Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền núi phía bắc, trong tuần từ 13-17/1/2025, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, Ủy ban nhân dân huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) và Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp đỡ người dân, nhất là những hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp, sớm vượt qua khó khăn và phục hồi cuộc sống.
Trung tuần tháng 1 năm 2025, dự án tiến hành các hoạt động trao tặng hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 tại 48 thôn thuộc bốn xã.
Các chương trình này nhận được sự hỗ trợ của chính phủ và nhân dân Pháp thông qua Trung tâm Hỗ trợ Khủng hoảng - Cơ quan trực thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp và chính quyền vùng Ile-de-France,
Bão số 3 đổ bộ vào 26 tỉnh, thành phố ở miền bắc Việt Nam trong đầu tháng 9 năm 2024. Bão đã gây ra mưa lũ lớn, sạt lở đất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực, khiến người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực, nhà ở và các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Để bảo đảm sự hỗ trợ hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế của cộng đồng, trong những tuần ngay sau bão, các hoạt động hỗ trợ được thiết kế sau khi tham vấn trực tiếp với người dân địa phương và phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại.
Trung tuần tháng 1 năm 2025, dự án tiến hành các hoạt động trao tặng hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 tại 48 thôn thuộc bốn xã Lý Bôn và Vĩnh Quang (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) và Yên Thành và Bằng Lang (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang).
Tất cả các hoạt động hỗ trợ trên đều được thiết kế sau khi tham vấn và lắng nghe nhu cầu thực tế từ người dân địa phương.
Trao tặng bộ dụng cụ vệ sinh cho người dân trong hoạt động hỗ trợ khẩn cấp. (Ảnh CARE) |
CARE cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại để điều phối các nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả và phù hợp, bảo đảm rằng các gia đình được nhận sự giúp đỡ đúng thời điểm và đúng nhu cầu.
Các gói hỗ trợ được thực hiện trong đợt này rất đa dạng. Cụ thể như: 800 bộ dụng cụ vệ sinh: gồm các vật phẩm như bột giặt, nước rửa tay, đồ vệ sinh phụ nữ, dung dịch phòng, chống muỗi…; 850 bộ chăn ấm mùa đông và màn chống muỗi.
Cùng với đó, 500 hộ gia đình được hỗ trợ tiền mặt đa mục đích từ 2,1 triệu đồng đến 5 triệu đồng tùy số lượng nhân khẩu mỗi hộ; 4 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh trong cộng đồng và trường học được cải tạo.
Bên cạnh đó, 600 hộ dân chịu ảnh hưởng của bão số 3 nặng nề nhất tại bốn xã dự án cũng sẽ được hỗ trợ mỗi hộ 7 triệu đồng để làm vốn khôi phục sinh kế ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Trong quá trình thực hiện, dự án bảo đảm các tiêu chí lựa chọn người hưởng lợi đúng và trúng, ưu tiên cho các hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai và có hoàn cảnh khó khăn hơn, bảo đảm tính công bằng khi triển khai các hoạt động và duy trì hiệu quả bền vững.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Xuân Hiếu, Quản lý Chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó khẩn cấp từ tổ chức CARE, cho biết, tổ chức này cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trong quá trình phục hồi sau bão Yagi và triển khai các hoạt động hỗ trợ lâu dài, giúp cộng đồng có thể vượt qua khó khăn và tái thiết cuộc sống.
Hoạt động được triển khai thuộc dự án “Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân chịu ảnh hưởng của bão số 3 - Yagi” do chính phủ và nhân dân Pháp cùng chính quyền vùng Ile-de-France của Pháp tài trợ, thông qua Trung tâm Hỗ trợ Khủng hoảng - cơ quan trực thuộc Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp.
Tại Việt Nam, CARE phối hợp với chính quyền địa phương triển khai dự án tại 4 xã thuộc hai huyện Quang Bình và Bảo Lâm, tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Dự kiến sẽ có hơn 2.000 hộ dân được hỗ trợ để khôi phục cuộc sống sau bão.
Bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào Việt Nam đầu tháng 9/2024 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17).
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế-xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 50 nghìn tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ để ổn định đời sống người dân.