Ngăn ngừa lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân

Theo thông tin từ Bộ thông tin và Truyền thông, các vi phạm dữ liệu thông tin cá nhân đang tăng nhanh.
0:00 / 0:00
0:00

Ðơn cử, Facebook từng để lộ thông tin 50 triệu người dùng Việt Nam; Thế giới di động và Ðiện máy xanh để lộ hơn năm triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán... Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2019-2020, có 1.300GB dữ liệu của rất nhiều cá nhân Việt Nam bị mua bán trái phép trên thị trường chợ đen.

Ðáng nói, các đối tượng có hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân để tiến hành lừa đảo khách hàng và người dân. Năm 2022, Việt Nam ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến; trong đó, 75% lừa đảo tài chính, 25% lừa đánh cắp dữ liệu cá nhân để lừa đảo tài chính hoặc mục đích xấu khác. Khi đã có dữ liệu cá nhân, các đối tượng xấu giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện, nhắn tin lừa đảo để đe dọa, yêu cầu người dân chuyển tiền cho chúng. Nhờ nắm được thông tin cá nhân, các đối tượng biết rõ số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, địa chỉ; thậm chí, cả tên tuổi các thành viên trong gia đình bị hại nên khi bị đe dọa, người dân tin chúng là cán bộ công quyền thật, lo sợ dẫn đến chuyển tiền cho chúng.

Cụ thể như tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua xảy ra vụ gọi lừa đảo phụ huynh "có con đang cấp cứu ở bệnh viện" với chiêu thức rất tinh vi. Nhiều phụ huynh đã "mắc bẫy" và mất tiền lớn cho các đối tượng lừa đảo. Chỉ riêng ở Quận 5, cơ quan Công an quận đã tiếp nhận và làm việc với bốn phụ huynh bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền 340 triệu đồng. Công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức điều tra làm rõ nguyên nhân vì sao các đối tượng lừa đảo có được thông tin của các học sinh để lừa đảo phụ huynh. Qua rà soát, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh xác định hai nguyên nhân chủ yếu khiến thông tin người dân trên địa bàn thành phố bị lộ, lọt ra ngoài. Ðó là, một số dịch vụ cung cấp cho người dân của cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp không bảo đảm quy định về an toàn và bảo mật thông tin. Ngoài ra, người dân tự cung cấp thông tin của mình cho các dịch vụ tiện ích trên mạng, đặc biệt là môi trường mạng xã hội mà không lường hết được hậu họa nghiêm trọng của hành vi này.

Ðể chấn chỉnh tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh, trong đó có yêu cầu các cơ quan nhà nước tuân thủ quy định về bảo mật thông tin cá nhân. Khi cung cấp cho bên thứ ba phải bảo đảm quy định, mã hóa dữ liệu, thông tin của người dân cung cấp cho đơn vị đó vừa đủ để bảo đảm giao dịch. Ngoài ra, Sở này tăng cường thanh tra, chấn chỉnh đối với các đơn vị sử dụng trái phép thông tin dữ liệu của người dân. Hiện, Sở đang tổ chức sáu đoàn thanh tra sáu doanh nghiệp viễn thông về quản lý sim số, bảo vệ, lưu trữ thuê bao của người dân.

Cùng với đó, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bản thân mỗi người dân cần nêu cao ý thức cảnh giác, trang bị kiến thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, không nên chụp ảnh các loại giấy tờ cá nhân đưa lên mạng hoặc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khi không cần thiết. Các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định pháp luật, các chính sách an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đào tạo, nâng cao nhận thức cho nhân viên và khách hàng; đầu tư giải pháp an toàn hệ thống và bảo vệ dữ liệu. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm hành vi làm lộ, lọt thông tin, rao bán dữ liệu cá nhân ■