảm việc khai thác không phá hủy rừng hoặc vi phạm quyền cộng đồng”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, tình hình chính trị hiện tại ở các nước như Brazil và Indonesia đồng nghĩa với việc giảm khai thác và phá rừng đáng kể khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Họ đang kêu gọi các nhóm ngành và tổ chức bảo tồn đi đầu trong việc giảm mức độ tổn thương do khai thác rừng.

Họ cũng chỉ ra rằng, ở một số nước nhiệt đới, các hoạt động thâm dụng đất khác, như chăn nuôi gia súc hoặc sản xuất dầu cọ và đậu tương, gây ra nạn phá rừng nhiều hơn khai thác.

Như nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn nạn phá rừng là công nhận và thực thi quyền tài sản của cộng đồng địa phương và người dân bản địa đã sống trong rừng từ rất lâu trước khi các công ty khai thác đến.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn xem xét các hoạt động khai thác thủ công và quy mô nhỏ hơn. Cuối cùng, mục đích là để hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra để sau đó hành động.

Nhà địa lý Anthony Bebbington, Đại học Clark ở Massachusetts, Mỹ, cho biết: "Trước nhu cầu ngày càng tăng nhanh chóng đối với khoáng sản, đặc biệt là kim loại cho năng lượng tái tạo và công nghệ di động điện tử, các chính sách của chính phủ và ngành phải tính đến cả tác động trực tiếp và gián tiếp của việc khai thác".

"Giải quyết những tác động này là một công cụ quan trọng để bảo tồn các khu rừng nhiệt đới và bảo vệ sinh kế của các cộng đồng sống trong những khu rừng này", ông Anthony Bebbington cho hay.