Xót xa rừng tự nhiên vùng biên Đắk Lắk bị tàn phá (Kỳ 2)

Kỳ 2: Chủ rừng bất lực

Nhiều cây rừng tại tiểu khu 212, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp có đường kính lớn bị triệt hạ, nhưng các đối tượng chưa kịp vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường.
Nhiều cây rừng tại tiểu khu 212, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp có đường kính lớn bị triệt hạ, nhưng các đối tượng chưa kịp vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường.

Trên đường từ điểm nóng phá rừng thuộc dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp trở ra, trời đã chập choạng tối và thông tin nhóm nhà báo chúng tôi có mặt ở đây đã bị lộ nên để bảo đảm an toàn cho cả đoàn, tối hôm ấy chúng tôi phải ngủ nhờ tại một đồn biên phòng. Sáng hôm sau, chúng tôi tìm gặp các chủ rừng và đều được thừa nhận tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã và đang diễn ra căng thẳng, nghiêm trọng...

Đi tuần tra là bị lộ

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng phá rừng trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê Trần Lệ Thủy cho biết: Toàn xã có tổng diện tích 22.179 ha, trong đó có 8.789,14 ha đất lâm nghiệp. Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp của xã được giao cho sáu đơn vị quản lý, gồm: UBND xã quản lý 1.685,4 ha rừng sản xuất; Đoàn kinh tế-quốc phòng 737 quản lý 888,76 ha rừng phòng hộ; Đồn Biên phòng Ia Rvê quản lý 4.822,80 ha rừng phòng hộ; Công ty cổ phần xây dựng-thương mại Đại Hưng quản lý 413,15 ha rừng sản xuất; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Dương quản lý 428,79 ha rừng sản xuất và Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến quản lý 550 ha rừng sản xuất. 

Đối với diện tích rừng do UBND xã Ia Rvê quản lý tại tiểu khu 212, trong những năm qua xã đã thành lập Tổ quản lý bảo vệ và phát triển rừng gồm 5 người, do Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Huy làm Tổ trưởng, các thành viên gồm kiểm lâm địa bàn, cán bộ địa chính, lãnh đạo Công an xã, Quân sự xã. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đặc biệt hiện nay trên địa bàn xã xuất hiện nhiều đối tượng, băng, nhóm từ các địa phương khác đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng nên công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, đường sá đi lại khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát để phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép… Trong khi đó, địa bàn hiểm trở, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất nên xâm chiếm đất rừng để canh tác. 

Theo báo cáo của UBND xã Ia Rvê, trong năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, trên diện tích lâm phần do UBND xã quản lý tại tiểu khu 212, Tổ quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã phát hiện và lập biên bản 7 vụ phá rừng, lấn chiếm đất đai, trong đó có 3 vụ gây thiệt hại về cây rừng với diện tích 29,1 ha; 4 vụ đất rừng bị cày xới với diện tích 34,76 ha nhưng không phát hiện đối tượng. Ngoài ra, tại khoảnh 1, tiểu khu 212 các đối tượng còn xâm hại 7,16 ha rừng… Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì diện tích rừng bị phá, lấn chiếm và cày xới còn lớn hơn rất nhiều. 

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rvê Trần Văn Huy cho biết: “Công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, ngoài địa bàn rộng, lực lượng mỏng, địa hình phức tạp, thì mỗi lần chúng tôi tổ chức đi tuần tra, mật phục để xử lý các vụ việc, hành vi xâm hại rừng, lấn chiếm đất đai thì đều bị lộ. Tôi vừa ra khỏi cổng UBND thì các đối tượng đều biết và gọi điện thông báo cho các đối tượng tại hiện trường bỏ trốn nên không phát hiện được người nào phá rừng, cày xới đất rừng”. 

