Diện tích rừng Amazon ở Brazil bị tàn phá cao kỷ lục trong tháng 1

NDO -

Trong tháng 1/2022, 430 km2 rừng Amazon trên lãnh thổ Brazil đã bị tàn phá, cao hơn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng 1 ghi nhận diện tích rừng Amazon bị chặt phá lớn nhất kể từ khi hệ thống giám sát hiện nay bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy một khu vực rừng Amazon bị chặt phá ở bang Rondonia, Brazil ngày 28/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Ảnh chụp từ trên không cho thấy một khu vực rừng Amazon bị chặt phá ở bang Rondonia, Brazil ngày 28/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo dữ liệu vệ tinh sơ bộ được Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) công bố ngày 11/2, nạn phá rừng Amazon tiếp tục trở nên tồi tệ hơn ở quốc gia Nam Mỹ này bất chấp những cam kết kiểm soát tình hình gần đây từ phía chính phủ.

Các nhà nghiên cứu môi trường cho biết họ không hề ngạc nhiên khi thấy nạn phá rừng ở Brazil vẫn đang trên đà gia tăng, và chỉ ra rằng một phần nguyên nhân là do các biện pháp bảo vệ môi trường suy yếu kể từ khi ông Jair Bolsonaro nhậm chức Tổng thống vào năm 2019.

Britaldo Soares Filho, một nhà nghiên cứu về mô hình môi trường tại Đại học Liên bang Minas Gerais, nhận định những kẻ đầu cơ đang ngày càng đẩy mạnh chặt phá rừng để lấy quỹ đất phát triển các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, giá thịt bò, đậu nành và các mặt hàng khác tăng cao cũng thúc đẩy nhu cầu về đất đai giá rẻ.

Phản hồi trước số liệu mà INPE công bố, Bộ Môi trường Brazil cho biết các phép so sánh dựa trên những tháng đơn lẻ không đưa ra được bức tranh toàn cảnh tốt nhất.

Cơ quan này cho hay, giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022 đã ghi nhận tình trạng phá rừng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời nhấn mạnh trong năm nay, chính phủ liên bang sẽ hành động mạnh mẽ hơn để trấn áp các loại tội phạm môi trường.

Việc bảo tồn rừng Amazon đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, bởi khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này có khả năng hấp thụ một lượng khí nhà kính khổng lồ thải vào bầu khí quyển.

Trước sức ép quốc tế từ Mỹ và châu Âu, Brazil năm ngoái đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2028 và ký hiệp ước toàn cầu chấm dứt mọi hành động tàn phá rừng vào năm 2030.