Lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi

Ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi là một trong những giải pháp được ngành văn hóa nhấn mạnh tại Hội nghị "Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022)" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 7/12 tại Hưng Yên.
0:00 / 0:00
0:00

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.

Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện thờ Mẫu.

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một "bảo tàng sống" lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa, thể hiện quan niệm của người Việt về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Tháng 4/2017, tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) để các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các tỉnh, thành phố có di sản triển khai thực hiện.

Sau 5 năm, với nỗ lực của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các nghệ nhân, cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp nâng cao giá trị của di sản trong đời sống và nhận được sự quan tâm của xã hội; Nhà nước cũng đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 6 cá nhân; Nghệ nhân Ưu tú cho 79 người để tôn vinh những đóng góp của họ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc thực hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, biến tướng sai lệch với bản chất của di sản, như: tổ chức hầu đồng ở khu vực công cộng không đúng không gian tâm linh; sử dụng nhiều vàng mã, tiền và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi.

Có những khóa lễ hầu đồng tốn kém, lãng phí, lạm dụng đốt vàng mã, sử dụng tiền mệnh giá lớn khi ban lộc, rút quẻ, xem tướng số; một số thanh đồng lợi dụng việc "nhập thánh" để trục lợi. Xuất hiện việc một số người lợi dụng thực hành di sản, đưa hầu đồng vào quán ăn, phòng trà, thậm chí là hầu đồng ở chợ...

Một số người coi đó là hoạt động sinh lời núp dưới bóng di sản văn hóa. Có những tổ chức, cá nhân lợi dụng danh hiệu của di sản để tổ chức các sự kiện kêu gọi sự đóng góp mang nặng tính thương mại, trao các giấy khen, giấy chứng nhận một cách tùy tiện...

Điều này đã gây ra xung đột trong cộng đồng chủ thể thực hành di sản và làm suy giảm giá trị, tính thiêng của di sản, trần tục hóa tín ngưỡng, lãng phí tiền bạc và gây một số tiêu cực xã hội khác...

Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhận thức của công chúng, cộng đồng và một bộ phận cán bộ về Di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn hạn chế; hành lang pháp lý hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản còn thiếu và chưa cụ thể.

Đáng chú ý là vấn đề thực hành không đúng nguyên tắc (trang phục, bài bản và các yếu tố khác có liên quan); không đúng không gian, danh hiệu; các hoạt động giao lưu trình diễn tín ngưỡng ồ ạt, tùy tiện; xuất hiện một số tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản nhưng mang nặng tính thương mại...

Để hạn chế sai lệch, biến tướng trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Cục Di sản văn hóa đã đưa ra các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành Di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hành di sản; ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và các yếu tố liên quan, hành vi lợi dụng niềm tin vào tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ và xã hội...; tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê di sản để có những định hướng phát huy đúng đắn các giá trị di sản, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng.

Song song với đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với di sản cho cán bộ làm văn hóa các cấp; hướng dẫn về cách thức quản lý nhà nước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu; quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu; vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản...