Bin, chú chó nghiệp vụ với 7 năm tuổi đời, 6 năm tuổi quân ngũ đang trở về từ một khe hở sau khi đánh hơi, xác định vị trí nạn nhân bị mắc kẹt tại Myanmar.
Bin, chú chó nghiệp vụ với 7 năm tuổi đời, 6 năm tuổi quân ngũ đang trở về từ một khe hở sau khi đánh hơi, xác định vị trí nạn nhân bị mắc kẹt tại Myanmar.

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar

NDO - Trong đợt cứu nạn, cứu hộ nạn nhân động đất tại Myanmar, đoàn Việt Nam đã mang theo 8 thành viên đặc biệt. Đó là 8 chú chó nghiệp vụ đã được huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng, giàu kinh nghiệm để phát hiện các nguồn hơi dưới nhiều lớp bê-tông. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong nhiều tình huống, lực lượng này còn giúp đoàn phát hiện rung chấn, tránh được nguy hiểm phát sinh.

"MÁY" PHÁT HIỆN NGUỒN HƠI TẠI HIỆN TRƯỜNG

Một ngày cuối tháng 3, Bin và King, 2 chú chó nghiệp vụ thuộc quân số Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an nhận được lệnh sẵn sàng lên được tới Myanmar cùng đoàn cứu nạn, cứu hộ. Cùng thời điểm, 6 “đồng nghiệp” khác của các chú tại Trường trung cấp 24 Biên phòng cũng được huy động… lên máy bay tới vùng động đất.

Thượng tá Hoàng Đức Thân, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ chia sẻ: Đây cũng là lần đầu tiên Bin và King được “xuất ngoại” để làm nghĩa vụ quốc tế. Cùng đi còn có thêm 2 huấn luyện viên hỗ trợ và chỉ huy.

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar ảnh 1

Chó nghiệp vụ xác định nguồn hơi, qua đó "định vị" nơi nạn nhân bị mắc kẹt tại khách sạn Jade City, thành phố Naypyidaw, Myanmar.

“Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành hết sức khẩn trương. Chúng tôi nhận thức rõ, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào thì đây cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Do đó, ngay khi tới hiện trường, chúng tôi bắt tay vào làm việc ngay”, Thượng tá Thân chia sẻ.

Sau khi tới khách sạn Jade City, địa điểm tìm kiếm của đoàn Bộ Công an, Bin và King sẽ được huấn luyện viên “bế” vào trong để bắt đầu đánh hơi. Với khả năng luồn lách linh hoạt trong các địa hình hẹp, các chiến sĩ 4 chân có thể xác định chính xác vị trí các nạn nhân còn mắc kẹt.

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar ảnh 2

Chó nghiệp vụ được cẩn thận bế vào hiện trường nhằm tránh gặp phải thương tích không đáng có.

Vì sao chó nghiệp vụ được bế vào hiện trường

Theo giải thích của Thượng tá Hoàng Đức Thân, khi nhìn cảnh các huấn luyện viên “bế” chó vào hiện trường, nhiều người không hiểu và cho rằng Bin và King bị ốm, mệt hoặc lười vận động.

“Thực tế, hiện trường tìm kiếm tại Myanmar là những công trình đổ nát, mặt đất đầy các mảnh gương, kính, kim loại. Do đó, chúng tôi quyết định ‘bế’ chó vào để hạn chế thương tích khi di chuyển. Các thương tích này có thể ảnh hưởng lớn tới khả năng tìm kiếm của chó nghiệp vụ”, Thượng tá Thân nói.

“Khi Bin hoặc King phát hiện ra nguồn hơi, nó sẽ dừng lại và sủa lớn để báo hiệu cho người điều khiển biết về nơi có dấu hiệu nghi vấn. Chúng tôi tiếp tục đưa chú chó còn lại tới để xác nhận. Nếu cả hai cùng đưa ra cùng kết quả, huấn luyện viên sẽ cắm cờ đỏ để đánh dấu và khoanh vùng tìm kiếm để lực lượng cứu hộ tiếp tục các phần việc tiếp theo”, Thượng tá Thân giải thích

Cách đó chừng 10km, 6 chú chó nghiệp vụ của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đang miệt mài làm nhiệm vụ. Hiện trường tại đây là khu chung cư đổ sập Bala Thiri. Sau chừng 10 phút vào đánh hơi, Chinop, chú chó bergie đồ sộ bỗng dừng lại, nằm sát xuống mặt sàn lổn ngổn gạch đá và sủa vang.

Khoảng 20 phút sau, đến lượt Loc Xa được đưa tới để tái đánh giá. Loc Xa tiếp tục có chuỗi hành động như “đồng nghiệp”. Đến khi Ja Vo, chú chó thứ 3 tiếp tục nằm lại và sủa vang cùng vị trí, nhóm huấn luyện viên đã chắc chắn 100% nơi đây có người bị vùi lấp. Một lá cờ hiệu màu đỏ nhanh chóng được cắm xuống, trước khi đội công binh vào cuộc.

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar ảnh 3

Sau khi xác định chính xác vị trí có người mắc kẹt, một lá cờ đỏ đánh dấu sẽ được cắm xuống.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, tại vị trí này, ngay hôm sau, lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam đã đưa ra một nạn nhân khoảng 74 tuổi.

“Thực tế, vai trò của chó nghiệp vụ khi tìm kiếm, cứu nạn vô cùng quan trọng. Nếu phát hiện chuẩn xác, chó nghiệp vụ sẽ giúp tăng tốc quá trình cứu nạn, tiết kiệm sức người”, Thượng tá Kiên giải thích.

