Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, công tác vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025 (theo Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), UBND tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 17/7/2019.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh/Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em tỉnh Yên Bái, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Yên Bái vận động nguồn lực trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ hơn 10.000 lượt trẻ em với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Tới nay, 100% các xã, phường thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố thành lập và kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em các cấp; tổ chức các sự kiện truyền thông, tập huấn về công tác bảo vệ trẻ em, trong đó lồng ghép phương pháp vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các hoạt động xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp, công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tuyên truyền các gói hỗ trợ thúc đẩy phát triển toàn diện cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số theo hướng dẫn thực hiện Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về huy động nguồn lực hỗ trợ, tính riêng năm 2024, thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), vận động giúp đỡ hơn 4.000 lượt trẻ em với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên dùng để chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, kết nối phẫu thuật tim, sứt môi hở hàm ếch, xây dựng cầu dân sinh phục vụ cho đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Yên Bái vận động nguồn lực trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ hơn 10.000 lượt trẻ em với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào việc tặng đồ ấm, đồ chơi ngoài trời, xe đạp, thăm hỏi tặng quà cho trẻ em nhân dịp lễ, Tết, Trung thu khai giảng năm học mới, xây dựng nhà nhân ái, công trình nước sạch...
Đặc biệt, trong tháng 9/2024, tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) gây ra nhiều nơi bị sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, trong đó có trẻ em. Trên địa bàn tỉnh có 9.822 trẻ em bị ảnh hưởng, trong đó có 10 trẻ em tử vong, 14 trẻ em mồ côi cha/mẹ do thiên tai gây ra, 12.280 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi bão.
Với sự chung tay, giúp sức từ Trung ương, Quân khu 2 và nhiều tỉnh, thành phố, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện trong nước, quốc tế, tỉnh Yên Bái đã khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ, bảo đảm công tác an sinh xã hội, khắc phục sự cố giao thông, thủy lợi... Qua đó, sớm ổn định cuộc sống cho người dân, quan tâm chú trọng tới công tác khắc phục hậu quả và kết nối dịch vụ thiết yếu, khẩn cấp cho trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác trao hỗ trợ làm nhà cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại Yên Bái, ngày 27/9/2024 (Ảnh: Molisa) |
Trong thời điểm khẩn cấp, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ, vận động nguồn lực hỗ trợ người dân với kinh phí với lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam trao tặng 3.543 đồ dùng bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp và bộ đồ dùng học tập cho trẻ em, trị giá 1,78 tỷ đồng.
Qua chương trình làm việc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất và được UNICEF cam kết thực hiện Dự án viện trợ quốc tế khẩn cấp giúp tỉnh Yên Bái khắc phục thiệt hại đối với trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng do siêu bão số 3 với tổng số tiền trên 27 tỷ đồng. Chương trình dự kiến sẽ thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2025.
Tỉnh Yên Bái đã có các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực ưu tiên dành cho trẻ em/gia đình trẻ em có người bị thương, bị thiệt mạng, trẻ em bị mồ côi, các gia đình có nhà bị sập trôi hoàn toàn, nhà phải di dời đến nơi ở mới, giải ngân khắc phục thiên tai từ nguồn tiếp nhận thông qua các nguồn động cứu trợ, bảo đảm công khai, kịp thời, đúng mục đích, đúng quy định, đúng đối tượng.
Cụ thể như Nghị quyết số 82/2024/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm học 2024-2025. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 48,39 tỷ đồng.
Đại diện đoàn công tác và UNICEF tại Việt Nam tặng quà hỗ trợ trẻ em tại tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngày 27/9/2024. (Ảnh: Molisa) |
Cũng theo đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, việc thực hiện hiệu quả hoạt động vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số miền núi ở tỉnh mang lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.
Trong đó, trước hết cần chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng, thực hiện hoạt động công khai, minh bạch từ hoạt động đánh giá nhu cầu thực tế như: thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu của trẻ em tại các xã khó khăn để lập kế hoạch hỗ trợ sát thực tiễn; Xác định rõ ràng các mục tiêu, đối tượng, và ưu tiên trong từng giai đoạn. Khi triển khai thực hiện bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp liên ngành. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục, Y tế, cùng chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, tránh trùng lặp, bảo đảm tính đồng bộ và tối ưu hóa nguồn lực, không bị chồng chéo và trùng đối tượng.
Ngoài ra, huy động sự tham gia của cộng đồng. Tạo cơ hội để người dân, đặc biệt là các trưởng bản và lãnh đạo cộng đồng, tham gia vào quá trình lập kế hoạch và triển khai các hoạt động, đề xuất hỗ trợ sát với nhu cầu thực tế. Tăng cường truyền thông để cộng đồng hiểu rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em.
Việc phát huy và áp dụng các bài học này sẽ giúp tỉnh Yên Bái tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em tại vùng khó khăn, đồng thời góp phần xây dựng môi trường phát triển bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số.