Trải nghiệm độc đáo, thú vị
Sau mấy chục năm chưa đi tàu, chị Bùi Thị Thành ở Hoài Đức (Hà Nội) bất ngờ khi lên tàu SE19 Hà Nội-Đà Nẵng tối 21/8 bởi nhiều thay đổi, tàu sạch đẹp, nội thất mới, không khí thân thiện, nhân viên phục vụ ân cần, chu đáo.
Chị Lưu Thị Hồng Châu ở Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội) thì hồ hởi chia sẻ dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, gia đình chị đã chọn mác tàu này, thấy an toàn, thoải mái nên tiếp tục đi tàu du lịch vào Đà Nẵng và bày tỏ tin tưởng, nếu chất lượng được duy trì, nâng cao sẽ hút khách.
Từ khi khai trương đoàn tàu chất lượng cao SE19/20, giá vé không tăng, chất lượng tăng, hệ số sử dụng chỗ thường xuyên đạt 100%. Hành khách ngủ trên khoang tàu như một phòng khách sạn di động thu nhỏ, chỉ cần quét mã QR code chọn món ăn, đặc sản vùng miền sẽ được phục vụ tận nơi. Những giờ phút thư thái thưởng ngoạn cảnh đẹp nên thơ, trải nghiệm dịch vụ, tiện nghi cùng thái độ phục vụ niềm nở, tận tình của tổ tàu tạo nhiều thiện cảm.
Không giấu sự tự hào, Trưởng tàu Nguyễn Đức Vân chia sẻ, khoảnh khắc đáng nhớ là hình ảnh đoàn cựu chiến binh hát vang bài ca cách mạng, say sưa trò chuyện nhắc nhớ một thời hoa lửa; hay tốp bạn trẻ say mê chụp ảnh, livestream phong cảnh; và các du khách nước ngoài trầm trồ khi tàu lướt qua cánh đồng lúa mênh mông, đầm sen tươi thắm, vịnh biển xanh ngắt, thích thú vui nhảy khắp toa tàu. Tính năng hiện đại của tàu SE21/22 Sài Gòn-Đà Nẵng như nâng cấp, mở rộng nhà vệ sinh, có thể xoay ghế 180 độ để điều chỉnh hướng ngồi phù hợp, bố trí khoang hai giường, thực đơn phong phú với các món Á, Âu…, cũng nhận được phản hồi tích cực.
Với tiêu chí “hành khách là trung tâm”, các tàu du lịch mới có nhiều tiện ích và một số phòng đợi tàu VIP lần đầu đưa vào phục vụ mang lại trải nghiệm lý thú. Trên đoàn tàu “Kết nối di sản miền trung” chạy khu đoạn Huế-Đà Nẵng, du khách vừa chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hút hồn của cung đường đẹp nhất vừa giao lưu, hòa mình trong không gian sinh hoạt văn hóa tại toa cộng đồng với tiết mục văn nghệ, ẩm thực, sản vật đậm đà bản sắc địa phương.
Du lịch trên tàu Hà Nội-Hải Phòng luôn là lựa chọn số một trong chuyến “foodtour tới đất Cảng”. Còn nếu muốn khám phá, cảm nhận vẻ đẹp lung linh phố núi về đêm, du khách không thể bỏ lỡ chuyến tàu “Hành trình đêm Đà Lạt” để ngắm ánh đèn nhà lồng, vườn cây, những căn nhà nhỏ, con hẻm xinh xinh qua cửa sổ toa tàu rực sáng, trong tiếng kèn du dương. Lãnh đạo thành phố Đà Lạt kỳ vọng sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ sẽ giúp mọi người thêm yêu xứ sở ngàn hoa thơ mộng, góp phần phát triển kinh tế đêm. Các đoàn tàu charter (thuê bao) phục vụ khách đoàn tập thể, đám cưới, sinh nhật tổ chức trên tàu từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Giá vé linh hoạt, hợp lý, hành trình an toàn, ấn tượng, khó quên..., tất cả đã hợp lại tạo nên sự bùng nổ của xu hướng du lịch bằng đường sắt trong năm 2024.
