Nghệ An "khát" nguồn nhân lực cho ngành y tế và doanh nghiệp

NDO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa 18, tại phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, các đại biểu và cử tri quan tâm đến tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế và nguồn lao động trong các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Tại phiên thảo luận tại hội trường vào chiều 10/7, giải trình vấn đề “nóng” về "khát" nguồn nhân lực y tế mà đại biểu và cử tri quan tâm, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Thị Hồng Hoa cho biết, ngành y tế Nghệ An đang vấp phải tình trạng thiếu nhân lực ở các tuyến, đặc biệt nhân lực có trình độ cao. Trong lúc ngành y tế đang phải chịu áp lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới khi gia tăng 6/11 bệnh truyền nhiễm, cũng như số lượt người dân đến các cơ sở khám, chữa bệnh trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghệ An "khát" nguồn nhân lực cho ngành y tế và doanh nghiệp ảnh 1

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An giải trình về vấn đề thiếu nguồn nhân lực ngành y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, toàn ngành y tế tỉnh hiện có 19.426 nhân lực, trong đó hệ thống công lập là hơn 14.000 người, chiếm 72,3%, ngoài công lập hơn 5.300 người, chiếm 27,7%. Riêng bác sĩ, có hơn 5.000 người, chiếm 23,7%.

Về nhân lực tuyến xã, hiện có 360 xã/460 xã có bác sĩ cơ hữu đang công tác. Ngành y tế điều chuyển hợp đồng hưu trí tại một số cơ sở y tế tuyến xã nên hiện còn 39 trạm y tế xã không có bác sĩ.

Về nhân lực trình độ cao, ở tuyến tỉnh, nhân lực chuyên môn có trình độ sau đại học chiếm 10,2%, đội ngũ này ở tuyến cơ sở là 5,9%. Hiện, nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu ở tuyến tỉnh, cũng như đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở cơ sở.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết thêm: Để đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, theo kế hoạch số giường bệnh tại các cơ sở y tế, cả công lập và tư nhân trên toàn tỉnh là 14. 651 giường bệnh, song thực kê đã lên 18.584 giường bệnh, tăng 3.933 giường bệnh so với kế hoạch, tương đương tăng 120%. Tương ứng với quy định, một giường bệnh phải ít nhất có 1,2 nhân lực theo yêu cầu Thông tư 03 của Bộ Y tế, thì hiện nay, trong khối khám, chữa bệnh, điều trị, ngành y tế Nghệ An đã thiếu khoảng hơn 5.000 nhân lực.

Cụ thể, đối với các đơn vị bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực. Còn đối với các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4, chủ yếu các trung tâm y tế, trạm y tế và một số bệnh viện đặc thù thiếu 1.448 nhân lực. Tuy nhiên, các đơn vị y tế cơ sở thuộc nhóm này vẫn phải thực hiện giảm chỉ tiêu biên chế hàng năm nên đặt ra áp lực số lượng nhân lực y tế của ngành, đặc biệt y tế cơ sở thiếu.

Chưa kể, từ năm 2020, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công khá nhiều với 350 người, trong đó có 160 bác sĩ chuyển ra khỏi các cơ sở y tế công lập.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách để phát triển nhân lực ngành y tế, đặc biệt là chính sách thu hút bác sĩ tốt nghiệp ra trường bằng giỏi, bằng khá về công tác tại Nghệ An. Riêng năm 2023, tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng đào tạo và thu hút, trong đó có 34 trường hợp thu hút và 253 trường hưởng chính sách đào tạo.

Ngành y tế Nghệ An đã liên kết 5 trường đại học đào tạo cho nhân lực điều dưỡng, bác sĩ tại các bệnh viện. Đối với các đơn vị tự chủ, ngành khuyến khích dành nguồn lực từ phần tự chủ để có chính sách hỗ trợ nhân lực y tế tại đơn vị đi học bên cạnh chính sách của tỉnh. Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế không đủ nên việc cử đi đào tạo nâng cao lại càng khó hơn, tạo áp lực lên những người đang làm việc.

Về công tác tuyển dụng, năm 2023, tuyển dụng tại tuyến huyện đối với đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 chỉ đạt 46%. Đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1, nhóm 2, ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện hạng 1 chỉ có hai đơn vị tuyển dụng được 92%, còn lại ở mức trên 60%.

Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm để giúp ngành y tế bảo đảm nguồn lực; trong đó tỉnh cần ban hành chính sách mới thay thế chính sách cũ để thu hút nhân lực về làm việc tại tỉnh.

Về thị trường lao động, tình trạng thiếu hụt lao động trong một số doanh nghiệp là vấn đề đại biểu và cử tri rất quan tâm. Trả lời về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An Vy Ngọc Quỳnh cho biết: Hiện, Nghệ An có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào, nhất là các doanh nghiệp FDI, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp này rất lớn. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có 45.000 người, trong đó doanh nghiệp trong tỉnh cần tuyển dụng 36.000 người. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới tuyển dụng khoảng 50% số nhu cầu lao động.

Nghệ An "khát" nguồn nhân lực cho ngành y tế và doanh nghiệp ảnh 2

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An giải trình về thiếu hụt lao động ở một số doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An, nguồn lao động trong tỉnh nhiều nhưng khó tuyển dụng, vì họ có xu hướng tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Hiện, nhiều thị trường mở ra, thu nhập ở nơi khác cao hơn so với trong tỉnh. Nơi nào có thu nhập cao, môi trường tốt có các chế độ phúc lợi và làm việc an toàn thì lao động sẽ tìm đến. Ngành lao động và các ngành liên quan đã kiến nghị nhiều lần, muốn thu hút lao động, doanh nghiệp phải quan tâm, cải thiện hơn nữa mức thu nhập, phúc lợi xã hội cho người lao động.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An nhấn mạnh: Mới đây, tháng 7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp tháo gỡ khó khăn nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Theo đó, ngành lao động sẽ tiếp tục phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp để có giải pháp thu hút lao động nhất là thu hút hàng vạn lao động Nghệ An có kinh nghiệm và tay nghề đang ở các tỉnh, thành phố trong cả nước về làm việc tại địa phương.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nghệ An chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 50 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo 65.000 lao động. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trung ương có cơ chế, chính sách, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Đề án về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An có Nghị quyết 32 về cơ chế, chính sách đào tạo nghề liên quan nên thời gian tới rất cần sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề, trên cơ sở “đặt hàng” đào tạo nghề cho người lao động từ phía doanh nghiệp.