Lấy lại vị thế ngành đường sắt

Với gần 150 năm lịch sử, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, tuyến đường sắt bắc-nam dài 1.726 km đã được Lonely Planet (Australia) - tạp chí lớn nhất thế giới về hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.
Đã từng có giai đoạn, đường sắt là phương thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh-quốc phòng quốc gia. Nguồn: VNR
Đã từng có giai đoạn, đường sắt là phương thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh-quốc phòng quốc gia. Nguồn: VNR

Bên cạnh đó, gần 300 khu ga, hầu hết tọa lạc tại các trung tâm, nhiều khu ga vẫn được gìn giữ nguyên bản, có giá trị cao về kiến trúc, văn hóa… được coi là khối tài sản khổng lồ, quý giá không chỉ của ngành đường sắt. Điều đáng nói là dường như khối tài sản quý giá đó bấy lâu “ngủ quên”, đang chờ được “đánh thức”.

Pháo lệnh cho một phương thức vận tải tụt hậu

Đã từng có giai đoạn, đường sắt là phương thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh-quốc phòng của nước ta. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hạ tầng hệ thống đường sắt đã bị tụt hậu, phát triển không tương xứng với tiềm năng.

Kết luận số 49-KL/TW đánh giá về Đề án tổng kết việc thực hiện Kết luận số 27-KL/TW, ngày 17/9/2008 của Bộ Chính trị

khóa X về Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ: Cơ bản không đạt các mục tiêu đã đề ra; phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chưa được quan tâm đúng mức; hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu, xuống cấp; nguồn lực đầu tư cho phát triển đường sắt chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần, sản lượng vận tải đường sắt ngày càng giảm sút nghiêm trọng…

Kết luận số 49-KL/TW cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập chủ yếu là do: Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phương thức vận tải đường sắt chưa đầy đủ; chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; chưa ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho phát triển đường sắt, huy động nguồn lực ngoài ngân sách rất hạn chế. Quy định pháp luật về giao thông vận tải đường sắt chậm đổi mới, chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách đột phá. Chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học công nghệ, công nghiệp đường sắt…

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá, Kết luận số 49-KL/TW xác định, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế bắc-nam, các hành lang vận tải chính đông-tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Đây có thể được ví như “phát pháo lệnh” nhằm chấn hưng một phương thức vận tải có nhiều ưu việt, nhưng đang chậm đổi mới, lạc hậu.

Biến trăn trở thành hành động

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ những ấn tượng và trăn trở của mình đối với ngành đường sắt, thể hiện mong muốn vực dậy và phát triển ngành này một cách bền vững, xứng tầm một phương thức vận tải chủ lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, lâu nay, ngành đường sắt được đưa ra làm thí dụ cho những vấn đề, câu chuyện trì trệ, lạc hậu, chậm đổi mới. Vậy mà, khi trực tiếp khảo sát tại Ga Hà Nội, lên tàu hỏi chuyện nhân viên đường sắt và hành khách, người đứng đầu Chính phủ đã nhận thấy những tín hiệu đổi mới khá rõ nét. “Dù cơ chế, chính sách chưa có nhiều đột phá, nhưng khi người đường sắt đã quyết tâm thay đổi, biến trăn trở thành hành động, biến ý tưởng thành hiện thực, chắc chắn sẽ thổi vào luồng sinh khí mới, “nắn ray” cho toa tàu tăng tốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2023, sau nhiều năm thua lỗ, với sự chuyển mình ấn tượng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có lãi gần 100 tỷ đồng. Năm 2024, Tổng công ty đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Phấn đấu năm 2025, đường sắt đạt tổng doanh thu hợp nhất 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ 26.190 tỷ đồng, giai đoạn 2024-2025 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,7%/năm.

Hơn một năm qua, những nỗ lực xây dựng sản phẩm dịch vụ, ngành đã có sự “lột xác” về hình ảnh, thương hiệu. Tại ga Long Biên (Hà Nội), khi tiến hành cải tạo, biến một phần khu ga thành “Hỏa xa café”, chỉ sau thời gian ngắn đã xuất hiện tên trên bản đồ du lịch Hà Nội. Phong trào “Đường tàu-Đường hoa” với phương châm “Mỗi cung đường một loài hoa, mỗi khu ga một điểm đến” đã khoác tấm áo mới nhiều mầu sắc cho những cung đường, khu ga nhuốm mầu thời gian. Mai đây, tuyến đường sắt Thống Nhất hơn 1.700 km sẽ thành con đường hoa dài nhất Việt Nam.

Đột phá quan trọng, tạo lập “trục xương sống” vận tải

Nhằm điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp, ngày 26/6/2024 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.

Trước hết, trong năm 2024, ngành đường sắt sẽ hoàn thành việc hợp nhất Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty Vận tải đường sắt. Đồng thời, duy trì công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; giữ nguyên mô hình tổ chức của Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; các chi nhánh khai thác đường sắt, các chi nhánh xí nghiệp đầu máy và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc công ty mẹ. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, toàn Tổng công ty hợp nhất doanh thu tăng bình quân hằng năm so năm trước liền kề từ 7-8%; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; bảo đảm đủ việc làm, nâng cao đời sống người lao động, đưa Tổng công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước bù đắp khoản lỗ lũy kế.

Một vấn đề khác, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 cũng cho thấy những nỗ lực cơ cấu lại ngành. Quy hoạch đặt mục tiêu khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% tổng thị phần vận tải hành khách.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, Quy hoạch mạng lưới đường sắt là đột phá quan trọng, góp phần tạo lập “trục xương sống” vận tải. Quan trọng là lúc này, cần sự quyết tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện từng đầu việc, cụ thể hóa các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, đường ray của Việt Nam vẫn chủ yếu giữ khổ nhỏ, trong khi hầu hết các nước trên thế giới không còn dùng nữa. Tốc độ tàu ở nước ta chỉ khoảng 50-60 km/giờ đối với tàu hàng, tàu khách khoảng 80-90 km/giờ. Trong khi đường sắt ở các nước tiên tiến trên thế giới vận tải người trung bình khoảng 150-200 km/giờ, đó là chưa kể đường sắt cao tốc hơn 300 km/giờ và hơn thế nữa. Ông Đặng Huy Đông, Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, đề xuất, cần ưu tiên phát triển đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm. Đồng thời, cần dự phòng đất hai bên tuyến bắc-nam để phát triển tàu cao tốc hoặc siêu cao tốc.

Kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025:

Theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn đến hết năm 2025, sẽ duy trì Công ty mẹ - VNR là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, giữ nguyên mô hình tổ chức của Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; các chi nhánh khai thác đường sắt, các chi nhánh xí nghiệp đầu máy. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc VNR gồm: Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; 12 Chi nhánh Khai thác đường sắt: Hà Nội, Lào Cai, Hà Lào, Hà Lạng, Hà Thái Hải, Hà Thanh, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sài Gòn và Chi nhánh ga Đồng Đăng…; Thành lập mới Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng và phát triển Đường sắt là đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ - VNR…

Về sắp xếp đối với Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn: thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo tại Văn bản số 303/TTg-ĐMDN ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, toàn Tổng công ty hợp nhất, giá trị sản lượng và doanh thu tăng bình quân hằng năm so năm trước liền kề từ 7%-8%. Bảo đảm đời sống việc làm cho người lao động. Công ty mẹ - VNR doanh thu tăng bình quân hằng năm so năm trước liền kề từ 14%.