Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu

NDO - Chỉ trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, ngành đường sắt đã “trình làng” hàng loạt sản phẩm mới: khai thác đoàn tàu du lịch chất lượng cao Huế-Đà Nẵng, Sài Gòn-Đà Nẵng, chạy tàu đêm Đà Lạt-Trại Mát và mới đây nhất là khai trương chuyến tàu hàng liên vận quốc tế từ ga Cao Xá (Hải Dương).
0:00 / 0:00
0:00
Nhà ga Đà Lạt trong đêm.
Nhà ga Đà Lạt trong đêm.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân một số vấn đề về sự thay đổi, “lột xác” của ngành, mạnh dạn phá bỏ tư duy cũ để “bắt nhịp” phát triển.

Phóng viên (PV): Thưa ông, vốn chỉ được coi là “ga xép” trên tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, vì sao VNR lại có ý tưởng nâng cấp ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế?

Ông Hoàng Gia Khánh: Như chúng ta đều biết, sáng 2/5 vừa qua, đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm, sữa,… từ ga Cao Xá (huyện Cẩm Giàng) đã tham gia hành trình liên vận quốc tế. Ngày 20/5 tới đây, theo kế hoạch, tỉnh Hải Dương sẽ mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu chuyến vải đầu tiên tại ga Cao Xá. Có thể nói, đây là “bước đệm” quan trọng để đưa ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế trong tương lai. Sau ga Kép (Bắc Giang), Cao Xá là ga thứ 2 VNR thực hiện cải tạo, nâng cấp nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu nội địa.

Ga Cao Xá trước đây là ga hạng 4, chỉ có 3 đường sắt và 1 bãi hàng quy mô nhỏ làm nhiệm vụ nhường tránh tàu và xếp dỡ hàng hóa, chỉ phục vụ vận chuyển hàng nội địa như phân bón, xi-măng; khối lượng vận chuyển thấp. Hàng hóa ở Hải Dương chưa xuất nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt do các ga trên địa bàn chưa có bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container. Ga Cao Xá cách ga Yên Viên khoảng 50km, việc tổ chức vận tải liên vận quốc tế đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng rất thuận lợi.

Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu ảnh 1

Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên khai thác từ ga Cao Xá.

Chính vì thế, VNR đã đề xuất các cấp có thẩm quyền cải tạo, nâng cấp bãi hàng trong phạm vi đất đường sắt đang quản lý, đáp ứng yêu cầu về bãi ngoại quan chuyên dùng. Trong giai đoạn 2, nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục nâng cấp ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan,...

PV: Thời gian qua, khách du lịch và người dân đánh giá rất cao trước hàng loạt đoàn tàu du lịch chất lượng cao được VNR đưa vào khai thác. Đây có phải hướng đi mới của VNR nhằm kéo hành khách quay trở lại đường sắt, thưa ông?

Ông Hoàng Gia Khánh: Cuối tháng 3 vừa qua, VNR đã đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch chất lượng cao SE19/20 (Huế-Đà Nẵng) mang tên “Kết nối di sản miền trung”. Khách đi tàu được “check-in” đèo Hải Vân - “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Từ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nơi giao thoa giữa 2 miền nam-bắc, một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông.

Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu ảnh 3

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR.

Giữa tháng 4, chúng tôi khai trương chuyến tàu “Hành trình đêm Đà Lạt” Đà Lạt-Trại Mát nhằm mang lại cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm. Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan thành phố Đà Lạt.

Cuối tháng 4 vừa qua, đoàn tàu khách SE21/22 cũng được Tổng công ty lựa chọn để nâng cấp, cải tạo, đưa vào khai thác phục vụ hành khách trên tuyến Sài Gòn-Đà Nẵng. Lần đầu tiên, trên toa xe, VNR cải tạo mở rộng nhà vệ sinh (từ 1m lên 1,4m), thay mới hoàn toàn nội thất. Ngoài toa xe 4 giường, tàu còn có 1 số khoang 2 giường phục vụ hành khách muốn có không gian riêng tư.

