Xót xa rừng tự nhiên vùng biên Đắk Lắk bị tàn phá (Kỳ 1)

Dư luận tại Đắk Lắk đang quan tâm đến vụ việc hàng trăm ha rừng ở hai xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp, huyện Ea Súp bị “xóa sổ”. Trước đó, vụ phá gần 400 ha rừng tự nhiên tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án về tội “hủy hoại rừng”.

Rừng tự nhiên tại tiểu khu 212 bị tàn phá và các đối tượng thu gom thành đống để đốt, lấn chiếm lấy đất sản xuất.
Rừng tự nhiên tại tiểu khu 212 bị tàn phá và các đối tượng thu gom thành đống để đốt, lấn chiếm lấy đất sản xuất.

Kỳ 1: Vào điểm nóng phá rừng

Thoạt nghe, chúng tôi không tin vì chúng tôi là nhóm phóng viên đầu tiên tiếp cận hiện trường và đưa tin về vụ phá gần 400 ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt, làm gì có thêm diện tích rừng bị tàn phá lớn đến vậy? Khoảng cách giữa các khu vực này cũng không xa lắm! Tuy nhiên, khi nghe người cung cấp thông tin thẳng thắn: “Các anh là người được chúng tôi tin tưởng, vì đã phản ánh được vụ phá gần 400 ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt nên mới cung cấp thông tin”. 

Nóng từ Ia Rvê…

Đã nhiều lần vào các điểm nóng phá rừng, nhưng xác định lần này sẽ đối mặt nhiều khó khăn, vất vả và nguy hiểm hơn. Vì diện tích rừng bị tàn phá nằm trên địa bàn các xã biên giới, nằm cách xa trung tâm TP Buôn Ma Thuột hơn 150 km, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết mùa này ở Tây Nguyên lại nóng bức. Đặc biệt, theo người cung cấp thông tin thì trên địa bàn hai xã Ia Rvê và Ia Lốp, huyện Ea Súp những năm gần đây xuất hiện nhiều đối tượng, băng, nhóm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, bọn chúng hết sức manh động, liều lĩnh… 

Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại địa bàn xã Ia Rvê và được một người đàn ông khá thành thạo địa bàn dẫn đường vào điểm nóng phá rừng tại tiểu khu 212 xã Ia Rvê. Từ cổng chào thôn 2, xã Ia Rvê theo một con đường đất nhỏ vừa một xe ô-tô đi chỉ vài km là đến khu vực phá rừng. Theo người dẫn đường, con đường này là do các doanh nghiệp tự san gạt để đưa xe, máy móc vào dự án của mình. 

Đã gắn bó với vùng đất này nhiều năm, có nhiều mối quen biết nên người dẫn đường cho chúng tôi nắm bắt được khá nhiều thông tin. Theo đó, dọc hai bên con đường đất nhỏ này, một bên là diện tích rừng do UBND xã Ia Rvê quản lý, một bên là đất và rừng thuộc dự án của các doanh nghiệp. 

Vừa đặt chân đến tiểu khu 212, đập vào mắt chúng tôi là một diện tích lớn rừng tự nhiên do UBND xã Ia Rvê quản lý bị phá trắng. Cây to có, nhỏ có, bị cưa sát gốc. Dấu cưa mới có, cũ có. Cây rừng ở khu vực này đã được gom lại thành từng đống để đốt với mục đích lấn chiếm đất sản xuất. 

Dưới tiết trời biên cương nắng nóng gay gắt, sau khi ghi lại hình ảnh ở khu vực này, chúng tôi tiếp tục tiến sâu hơn theo con đường đất được san ủi và được tận mắt chứng kiến diện tích rừng bị phá trắng càng lớn hơn. Điều đáng nói ở đây là một diện tích lớn rừng sau khi phá trắng và đốt dọn, các đối tượng đã ngang nhiên đưa xe vào cày xới như rừng vô chủ. Diện tích đất bị cày xới này nằm ngay bên con đường vừa được san ủi. 

