Làm giàu thêm tiếng Việt

Nhiều năm nay, bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” của Nhà xuất bản Trẻ là một trong những bộ sách được nhiều độc giả yêu thích. Nhằm bổ sung kho tàng tiếng Việt, Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm theo chủ đề này, qua đó giúp người đọc hiểu thêm về sự phong phú, độc đáo của tiếng nước ta.
Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp”. (ảnh Nhà xuất bản Trẻ)
Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp”. (ảnh Nhà xuất bản Trẻ)

Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành đến nay đã xuất bản 11 tựa sách, với sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước. Bộ sách góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc. Mỗi tập sách chứa những góc nhìn khác nhau của các tác giả về tiếng Việt, sử dụng nhiều thí dụ từ kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay. Trong năm 2024, hai tập “Tình ca tiếng nước ta” của tác giả Dương Thành Truyền và “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm” của nhà thơ Lê Minh Quốc đã mang lại những điều thú vị, mới mẻ dành cho người đọc về tiếng Việt.

Trong tác phẩm “Tình ca tiếng nước ta”, tác giả Dương Thành Truyền chọn cách đắm mình vào thứ tiếng Việt tràn ngập sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng, trong… quán nhậu, báo chí, thể thao. Tác giả quan sát và ghi chép những phát hiện về cách dùng và “chơi” với tiếng Việt với tâm thế cởi mở, đặt ngôn ngữ trong sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống và giao lưu văn hóa đa chiều. Cuốn sách này hệ thống những quan sát dày công đó, cho bạn đọc hiểu thêm không chỉ về ngôn ngữ mà còn cung cấp nhiều thông tin về nhiều chủ đề trong cuộc sống.

Tác giả Dương Thành Truyền quan niệm rằng, tiếng Việt có sự đóng góp của mỗi người, dù vô tình hay cố ý: “Từng người trong muôn người cùng góp vào giai điệu nghĩ suy và tiết tấu giao tiếp bằng nguồn chất liệu vừa xưa cũ và hồn nhiên, vừa tươi mới mà sáng tạo”. Những kênh giao tiếp khác nhau sẽ tác động tới cách dùng ngôn ngữ; con người, đặc biệt là người trẻ luôn luôn thích “chơi chữ” theo nhiều cách khác nhau, mà các bài nhạc rap hiện giờ là thí dụ rõ nét. Với lối tiếp cận của tác giả, người đọc chỉ thấy đó là một phần của quá trình phát triển ngôn ngữ, chứ không làm tiếng Việt mai một đi, bởi đó là đúc kết của “giá trị văn hóa mà bao thế hệ, qua ngàn đời đã trao truyền bằng lời, bằng mực cho một kho báu có sức sống mãnh liệt vì hôm nay và mai sau”.

Tác giả Dương Thành Truyền dùng tình yêu để bàn về tiếng Việt, chính vì thế mà anh đặt tên sách là “Tình ca tiếng nước ta”. Anh cho biết “Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng… thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu!”. Tình yêu đó đã cụ thể hóa thành hơn 400 trang sách, một độ dày “thách thức” nhịp sống nhanh hiện nay. Nhưng vì những thí dụ trong sách đưa ra quá phong phú, từ cổ chí kim, từ bình dân đến học thuật, nên “Tình ca tiếng nước ta” vẫn lôi cuốn và thú vị.

Đối với nhà thơ Lê Minh Quốc, cuốn “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm” là cuốn sách dành cho tất cả những người đang dùng tiếng Việt và muốn nói tiếng Việt. Nhà thơ cho rằng “dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?”. Mở đầu cuốn sách bằng câu hỏi nhưng cũng là lời khẳng định sự phong phú của tiếng Việt, nhà thơ Lê Minh Quốc dẫn dắt độc giả đi qua những trang viết để khẳng định sự đa dạng, thâm thúy và uyển chuyển của tiếng Việt, mà trong nhiều trường hợp ngay cả người nói tiếng mẹ đẻ cũng gặp khó khăn khi sử dụng, đọc hiểu, nghe hiểu. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên sự khéo léo, nét tình cảm và cái duyên riêng, làm nên bản sắc và linh hồn tiếng Việt. Bản sắc bất biến của tiếng Việt nằm trong chính sự biến hóa, tác giả đã tóm gọn điều đó trong hai chữ “lắt léo và lịch lãm”.

Trong cuốn sách, Lê Minh Quốc đã khảo sát sự biến hóa này, giúp người đọc hiểu được cái tài tình và ý tứ trong lời ăn tiếng nói của dân tộc qua bốn phần: Ăn theo thuở, ở theo thời; Nhập gia tùy tục; Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ; Rành sáu câu… mút mùa Lệ Thủy. Thông qua bốn phần “lắt léo” của cuốn sách, độc giả sẽ cùng tác giả bàn về sự biến hóa của tiếng Việt theo thời gian, bàn về hiện tượng sử dụng từ mượn rồi “Việt hóa”, tạo nên sắc thái ngữ nghĩa riêng, lâu dần khiến người sử dụng tưởng là “thuần Việt”. Người đọc cũng được biết thêm sự phong phú, “lắt léo” mà “lịch lãm” qua việc đề cập tiếng Việt khi được sử dụng ở miền trung và Nam Bộ.

Trong mỗi phần, tác giả Lê Minh Quốc khảo sát rất nhiều đối tượng ngôn ngữ, cả văn nói và văn viết, văn chương bình dân và bác học, đặt trong nhiều bối cảnh giao tiếp khác nhau. Sau đó, tác giả tra cứu, tham khảo và đối chiếu với hàng chục từ điển và tư liệu khảo cứu để truy tìm về nguồn gốc và quá trình biến chuyển của từng từ, chỉ ra nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Đọc cuốn sách, độc giả dễ dàng nhận thấy sự “ưu ái” của tác giả đối với văn chương bình dân, đặc biệt là ca dao, tục ngữ.

Theo anh, chúng lưu giữ “dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt”, là những “viên ngọc còn tồn tại muôn đời” nên được anh lấy làm chuẩn, làm mẫu mực khi sử dụng làm văn liệu dẫn chứng cho một từ nào đó. Ngoài ra, anh cũng đặc biệt thích thú với từ địa phương, dành đến hai phần ba cuốn sách để đào sâu khám phá phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là Nam Bộ. Ngôn ngữ luôn được đặt vào một bối cảnh nhất định, gắn liền với văn hóa, lịch sử, thời sự… nên tất nhiên không thể tách rời với nét riêng biệt của từng vùng miền.

Nhà thơ Lê Minh Quốc từng chia sẻ, trong sự giao thoa với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau, anh mường tượng tiếng Việt như con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, có khi bão táp, có lúc hội nhập, có khi hòa tan nhưng vẫn vững tin, không bao giờ chệch hướng, bởi lẽ đã có “kim chỉ nam” định hướng cho hành trình tất yếu này. “Kim chỉ nam đó là gì? Tôi luôn nghĩ đến tài sản quý báu bậc nhất mà cha ông ta đã phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau chính là ca dao, tục ngữ, thành ngữ” - nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định.

Có thể nói, với hai tập sách mới cùng với những tác phẩm đã xuất bản trước đây, bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” không chỉ được dùng để tham khảo trong nhà trường, cho người làm việc sáng tạo, mà còn hữu dụng với những người làm truyền thông, sáng tạo nội dung trong thời đại hiện nay.