Mỹ phát động cuộc thi thiết kế công cụ AI để giảm nguy cơ an ninh mạng

Những người tham gia cuộc thi sẽ thiết kế hệ thống AI mới có khả năng nhanh chóng tìm và sửa các lỗ hổng phần mềm trong các mạng lưới quan trọng có thể bị tin tặc tấn công.
Logo của cuộc thi AI Cyber Challenge. (Nguồn: DARPA)
Logo của cuộc thi AI Cyber Challenge. (Nguồn: DARPA)

Ngày 9/8, chính phủ Mỹ thông báo phát động một cuộc thi tạo ra hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) bảo vệ các phần mềm quan trọng trước mối đe dọa tin tặc.

Theo thông báo từ Nhà trắng, cuộc thi mang tên “Thử thách mạng AI” (AI Cyber Challenge) sẽ kéo dài 2 năm.

Những người tham gia sẽ thiết kế các hệ thống AI mới có khả năng nhanh chóng tìm và sửa các lỗ hổng phần mềm trong mạng lưới điện, tàu điện ngầm hay các mạng lưới quan trọng khác có thể bị tin tặc tấn công. Giải thưởng cho cuộc thi trị giá lên tới 18,5 triệu USD.

Giám đốc Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) - đồng thời là nhà điều hành cuộc thi, bà Arati Prabhakar nêu rõ cuộc thi sẽ thúc đẩy tất cả các nhà sáng tạo tăng cường bảo mật cho các phần mềm quan trọng đối với toàn xã hội.

Nhà trắng cho biết, DARPA sẽ dành 7 triệu USD tài trợ các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia cuộc thi.

Bà Prabhakar cũng cho biết cơ quan này đang phối hợp với các hãng công nghệ lớn trong lĩnh vực AI như Anthropic, Google, Microsoft hay OpenAI cung cấp kiến thức chuyên môn và công nghệ cho cuộc thi.

Bà Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về công nghệ mạng mới, nêu rõ cuộc thi này tập hợp các ý tưởng đa dạng từ khắp nước Mỹ nhằm tìm cách sử dụng AI để cải thiện an ninh mạng, qua đó giúp Mỹ vượt lên trước trong cuộc đua khả năng bảo vệ an ninh mạng.

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết 7 công ty AI hàng đầu đã tự nguyện cam kết ứng phó với những nguy cơ liên quan công nghệ mới.

Bảy công ty bao gồm Amazon, Anthropic, Google, Inflection, Meta, Microsoft và OpenAI, đã đồng ý phát triển AI có trách nhiệm trong bối cảnh công nghệ này đang ngày càng xâm nhập sâu hơn vào đời sống người dân Mỹ.