Trên diện tích do các doanh nghiệp thuê thực hiện dự án, chúng tôi thấy có một xe ủi và một xe máy cày đang san ủi và cày đất ở đây. Chúng tôi tiếp cận với thanh niên lái xe ủi, anh tự giới thiệu tên là Nguyễn Văn Nam, nhà ở TP Buôn Ma Thuột, được Công ty cổ phần xây dựng-thương mại Đại Hưng thuê đưa xe vào san ủi để thực hiện dự án gần một tuần nay. Anh Nam quả quyết, đất dự án có đầy đủ giấy tờ và anh chỉ san ủi theo chỉ dẫn của chủ doanh nghiệp, nhưng lúc này lại không có chủ doanh nghiệp ở đây. Khi chúng tôi hỏi trong thời gian làm việc ở đây, anh có thấy ai phá rừng và cày xới trên diện tích đất rừng do UBND xã Ia Rvê quản lý nằm bên kia đường hay không thì anh Nam nói không biết, không thấy.
 
Mặc dù thời tiết nóng bức, nhưng chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá nặng nề, nhóm phóng viên chúng tôi ai cũng sốt ruột, dù không ai bảo ai nhưng tất cả đều tranh thủ ghi lại hình ảnh rừng bị tàn phá, lấn chiếm để đưa lên công luận.

Xót xa rừng tự nhiên vùng biên Đắk Lắk bị tàn phá (Kỳ 1) -0
Chủ tịch UBND xã Ia Lốp Đoàn Minh Thuận trao đổi với các phóng viên về tình trạng phá rừng trên địa bàn. 

… đến Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp.

Rời tiểu khu 212, xã Ia Rvê, chúng tôi theo quốc lộ 14C và các tuyến đường liên xã gập ghềnh đầy ổ gà, ổ voi thêm vài chục km nữa mới đến lâm phần do Làng thanh niên lập nghiệp, Tỉnh đoàn Đắk Lắk quản lý nằm trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Lúc này đã 15 giờ nhưng thời tiết vẫn nóng bức. Trên suốt chặng đường đi, người dẫn đường luôn căn dặn chúng tôi phải hết sức cẩn thận, bởi ở khu vực này có nhiều đối tượng, băng, nhóm từ các nơi về đây phá rừng, lấn chiếm đất đai, nếu để chúng phát hiện sẽ nguy hiểm. 

Khi xe chúng tôi băng qua khỏi Làng thanh niên lập nghiệp khoảng 2 km rồi rẽ phải, nằm ngay bên cạnh tuyến đường thuộc lâm phần do Làng thanh niên lập nghiệp quản lý, phát hiện tình trạng phá rừng xảy ra hết sức nghiêm trọng. Một diện tích lớn rừng tự nhiên bị phá trắng, cây rừng bị triệt hạ khô có, tươi có nằm ngổn ngang. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích rừng bị phá rất lớn và đang tiếp tục bị tàn phá. Thời điểm chúng tôi có mặt ở đây, không thấy chủ rừng hay lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nào. Giữa một khoảng rừng rộng bị phá, còn sót lại một cây rừng lớn, các đối tượng dùng sơn đánh dấu mốc trên thân cây như để xí phần.

Một đồng nghiệp đi cùng chúng tôi không kìm được nỗi đau xót trước cảnh rừng tự nhiên bị tàn phá, thốt lên: “Đau xót quá, rừng bị tàn phá tàn bạo quá! Thế nhưng vì sao không ai lên tiếng để các cấp, các ngành biết mà chỉ đạo xử lý, ngăn chặn. Hay là họ im lặng, bất lực để lâm tặc lộng hành, muốn làm gì thì làm?”.

Còn theo người dẫn đường cho chúng tôi, tình trạng phá rừng ở đây không chỉ xảy ra trong mùa khô hiện nay mà đã có nhiều năm nay. Hàng trăm ha rừng tự nhiên đã bị tàn phá để lấy gỗ, lấy đất ở, đất sản xuất. Cả chủ rừng lẫn chính quyền địa phương cũng như các lực lượng chức năng hằng ngày vẫn chứng kiến cảnh rừng bị “chảy máu”. Đáng ngạc nhiên là không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Liệu người ta có bất lực trước nạn phá rừng?

(Còn nữa)

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 501 nghìn ha đất có rừng, trong đó có 426.046 ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk được giao cho các chủ rừng như: Vườn quốc gia, khu bảo tồn, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân và UBND các xã quản lý… Tuy nhiên, do thiếu chuyên môn và năng lực, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nên nhiều chủ rừng bất lực, để rừng bị phá tan hoang.