Chúng tôi đặt câu hỏi: Liệu trong nội bộ có vấn đề, có người tiếp tay cho nạn phá rừng hay không khi thông tin các cuộc tổ chức tuần tra, mật phục đều bị lộ lọt ra ngoài? Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận không biết, không hiểu vì sao…

Nhìn rừng mất dần

Về điểm nóng phá rừng tại dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Diện, Đội trưởng quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng của Làng thanh niên lập nghiệp, đại diện chủ rừng đang có mặt ở đây. Anh Diện cho biết: Làng thanh niên được thành lập năm 2007 và được UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý 2.781,56 ha đất, rừng. Trong đó có 1.603,87 ha rừng tự nhiên, thuộc loại rừng sản xuất tại các tiểu khu 132, 134, 144, 154, xã Ia Lốp. Trong giai đoạn 2006-2009, dự án do T.Ư Đoàn đầu tư. Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh đoàn Đắk Lắk tiếp tục quản lý và điều hành dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp.

Theo anh Diện, Đội quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng của Làng thanh niên chỉ có bốn người. Những năm qua, Đội thường xuyên phối hợp UBND xã Ia Lốp, kiểm lâm địa bàn, Bộ đội biên phòng, Ban tự quản thôn Thanh niên lập nghiệp, xã đội, Công an xã… tuyên truyền cho dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời tuần tra, kiểm tra ngăn chặn mọi hoạt động xâm hại đến tài nguyên rừng… Tuy nhiên, lực lượng quá mỏng, không có chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, trong khi diện tích rừng lại lớn, địa hình phức tạp. Đặc biệt hai năm gần đây, trên địa bàn có nhiều đối tượng, băng, nhóm từ các nơi kéo về để phá rừng, xâm chiếm đất rừng hoặc đứng sau giật dây cho các đối tượng phá rừng. Các đối tượng này hết sức manh động, liều lĩnh. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở các nơi cũng đổ vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng để ở và sản xuất, khiến công tác quản lý và bảo vệ rừng càng thêm khó khăn, nguy hiểm. 

“Đêm nào chúng em cũng đi tuần tra, phát hiện các đối tượng ngang nhiên đưa xe vào cày đất nhưng vẫn không làm gì được. Vì vậy, đến nay trong số hơn 1.603 ha rừng tự nhiên được giao cho Làng thanh niên mà tụi em trực tiếp quản lý thì có khoảng 600 ha rừng bị mất. Mặc dù chúng em đã báo cáo với chính quyền địa phương, Tỉnh đoàn và các cấp, các ngành trong tỉnh nhưng vẫn chưa được hỗ trợ và có giải pháp ngăn chặn khiến rừng vẫn bị mất rất nhiều. Chúng em là đại diện chủ rừng và trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng ở đây nhưng đành bất lực”, anh Diện nói. Chủ tịch UBND xã Ia Lốp Đoàn Minh Thuận cũng thừa nhận: Tình trạng phá rừng xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn xã, nhất là tại dự án Làng Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp. 

Có xâm nhập các điểm nóng phá rừng trên địa bàn huyện Ea Súp mới thấy được nỗi đau của rừng xanh. Chưa bao giờ tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng lại nóng như những tháng mùa khô năm nay. Trong khi vụ phá rừng nghiêm trọng với diện tích hơn 382 ha xảy ra tại tiểu khu 205 xã Ya Tờ Mốt vừa được phát hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố và đang truy tìm thủ phạm thì nay lại phát hiện thêm hàng trăm ha rừng tại tiểu khu 212, xã Ia Rvê và tại dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp bị tàn phá, lấn chiếm. Điều đáng nói là tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở hai khu vực này không phải nay mới xảy ra mà đã nhiều năm nay với diện tích lớn.

Chia tay với người dẫn đường vào những điểm nóng phá rừng, chúng tôi trở về thành phố. Trên suốt chặng đường trở về, tôi vẫn suy nghĩ mãi nỗi trăn trở của người dân vùng biên ải Ia Rvê và Ia Lốp: Do tình trạng phá rừng tràn lan nên những năm gần đây, thời tiết trên địa bàn xã Ia Rvê và Ia Lốp diễn biến bất thường và cực đoan, vào mùa khô thì nắng nóng như thiêu, như đốt, cả người và gia súc đều thiếu nước uống, còn vào mùa mưa thì thường xuyên xảy ra dông lốc, lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề. Nếu ở đây không xuất hiện lâm tặc và đất tặc thì cuộc sống sẽ bình yên và cảnh đẹp biết bao.

(Còn nữa)