Đợt trấn áp chưa từng có
Tổng cộng 288 vụ bắt giữ trên thế giới, cùng hơn 53 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử, 850kg ma túy, 117 khẩu súng bị thu giữ. Đó là những con số nổi bật được Europol công bố trong thông cáo báo chí về kết quả đợt trấn áp nhằm vào thị trường dark web do các cơ quan thực thi pháp luật ở ba châu lục vừa phối hợp thực hiện. Chiến dịch “SpecTor” do Europol điều phối với sự tham gia phối hợp của hàng chục cơ quan liên quan như Cơ quan Tình báo hình sự Áo, Hải quan Pháp, Văn phòng Cảnh sát hình sự Liên bang Đức, Cảnh sát Quốc gia Hà Lan, Cục Tội phạm mạng Ba Lan, Cảnh sát Dân sự nhiều quận của Brazil, Cảnh sát Thụy Sĩ, Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh, Bộ Tư pháp Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)…
Theo ABC News, dark web là các trang mạng chứa những nội dung mà người dùng internet chỉ có thể truy cập thông qua các phần mềm riêng biệt. Dữ liệu của dark web không hiển thị khi được tìm kiếm bởi các công cụ thông dụng như Google hay Bing. Với những đặc tính này, dark web dễ dàng trở thành “chợ đen”, nơi trung gian cho các giao dịch mua bán ma túy, vũ khí và các hàng hóa bất hợp pháp, là địa chỉ phát tán những nội dung khiêu dâm cũng như là mạng xã hội ưa thích của các phần tử khủng bố…
Europol đã tổng hợp và phân tích những dữ liệu tình báo dựa trên các bằng chứng được cung cấp bởi chính quyền Đức, vốn đã nắm giữ thành công cơ sở hạ tầng mạng của tội phạm vào tháng 12/2021. Theo đó, 288 cá nhân tham gia hàng chục nghìn giao dịch mua bán hàng hóa bất hợp pháp đã bị bắt giữ trên khắp châu Âu, Mỹ và Brazil. Một số nghi phạm là mục tiêu Europol đặc biệt quan tâm. Europol cho biết, một số cuộc điều tra nhằm xác định bổ sung những cá nhân đứng sau các tài khoản dark web vẫn đang tiếp diễn. Khi các cơ quan thực thi pháp luật có thể truy cập vào danh sách người tham gia giao dịch trên dark web, hàng nghìn người mua hàng cấm trên toàn cầu đối mặt nguy cơ bị truy tố.
Trước đợt trấn áp quy mô lớn lần này, chính quyền Đức và Mỹ đã đóng cửa Hydra - vốn từng là thị trường dark web có doanh thu ước tính lên tới khoảng 1,23 tỷ euro, vào tháng 4/2022. Trong cuộc triệt phá Hydra, chính quyền Đức đã tịch thu khoảng 23 triệu euro tiền điện tử.
Nhận xét về chiến dịch SpecTor, Giám đốc điều hành Europol Catherine De Bolle cho biết: Liên minh các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp ba châu lục đã chứng minh rằng sự hợp tác quốc tế giữa những cơ quan cảnh sát là chìa khóa để chống lại tội phạm trên dark web. Hoạt động này gửi một thông điệp mạnh mẽ đến tội phạm mạng rằng, cơ quan thực thi pháp luật quốc tế có đủ phương tiện và khả năng xác định và buộc chúng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động phi pháp của mình, ngay cả trên dark web.
Có trụ sở tại The Hague của Hà Lan, Europol hỗ trợ 27 quốc gia thành viên EU trong cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm mạng và các hình thức tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức khác. Europol cũng tích cực làm việc với nhiều quốc gia đối tác ngoài EU và các tổ chức quốc tế. Từ các đánh giá mối đe dọa khác nhau đến các hoạt động thu thập thông tin và hoạt động tình báo, Europol tin rằng hiện có những công cụ và tài nguyên cần thiết để góp phần làm cho châu Âu an toàn hơn.
