Ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch di sản

Sau hoạt động trình diễn hầu đồng diễn ra trong khuôn khổ một hội thảo khoa học tại Trường đại học Nghệ thuật Huế hôm 2/8, nhiều nghệ nhân, cộng đồng nắm giữ di sản bức xúc khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã bị đưa ra khỏi phạm vi không gian thiêng của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ thực hành nghi lễ tại Phủ Phúc Sinh Trường (Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: Nguyễn Á
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ thực hành nghi lễ tại Phủ Phúc Sinh Trường (Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: Nguyễn Á

Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (UNESCO đã công nhận là Di sản phi vật thể thế giới) được thực hành bởi cộng đồng chủ thể của di sản và các nghệ nhân nắm giữ di sản, gắn với các yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Bởi thế, nó phải được diễn ra trong không gian thiêng của di sản, trên cơ sở tôn trọng các tập tục cụ thể của loại hình di sản này.

Mỗi di sản văn hóa phi vật thể đều có đặc tính riêng. Không phải cứ muốn là đưa một di sản đó ra khỏi không gian riêng của nó để phổ biến, trình diễn hay biến thành “hàng hóa văn hóa” để kinh doanh. Nghi lễ hầu đồng chỉ để hầu Thánh, chứ không phải để trình diễn. Đã không là nơi “cửa Thánh” (đền, phủ, điện) thì không được hầu đồng. Đem các thanh đồng đi trình diễn hầu đồng ở sân khấu tức là “hầu Thánh ở nơi không có Thánh”, biến nghi lễ hầu Thánh thành trò diễn, trong khi các thanh đồng không phải là diễn viên là điều tối kỵ của tín ngưỡng này.

Bởi thế, rất khó chấp nhận cách giải thích rằng, hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng (do một số nghệ nhân ưu tú và thanh đồng miền bắc thực hiện tự phát) trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề “Engaging With Vietnam” chỉ là sự “diễn giải di sản” trong một không gian hẹp (để phục vụ cho nhóm đối tượng hẹp), chứ không phải hoạt động “trình diễn di sản” phục vụ công chúng trong không gian mở.

Bởi vì, hoạt động này được đưa vào chương trình tổng thể gửi kèm giấy mời cho đại biểu (được ghi trong chương trình là “hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại chỗ”), không hề có chú thích, khuyến nghị gì về việc giới hạn đối tượng, cũng không giới hạn việc chia sẻ thông tin của người dự (qua báo mạng, livestream, mạng xã hội…).

Điều này làm ảnh hưởng tới uy tín các nghệ nhân nắm giữ di sản của miền bắc nói chung và những nghệ nhân tham gia hội thảo nói riêng. Đồng thời có thể dẫn tới xung đột trong cộng đồng chủ thể di sản văn hóa giữa các vùng miền và ảnh hưởng tới danh hiệu của di sản.

Đáng buồn là hiện đang có sự nhầm lẫn giữa thực hành với trình diễn di sản, nhất là các di sản có yếu tố tâm linh. Nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân còn tổ chức hoạt động biểu diễn chưa phù hợp bản chất của di sản và mang tính “giải thiêng”. Hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh và trong Danh mục quốc gia vẫn diễn ra ở nhiều địa phương và có xu hướng gia tăng thời gian gần đây.

Thậm chí, nó còn được thực hiện bởi một số nghệ nhân ưu tú, và các hoạt động văn nghệ có hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu; xâm phạm một số tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản này. Việc thực hành sai lệch di sản dẫn tới biến đổi giá trị di sản, làm ảnh hưởng đến việc xem xét thông qua Báo cáo định kỳ quốc gia mà Việt Nam phải đệ trình Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (trường hợp nghiêm trọng có thể bị UNESCO rút danh hiệu).

Để tránh những hành vi làm sai lệch, biến tướng di sản, cơ quan quản lý và cộng đồng chủ thể, đối tượng thực hành di sản cần được nâng cao nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể, để phân biệt rạch ròi “thực hành tín ngưỡng” với “trình diễn di sản”, giữa không gian thực hành văn hóa tín ngưỡng với không gian biểu diễn.

Gần đây nhất, ngày 21/7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2973 gửi chính quyền các địa phương về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo sở quản lý chuyên ngành văn hóa, chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo đúng chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO.

Đồng thời, nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành di sản và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh các nghệ nhân, người thực hành, nhất là các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, tham gia vào các hoạt động làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản. Chính quyền, cơ quan chức năng cần tập trung thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và những hành vi trái pháp luật khác...