Việc ra mắt các đoàn tàu du lịch chất lượng cao nằm trong chuỗi sản phẩm, dịch vụ mà ngành đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới nhằm đem đến cho hành khách trải nghiệm thú vị trên các hành trình của đường sắt Việt Nam. Khi các đoàn tàu này được đưa vào khai thác, lập tức đã mang lại hiệu quả rõ nét khi lượng khách tăng đột biến, vé bán cho hành trình này luôn kín chỗ, được hành khách và các tour du lịch đánh giá cao.

PV: Nhiều người cho rằng, thời gian gần đây, đường sắt dường như đã khai thác "tới ngưỡng trần" tiềm năng của mình. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến trên và theo ông, ngành đường sắt còn dư địa phát triển hay không?

Ông Hoàng Gia Khánh: Tôi cho rằng, nếu nói tiềm năng của đường sắt là vô tận cũng không quá lời. Đường sắt Việt Nam có lịch sử gần 150 năm, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện hữu dài gần 3.150km, đi qua 34 tỉnh, thành phố, với hơn 300 khu ga, các khu ga đa số ở trung tâm và nhiều khu ga vẫn được gìn giữ nguyên bản. Năm vừa qua, Tạp chí danh tiếng Leony Playnets đã bình chọn tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh dài 1.726km là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới.

Ngoài nhiệm vụ vận tải hành khách và hàng hóa, chúng tôi mong muốn được chia sẻ các giá trị riêng có đến với cộng đồng. Hành trình đi tàu để du lịch, trải nghiệm, quảng bá hình ảnh của đất nước; con tàu là điểm “check-in” di động, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản. Chúng tôi đang còn ấp ủ rất nhiều mục tiêu, dư địa phát triển vẫn tiếp tục được mở rộng bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi sẽ “bắt tay” với các đối tác quốc tế để triển khai nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo trong thời gian tới.

PV: Ông có thể tiết lộ, VNR đã hợp tác với các đối tác nước ngoài nào và thời gian tới sẽ có những sản phẩm du lịch độc đáo gì nhằm thu hút hành khách?

Ông Hoàng Gia Khánh: Đây là những sản phẩm du lịch hết sức ưu việt, có tiềm năng phát triển mạnh và phù hợp với bối cảnh nước ta. Tuy nhiên, do VNR vẫn đang trong quá trình thương thảo chương trình hợp tác và sắp tới với nhiều sản phẩm du lịch hạng sang, các đối tác nước ngoài bày tỏ quan tâm và đặt vấn đề bảo mật thông tin nên tạm thời chúng tôi chưa công bố cụ thể.

Hành trình đi tàu để du lịch, trải nghiệm, quảng bá hình ảnh của đất nước; con tàu là điểm “check-in” di động, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu ảnh 5

Ông Hoàng Gia Khánh.

Tất cả cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành đường sắt đều nhận thức sâu sắc rằng, đường sắt không phải của riêng đường sắt, mà của người dân, của địa phương, của đất nước, của cộng đồng. Chúng tôi có trách nhiệm nỗ lực góp phần xây dựng hình ảnh, phục vụ kết nối du lịch, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa các vùng miền.

PV: Tại Hội nghị tổng kết đường sắt đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ ấn tượng trước thay đổi căn bản của ngành, định hình được đường hướng phát triển. Xin ông nói rõ hơn những nỗ lực đổi mới mang tính khác biệt của VNR thời gian qua?

Ông Hoàng Gia Khánh: Cùng với nâng cấp, cải tạo toa xe để khai thác các đoàn tàu chất lượng cao, ngành đường sắt cũng đặc biệt quan tâm cải tạo, nâng cấp nhà ga đưa vào phục vụ hành khách. Từ đầu năm đến nay, VNR đã nâng cấp, chỉnh trang và bố trí phòng đợi tàu VIP tại một số ga lớn để phục vụ hành khách, thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang nhiều ga khác trên toàn hệ thống.

