Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh

NDO - Một nhiệm vụ trọng tâm đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt ra nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là hoàn thành việc hợp nhất hai công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Đoàn tàu Thống Nhất trên tuyến đường sắt bắc-nam.
Đoàn tàu Thống Nhất trên tuyến đường sắt bắc-nam.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, được kỳ vọng sẽ là tiền đề cải thiện hạ tầng, khơi thông nguồn lực và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh ảnh 1

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chia sẻ một số ý kiến chung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông Hoàng Gia Khánh, theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt tiến độ hiện tại triển khai ra sao, dự kiến khi nào sẽ hoàn thành?

Ông Hoàng Gia Khánh: Thực hiện lộ trình được Thủ tướng Chính phủ xác định tại Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phải thực hiện xong việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt, hoàn thành trong năm nay.

Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh ảnh 2

Đường sắt thời gian gần đây đã tạo nhiều dấu ấn đổi mới.

Hiện nay, hồ sơ hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, dự kiến sẽ sớm được cấp phép về việc chào bán cổ phiếu để hoán đổi, thực hiện hợp nhất. Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn tại 2 công ty thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định để hợp nhất như: công bố thông tin, chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu, hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt,...

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh của công ty sau hợp nhất vào đầu quý 4/2024, bảo đảm việc hợp nhất xong trong năm 2024 đúng theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh ảnh 4

Tàu qua ga Gia Lâm (Hà Nội).

PV: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có tính đến phương án giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt hay không?

Ông Hoàng Gia Khánh: Phương án giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt. Nội dung này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề cập trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn đến hết năm 2025 và được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với ý kiến của các cơ quan về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình phù hợp giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất, đồng thời phải linh hoạt, để có thể thuận lợi thoái vốn khi có đối tác. Việc giảm cổ phần chi phối sẽ tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia, đổi mới, nâng cao dịch vụ vận tải đường sắt.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất và được thực hiện trong giai đoạn sau là phù hợp.

Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh ảnh 5

Sau khi doanh nghiệp hợp nhất đi vào hoạt động, trên cơ sở đánh giá 1-2 năm thực tiễn hoạt động, Tổng Công ty sẽ nghiên cứu định hướng giảm tỷ lệ chi phối tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt; chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách trong quá trình xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2025-2030.

PV: Công nghiệp đường sắt có cơ hội lớn khi tới đây Việt Nam xây dựng mới các tuyến đường sắt khổ 1.435mm, đường sắt đô thị, cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt. Theo ông, Nhà nước cần có chính sách gì phát triển cơ khí đường sắt để thực hiện cam kết về giảm lượng phát thải, chuyển đổi năng lượng sạch?

Ông Hoàng Gia Khánh: Hiện nay, hai Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Gia Lâm là hai đơn vị chủ lực về đóng mới, lắp đặt, sửa chữa phương tiện đường sắt, chủ yếu là đầu máy, toa xe với nhiều sản phẩm đưa ra khai thác được khách hàng đánh giá cao. Ngoài ra, Tổng Công ty còn có các đơn vị sửa chữa, bảo trì, vận dụng đầu máy, toa xe và các phương tiện đường sắt khác.

Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu cho các tuyến đường sắt khổ 1.435 mm, điện khí hóa sau này, tôi cho rằng Nhà nước cần phải có các chính sách về đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt cụ thể hóa hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp đường sắt phải được đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm để có cơ hội thu hút các thành phần trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào công nghiệp đường sắt.

Luật Đường sắt sửa đổi tới đây dự kiến sẽ bổ sung các quy định theo hướng hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, sử dụng các nguồn vốn ưu đãi cho phát triển các sản phẩm cơ khí đường sắt; cấp vốn để nhập khẩu dây chuyền công nghệ, trang thiết bị mới; bổ sung quy định ưu tiên, khuyến khích nội địa hóa; liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt; quy định ràng buộc về chuyển giao công nghệ, lắp ráp phương tiện nội địa đối với các dự án đầu tư phương tiện đường sắt,...

Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh ảnh 7

Sản phẩm công nghiệp đường sắt cần được đưa vào danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm để có cơ hội thu hút các thành phần trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào công nghiệp đường sắt.

Chúng tôi cũng đang kiến nghị Chính phủ đưa sản phẩm công nghiệp đường sắt là đối tượng được điều chỉnh của dự thảo Luật sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

PV: Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ có thuận lợi và khó khăn gì đối với Tổng Công ty?

Ông Hoàng Gia Khánh: Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý đã ảnh hưởng trực tiếp và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Để chủ động trong sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty phải có tài sản, phải được giao quản lý và sử dụng khai thác tài sản này nhằm mục tiêu phát triển được kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, năng lực vận tải hàng hóa trong nước và liên vận quốc tế thông qua hai cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai. Bên cạnh đó, những tài sản đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo được công ăn việc làm và nâng cao thu nhập người lao động; mang lại nguồn lợi, tăng thu ngân sách nhà nước và bảo đảm được trạng thái của tài sản.

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai các bước tiếp theo để đưa toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia khai thác hiệu quả, sớm nhất theo đúng quy định và phát huy được nguồn lực đang có đặc biệt là hơn 3.143km đường sắt, 303 khu ga đi qua 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các phương án nhằm khai thác tốt nhất tài sản được giao.

Ngành đường sắt hợp nhất 2 công ty vận tải, thay đổi mô hình kinh doanh ảnh 8

Ga Phan Thiết (Bình Thuận).

PV: Với việc hơn 300 khu ga sẽ được giao cho Tổng Công ty quản lý, vậy đơn vị sẽ đầu tư nâng cấp, hoặc khai thác ra sao? Liệu các khu ga này có kêu gọi, thu hút được nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư hay không?

Ông Hoàng Gia Khánh: Đề án này là bước quan trọng ban đầu, giao cho Tổng công ty quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng. Nghị định 46 sửa đổi sắp tới và dự kiến trong năm nay ban hành, với khu ga thực hiện việc xã hội hóa phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và khi được giao cho Tổng Công ty sẽ lập đề án trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, từ đó tổ chức triển khai theo đề án giao tài sản được duyệt với mục tiêu tạo sự linh hoạt, đáp ứng khai thác kịp thời và phải khơi thông nguồn lực được giao.

PV: Xin cảm ơn ông.