Lá chắn an ninh mạng
Theo Reuters, ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất Đạo luật Đoàn kết mạng của EU, nhằm cải thiện sự chuẩn bị, khả năng phát hiện và ứng phó các sự cố an ninh mạng trên quy mô toàn khối. Trong một tuyên bố giới chức EU nêu rõ: Đạo luật Đoàn kết mạng EU sẽ tăng cường đoàn kết ở cấp liên minh để phát hiện, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trước các sự cố an ninh mạng quy mô lớn, bằng cách tạo ra một “khiên bảo mật không gian mạng” tại châu Âu và một cơ chế ứng phó khẩn cấp mạng toàn diện. Ủy viên châu Âu về ngân sách Johannes Hahn cho rằng, trong một môi trường kết nối, một sự cố an ninh mạng đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến toàn liên minh, do đó việc xây dựng một lá chắn mạnh mẽ ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng là nhiệm vụ rất cần thiết đối với EU hiện nay.
Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton giới thiệu, mục tiêu xây dựng đạo luật này là nhằm bảo đảm cho tất cả công dân và doanh nghiệp châu Âu đều được bảo vệ tốt hơn, ở cả môi trường trực tuyến hay ngoại tuyến, đồng thời thúc đẩy một không gian mạng mở, an toàn và ổn định, hướng tới sự đoàn kết trên không gian mạng giữa các thành viên EU. Ủy viên Thierry Breton cho biết, kể từ khi một phần mềm độc hại bắt đầu phát tán đến thời điểm bị phát hiện trung bình mất khoảng 190 ngày và EU đang nỗ lực giảm đáng kể khoảng thời gian này xuống chỉ còn vài giờ.
Theo kế hoạch, khiên bảo mật không gian mạng châu Âu được tạo thành từ các trung tâm điều hành an ninh quốc gia và xuyên biên giới trên toàn lãnh thổ EU. Khối sẽ thành lập sáu hoặc bảy trung tâm điều hành an ninh mạng, ba trong số đó sẽ được triển khai trong năm 2023. Các trung tâm này sẽ được trang bị siêu máy tính và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), trải khắp các quốc gia châu Âu và sẽ hoạt động cộng sinh để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng trong tương lai.
Trong khi đó, cơ chế khẩn cấp mạng cũng được xây dựng với mục tiêu nhằm cải thiện năng lực chuẩn bị và ứng phó các sự cố an ninh mạng. Theo đó, các thực thể trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, vốn chứa nhiều điểm yếu tiềm ẩn và dễ bị tấn công mạng, sẽ được hỗ trợ để có sự chuẩn bị tốt hơn trước khả năng bị tấn công mạng. Một cơ quan dự trữ an ninh mạng EU sẽ được thành lập với các dịch vụ ứng phó sự cố do các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân đáng tin cậy triển khai theo yêu cầu của các quốc gia thành viên hoặc các tổ chức, cơ quan của liên minh, nhằm giải quyết các sự cố an ninh mạng quy mô lớn. Cũng theo cơ chế này, các quốc gia thành viên sẽ có trách nhiệm hỗ trợ khi thành viên khác bị ảnh hưởng bởi sự cố an ninh mạng.
Chương trình khiên bảo mật không gian mạng của EU và cơ chế khẩn cấp an ninh mạng sẽ được hỗ trợ bằng nguồn tài trợ theo mục tiêu chiến lược từ Chương trình châu Âu kỹ thuật số (DEP). Dự kiến, với các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên, ngân sách tổng thể của chương trình này có thể lên tới hơn 1,1 tỷ euro.
Giới chức EC cũng đã giới thiệu về dự án xây dựng Học viện kỹ năng an ninh mạng, trong khuôn khổ “Năm kỹ năng châu Âu”. Đơn vị mới này sẽ tập hợp những sáng kiến nhằm khuyến khích phổ biến kỹ năng an ninh mạng và đưa chúng lên một nền tảng trực tuyến, qua đó giúp tăng số lượng chuyên gia giỏi về an ninh mạng cũng như tăng khả năng truy cập để học hỏi và nâng cao kiến thức về an ninh mạng trong EU. Cơ quan An ninh mạng EU (ENISA) và Trung tâm Năng lực an ninh mạng châu Âu sẽ tiếp tục phối hợp về phát triển các kỹ năng an ninh mạng cho công dân, góp phần triển khai Học viện Kỹ năng An ninh mạng phù hợp với nhiệm vụ tương ứng, hợp tác chặt chẽ với EC cũng như với các quốc gia thành viên.
Trong buổi công bố đề xuất Đạo luật Đoàn kết mạng, Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết, gần 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu phải hứng chịu ít nhất một lần tấn công mạng trong 12 tháng qua. Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh, châu Âu chỉ có thể bảo đảm được an ninh mạng khi tất cả các thành viên phối hợp cùng nhau.