Nam Định phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”

NDO - Ngay từ những ngày đầu năm 2025, tỉnh Nam Định tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh việc xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy” gắn với thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc điểm, tình hình quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn năm 2024 do tỉnh Nam Định tổ chức. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn năm 2024 do tỉnh Nam Định tổ chức. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Trong năm 2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Nam Định đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo; lực lượng công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc tỉnh Nam Định ban hành, triển khai hàng nghìn văn bản liên quan đến triển khai, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nam Định cũng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc đăng ký xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Nam Định cho biết, công tác nghiệp vụ cơ bản, hoạt động tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công tác xây dựng lực lượng; công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tham gia bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được tăng cường, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy, bị thương 2 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 552,5 triệu đồng; không xảy ra vụ nổ. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã huy động 31 lượt xe chữa cháy, 10 lượt xe chỉ huy và 206 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ chức chữa cháy 11/12 vụ cháy.

Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, xác định trách nhiệm, quyết tâm chính trị của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phấn đấu kiềm chế, giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; không để xảy ra các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức xây dựng, triển khai Đề án ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy”.

Đồng thời, tỉnh đổi mới các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm đúng quy định, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.