Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Nam Định, để bảo đảm an toàn trong điều kiện nước trên sông Ninh Cơ dâng cao, chảy xiết do ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ nên đơn vị quản lý cầu phao Ninh Cường đã cho dừng hoạt động của cầu từ 10/9.
Trong thời gian này, nước chảy xiết, kéo theo nhiều rác từ thượng nguồn đổ về, mắc tại cầu phao, ảnh hưởng đến an toàn cầu, Sở Giao thông vận tải Nam Định đã chỉ đạo đơn vị quản lý sử dụng máy móc, thiết bị để gạt rác nhằm hạn chế áp lực lên cầu phao.
Đêm ngày 11/9, kiểm tra cho thấy liên kết giữa các phao không bảo đảm an toàn, các phao có dấu hiệu tách rời nhau, Sở đã chỉ đạo đơn vị rút toàn bộ nhân công, máy móc lên bờ và cho rà soát kiểm tra liên kết giữa các phao.
Sau khi kiểm tra phát hiện các liên kết giữa phao số 2-3, số 3-4, số 5-6 bị bong bật làm cho cầu phao bị vặn; liên kết giữa phao số 8 và dàn bailey phía Nghĩa Hưng bị đứt rời, toàn bộ neo cáp dưới sông phía thượng lưu bị đứt, hệ thống cầu phao bị xô lệch, trôi về phía hạ lưu cách vị trí ban đầu 30-40 m; sự cố không gây thiệt hại về người.
Công an Nam Định phối hợp cứu giúp một gia đình trôi dạt trên sông Hồng
Sau sự cố, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc yêu cầu Sở Giao thông vận tải Nam Định tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, nhất là cảnh báo lũ trên sông Ninh Cơ; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông vận tải) về công tác phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; tuyệt đối bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên vận hành cầu phao và người dân; chỉ được thực hiện lắp đặt lại cầu phao khi đã bảo đảm các điều kiện an toàn.
Ngành chức năng đã triển khai công tác khắc phục ngay sau sự cố, hiện tại hệ thống cầu phao đã ổn định, không có dấu hiệu thay đổi; riêng dàn bailey phía huyện Nghĩa Hưng đã bị kéo rơi xuống sát bờ sông đang tiếp tục được xử lý.
Cầu phao Ninh Cường dài gần 300m, độ rộng toàn phao 8,4m, lòng dầm 3,5m. Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày trung bình có khoảng 9.000 phương tiện qua cầu này.