Phong trào “Đường tàu-đường hoa” với mục tiêu “Mỗi cung đường, một loài hoa-Mỗi khu ga, một điểm đến” được VNR phát động từ hơn 1 năm trước và tiếp tục triển khai sâu rộng trong năm 2024 đã khai thác được giá trị văn hoá, lịch sử,… của từng khu ga nói riêng, từng địa phương nói chung và có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế.

Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu ảnh 6

Đoàn tàu "Di sản miền trung" khai thác mới đây.

Hạ tầng đường sắt được xây dựng từ thời Pháp nên cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp, tuy nhiên do nguồn ngân sách hạn hẹp, VNR xác định phải kết hợp khai thác trong điều kiện hiện có. Trước đây, ngành đường sắt thường hay than nghèo khó, nhưng vài năm gần đây, chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi tư duy, phá bỏ “tảng băng” trì trệ nhờ vào việc thẳng thắn nhận diện những nhược điểm của mình để nhìn ra và phát huy điểm mạnh. Thực ra, khó khăn đối với ngành đường sắt giai đoạn nào cũng có, vấn đề là đối diện và tiếp cận như thế nào, bởi không phải kêu ca là khó khăn giảm bớt.

Hiện tại, khi đối diện với khó khăn, người VNR đã tìm cách tự vượt qua hoặc chủ động đề xuất các cấp có thẩm quyền hướng giải quyết. Thay vì chờ đợi đầu tư mới, VNR lựa chọn cách khai thác hiệu quả những gì mình đang có, nỗ lực trong khả năng có thể để đổi mới, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, biến nhược điểm thành ưu điểm. Việc đổi mới bắt đầu từ nhận thức, tư duy của cán bộ trong ngành để đi lên, đó là khác biệt rõ nhất của VNR hiện nay.

PV: Ông có lo ngại sự quyết liệt trong thay đổi tư duy của lãnh đạo VNR sẽ gây sức ép, căng thẳng đối với cán bộ, công nhân viên lao động?

Ông Hoàng Gia Khánh: Lâu nay, hễ nhắc về sự trì trệ, ì ạch, người ta thường lấy đường sắt làm ví dụ. Đó mới là sức ép khiến chúng tôi buộc phải “lột xác”, tự thay đổi, làm mới mình. Chúng tôi khuyến khích đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ của cán bộ công nhân viên để giải quyết vấn đề nội tại, thích nghi với thực tiễn, chủ động nắm bắt để định hướng tương lai. Trước đây, công nhân đường sắt có câu nói vui: “3 năm đèn sách để 30 năm xách đèn”, xã hội thay đổi từng ngày nhưng công nhân mấy chục năm vẫn lao động thủ công, thô sơ.

Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu ảnh 7

Đoàn tàu đêm tuyến Trại Mát-Đà Lạt.

Lãnh đạo VNR luôn đồng hành, sát cánh cùng tất cả cán bộ công nhân viên trong các chương trình đổi mới, “đã nói là phải làm” và cố gắng truyền tải thông điệp đến người lao động với mục tiêu đổi mới hình ảnh của ngành. Chúng tôi xác định, thu nhập của người lao động là ưu tiên số 1, nếu thu nhập đủ bảo đảm cuộc sống, họ mới gắn bó cống hiến và hy sinh cho ngành. Trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành mấy năm trước, ngành vẫn phải bảo đảm ổn định đời sống cho hơn 22.000 người lao động.

Năm 2024, VNR đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ. VNR đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm phấn đấu đạt 4,7%/năm; lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng, trong khi giai đoạn 2021-2022 lỗ 1.194 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, cuối năm nay, VNR sẽ hoàn thành sáp nhập Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần vận tải Đường sắt vào cuối năm nay. Việc sáp nhập 2 đơn vị này sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm bớt các bộ phận trung gian và tăng hiệu quả vận dụng phương tiện, tài sản hiện có.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!