Từ ngày 6-12/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục có mưa. Ảnh hưởng của triều cường, kết hợp các hồ chứa phía thượng lưu xả lũ, mực nước trên các sông lên cao, đều vượt báo động 3.
Trước tình hình đó, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo; Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương tại các tuyến đê để chỉ đạo công tác chống lũ từ 17 giờ ngày 11/9.
Lực lượng quân sự tỉnh Nam Định nỗ lực chống tràn đê bối thuộc địa bàn thành phố Nam Định. |
Các cấp, ngành, các huyện, thành phố thuộc tỉnh tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình mực nước lũ để chủ động tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, để bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản trong vùng bối, tỉnh đã chỉ đạo di dời dân khi mất an toàn đê bối.
Đến 7 giờ sáng ngày 12/9, đã di dời gần 13.700 người dân khỏi vùng nguy hiểm, ngập lụt thuộc thành phố Nam Định và các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Hiện công tác di dời dân vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Nam Định khẩn trương thành lập các sở chỉ huy tiền phương trên nhiều triền đê
Tỉnh cũng đã thống kê được một số tuyến bờ bao, bối bị tràn như: Bờ bao Yên Bằng, bờ bao Yên Khang (huyện Ý Yên); bối An Tùy (huyện Nam Trực); bối Nam Quần Liêu (huyện Nghĩa Hưng); bối Xuân Thành (huyện Xuân Trường).
Một số bối đang chống tràn là: Đê bối Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân (huyện Ý Yên); đê bối Phương Định (huyện Trực Ninh); bối Phù Sa thượng (huyện Nghĩa Hưng); bối Liêu Đông (huyện Xuân Trường); bối xí nghiệp gạch, bối Đại An (huyện Nam Trực).
Một số cống bị rò, tràn như: cống Mý (xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định), cống Sa Trung (bối Đồng Tâm, huyện Vụ Bản), cống An Thịnh, cống Mười Sáu (bối Yên Phúc, huyện Ý Yên), cống An Lá (huyện Nam Trực), cống Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), cống Đồng Nê (huyện Xuân Trường) đã được xử lý giờ đầu.
Tính đến 17 giờ ngày 11/9, diện tích lúa mùa của tỉnh Nam Định bị ngập úng là 33.268ha, trong đó ngập trắng 2.294ha.