Ngày hội sẽ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung và 35 dân tộc tỉnh Bình Thuận nói riêng; nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; đồng thời, gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Trống Paranưng và kèn Saranai là hai loại nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hội của người Chăm. |
Bên cạnh đó, ngày hội còn góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76- KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị.
Trong những ngày diễn ra ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên, cộng tác viên (đồng bào dân tộc) gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy, gắn kết và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Đồng thời, ngày hội là dịp để quảng bá và giới thiệu về hình ảnh, đất nước, con người, nét văn hóa, các di sản văn hóa, dân ca, dân vũ, dân nhạc và nét đẹp, độc đáo của trang phục dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương.
Ngày hội là dịp để quảng bá và giới thiệu về hình ảnh, đất nước, con người, nét văn hóa, các di sản văn hóa. |
Ngoài ra, ngày hội phải huy động được sự tham gia đông đảo của các ngành, các cấp, các địa phương, các nghệ nhân; tôn vinh được các giá trị, các loại hình văn hóa đặc sắc, các tiết mục tham gia thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mang tính quần chúng, phong phú về loại hình, sáng tạo, đa dạng, độc đáo về nội dung; lan tỏa nét đẹp văn minh, hiện đại, tạo ấn tượng tốt đẹp, được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin.
Ngày hội sẽ có phần thi Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc và và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi, với chủ đề: “Thanh âm núi rừng”. Phần thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc phải thể hiện đủ ba loại trang phục gồm ngày thường, lễ hội, lễ cưới.
Ấn tượng Ngày hội văn hóa dân tộc H'Mông - Mùa hoa lê, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng
Phần thi ca ngợi quê hương, đất nước, con người; phản ảnh những khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc. |
Tôn vinh, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian cho bốn dân tộc tiêu biểu tỉnh Bình Thuận thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật" và “Nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị Ariya của người Chăm tỉnh Bình Thuận”.
Mỗi đoàn tham gia xây dựng một chương trình ca, múa, nhạc dân gian gồm dân ca thể hiện các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc tỉnh Bình Thuận như hát ru, hát đối đáp giao duyên, hát đồng dao, hát kể sử thi và trữ tình, hát khấn thần trong các nghi lễ...; dân vũ thể hiện các điệu múa truyền thống dân gian của các dân tộc trong các trích đoạn lễ hội, dân vũ truyền thống, dân vũ sử thi...; dân nhạc thể hiện các nhạc cụ dân tộc như độc tấu, song tấu, tam tấu, hòa tấu... với các loại nhạc cụ truyền thống riêng của từng dân tộc; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, ngày hội sẽ có tọa đàm khoa học với chủ đề “Bảo tồn-Gắn kết-Lan tỏa” đưa thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Mỗi đoàn tham gia xây dựng một chương trình ca, múa, nhạc dân gian. |
Các bài tham luận sẽ nêu thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy và lan tỏa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thảo luận các giải pháp, phương thức để thực hiện công tác bảo tồn, khôi phục, khai thác và phát huy giá trị văn hóa trong trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng về ý nghĩa, giá trị của công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhận diện trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận nói riêng, các tỉnh bạn lân cận nói chung có những đặc điểm chung và khác nhau trong sự giao thoa văn hóa và thích ứng với thời đại hiện nay.
Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước; nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Người dân tộc tham gia hội thao. |
Bên cạnh đó, ngày hội có không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương. Theo đó, các đoàn trưng bày, giới thiệu một không gian văn hóa truyền thống gồm: mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của đồng bào dân tộc tiêu biểu của địa phương; tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt…
Điểm nhấn là văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương; những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương; trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản truyền thống tiêu biểu của địa phương, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch của địa phương.