Để những con tàu “đi suốt bốn mùa vui”
Trong bối cảnh thị phần vận tải có sự cạnh tranh khốc liệt, để xóa nhòa “tảng băng” bấy lâu ăn sâu trong nếp nghĩ của không ít người, ngành đường sắt nỗ lực thay đổi chính mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh khẳng định, đổi mới trước hết từ tư duy, không đơn thuần vận tải khách từ điểm đi tới điểm đến mà trên mỗi chuyến tàu, du khách trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, di sản, phong cảnh, ẩm thực mỗi địa phương, vùng miền. Làm thế nào để mỗi hành khách bước xuống tàu trong luyến tiếc, muốn kéo dài thêm hành trình luôn là nỗi trăn trở của toàn ngành. Không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới để mỗi hành trình là một trải nghiệm, mỗi con tàu có thể thành điểm “check-in” di động; các nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản, đường tàu trở thành đường hoa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội các địa phương.
Thế nhưng, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật đòi hỏi nguồn lực đầu tư, giá vé tăng quá cao, điều này có thể dẫn đến việc hành khách chọn phương tiện khác, như vậy, thu sẽ không đủ bù chi. “Khéo co thì ấm”, toàn ngành từ lãnh đạo đến nhân viên quyết tâm vào cuộc, biến khát khao đổi mới thành hiện thực, minh chứng là đoàn tàu “Kết nối di sản miền trung” khai trương chỉ sau hơn một tháng hình thành ý tưởng. Sản lượng, doanh thu tăng trưởng và có lãi là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành công bước đầu, về dài hạn, cần chiến lược bài bản, liên tục đổi mới, cải tiến, ngành vận tải đường sắt mới đủ sức hấp dẫn, thu hút hành khách tìm đến.
Thực tế, ngành đường sắt nỗ lực biến nhược điểm về tốc độ chạy tàu thành ưu điểm để cho ra mắt những sản phẩm tốt nhất, gia tăng các dịch vụ tiện ích trên tàu, hướng đến phân khúc hành khách có thời gian, thích khám phá, trải nghiệm. Đi đôi với đó là chú trọng đáp ứng tối đa nhu cầu của khách về điều kiện sinh hoạt trên tàu và bổ sung thực đơn các vùng miền, chương trình giải trí hấp dẫn trên tàu nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp trong phục vụ.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau, sự phối hợp tích cực của các đối tác, chính quyền địa phương đồng hành hỗ trợ tiếp thêm động lực cho ngành càng tự tin sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ. Cái “bắt tay” hợp tác giữa Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội bứt phá, khai thác hiệu quả tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nước nhà với hàng loạt chương trình kích cầu, tăng cường chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sắt… Một trong những mục tiêu hướng tới là xây dựng mô hình du lịch liên kết “một tấm vé cho cả hành trình”, trong đó đường sắt là một phân khúc trong chuỗi phục vụ, kết nối dịch vụ đầu cuối “trên tàu - dưới ga” cả ăn nghỉ, đi lại, tham quan để mỗi du khách chỉ cần xách ba-lô là lên đường.
Ấn tượng đầu tiên và cũng là cuối cùng của du khách khi đến và rời một vùng đất chính là nhà ga. Sức sống, hấp dẫn của các ga như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt không chỉ ở giá trị kiến trúc, bề dày lịch sử cả trăm năm, hơi thở cuộc sống đương đại qua hoạt động đưa tiễn khách hằng ngày mà còn bởi các hoạt động văn hóa văn nghệ, không gian văn hóa để mỗi khu ga thật sự là điểm đến ấn tượng. Và khi ý tưởng đường sắt là đường hoa dài nhất Việt Nam trở thành hiện thực trong tương lai, hành khách lại được trải nghiệm thêm cảm xúc mới lạ đầy thi vị khi đoàn tàu băng băng qua những luống hoa, vườn hoa đặc trưng các vùng miền.