Đặc biệt, trong những tình huống “khó”, nhiệm vụ của những “chiến binh lông dài” càng trở nên quan trọng hơn.

Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi kể lại: Trong khi làm nhiệm vụ tại bệnh viện Ottara Thiri, ngay lúc đoàn Việt Nam tưởng đã không còn ai mắc kẹt thì bất ngờ nhận được thông tin từ người nhà một nạn nhân.

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar ảnh 4

Chó nghiệp vụ "tác nghiệp" tại không gian khó khi tìm kiếm các nạn nhân động đất ở Myanmar.

“Họ nói với chúng tôi rằng mẹ của họ vẫn còn kẹt ở phía dưới và mong mỏi đoàn cố gắng thêm. Lúc này, anh em lại quyết tâm ở lại, dù đang thu gom thiết bị chuẩn bị cơ động nhận nhiệm vụ mới”, Thượng tá Kiên nói.

Tuy nhiên, thực tế, mặt sàn khu vực nghi vấn lại bị bịt kín. Khả năng tiếp cận và xác định gần như bằng 0. Sau khi trao đổi nhanh, đoàn quyết định đục một lỗ hổng rồi đưa chó nghiệp vụ luồn sâu vào đánh hơi. Nhờ đó, thi thể của người phụ nữ xấu số được đưa ra ngoài sau đó không lâu.

“Tất cả người nhà đã đến chắp tay cảm ơn vì không nghĩ sẽ có thể tìm thấy mẹ mình”, Thượng tá Kiên trầm ngâm.

NHỮNG ĐỒNG ĐỘI ĐÁNG TIN CẬY

Không chỉ hỗ trợ đắc lực công tác tìm kiếm, chó nghiệp vụ còn là những đồng đội đáng tin cậy trong những hoàn cảnh nguy nan.

Giải thích thêm, Thượng tá Kiên kể: Chó trải qua huấn luyện sẽ đặc biệt nhạy cảm. Cụ thể, khi cảm giác được nguy hiểm, chúng sẽ không tiến thêm mà kéo cương báo hiệu cho huấn luyện viên. Lúc này, người điều khiển sẽ hô hoán để lực lượng bên trong các tòa nhà ngừng làm việc và rút ra ngoài an toàn.

“Chúng tôi coi chó nghiệp vụ là những đồng đội vô cùng đáng tin cậy của mình”, Thượng tá Hoàng Đức Thân vừa nói, vừa xoa đầu Bin, đồng thời cho biết thêm: Sau 2 ngày “dò hơi” cật lực, chú chó có 6 năm “quân ngũ” đã bỏ ăn và chỉ uống sữa.

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar ảnh 5

Chó nghiệp vụ còn là những "đồng đội" đáng tin cậy với 2 đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam.

“Thời tiết nắng nóng, cường độ làm việc cao cộng thêm việc phải đánh hơi liên tục khiến sức khỏe của Bin có phần giảm sút. Do đó, chúng tôi đã phải tiến hành truyền nước và truyền đạm để Bin có thể hoàn thành nhiệm vụ tới cùng”, Thượng tá Thân chia sẻ.

Ngoài Bin và King của lực lượng Công an lần đầu tiên “xuất ngoại”, 6 chú chó nghiệp vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đều là những chiến binh dạn dày kinh nghiệm. 3 trong số đó từng có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất năm 2023. 3 thành viên còn lại góp phần đắc lực để đưa các nạn nhân tại Làng Nủ, Lào Cai về với gia đình sau cơn bão Yagi hồi tháng 9/2024.

Ngày lên đường về Việt Nam, Bin đã bắt đầu ăn nhẹ trở lại. Nhưng khẩu phần chính vẫn chủ yếu là… sữa và nước.

“Cố lên! Mày đã làm rất tốt! Về nhà, mày sẽ được ăn thỏa thuê và nghỉ phép tới khi nào khỏe hẳn thì thôi”, cậu huấn luyện viên trẻ măng vừa xoa xoa hai mạng sườn đã gầy trơ ra của Bin và nói.

Bên cạnh, Bin ngẩng đầu, dụi dụi vào chân anh, đuôi ngoáy tít rồi sủa vang…

Chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" trong cuộc tìm kiếm nạn nhân động đất tại Myanmar ảnh 6

Giây phút nghỉ ngơi của những chiến binh 4 chân trên đất bạn Myanmar.

Tính trong cả đợt cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar, nhóm 6 chiến binh của lực lượng quân đội đã phát hiện 16 vị trí nguồn hơi, tổ chức bàn giao cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Myanmar 6 vị trí nguồn hơi; phối hợp với các lực lượng triển khai khoan cắt bê tông tìm kiếm tại 10 vị trí nguồn hơi. Kết quả đã đưa được 16 nạn nhân ra khỏi đống sập đổ, bàn giao cho chính quyền sở tại. Tất cả các vị trí do chó nghiệp vụ xác định đều chính xác 100%, qua đó giảm bớt thời gian, công sức tìm kiếm, khẳng định được hiệu quả sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Trong khi đó, nhóm “cảnh khuyển” Bin và King cũng đã góp công sức đắc lực cho đoàn Bộ Công an Việt Nam; qua đó giúp tìm kiếm được 7 thi thể nạn nhân trong khu vực sập đổ; phối hợp với Đoàn cứu hộ các nước đưa được 7 thi thể nạn nhân khác ra khỏi đống đổ nát để bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình.

[VIDEO] CẬN CẢNH CHÓ NGHIỆP VỤ TÌM KIẾM NẠN NHÂN MẤT TÍCH TẠI MYANMAR

00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
back to top