Tháng 8 vừa qua, hầm chui Trần Quốc Hoàn thuộc Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa (quận Tân Bình) đã hoàn thành và chính thức thông xe sau hơn một năm rưỡi thi công. Nhờ công tác giám sát theo dõi thi công chặt chẽ, từng nhà thầu, từng đơn vị phải báo cáo kết quả hằng tuần cho chủ đầu tư, nếu có vướng mắc sẽ có phương án hỗ trợ tháo gỡ. Do đó, gói thầu số 9-hầm chui Trần Quốc Hoàn đã hoàn thành vượt tiến độ ba tháng so với kế hoạch đề ra.
Cùng với việc hoàn thành, thông xe gói thầu số 9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) cùng các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã phát động đợt thi đua 130 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thông xe toàn bộ tuyến đường vào ngày 31/12/2024, sẵn sàng phục vụ Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi đưa vào khai thác.
Ðánh giá tiến độ chung của các gói thầu thuộc dự án này, đại diện chủ đầu tư, Ban Giao thông cho biết: Nhìn chung các gói thầu xây lắp đạt khoảng 80% khối lượng nhưng chỉ có gói thầu đền bù giải phóng mặt bằng đạt thấp cho nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của toàn dự án. Qua tính toán hiện nay, việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư chưa hoàn thành, vì thế chưa thể giải ngân lượng vốn được giao năm 2024 cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 400 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, đơn vị đã kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng khu đất tái định cư tại chỗ làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ban hành quyết định thu hồi đất bàn giao mặt bằng thi công.
Nằm trong danh sách những tuyến đường thi công "ì ạch", đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) cũng vướng mắc khi đền bù giải phóng mặt bằng, đến nay công trình đã mất sáu năm thi công xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Với quyết tâm tập trung giải ngân vốn đầu tư công, dự án đang được chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ghi nhận, trong tháng 9, việc thi công triển khai cả ngày lẫn đêm với từ 6 đến 10 mũi thi công tùy từng thời điểm, được cả người dân và chính quyền địa phương quan tâm ủng hộ. Theo Ban 3 (thuộc Ban Giao thông), toàn dự án có 425 trường hợp nằm trong phạm vi giải tỏa, đến nay quận đã bàn giao được gần 90% mặt bằng với 380 trường hợp, còn lại 45 trường hợp chưa bàn giao, khối lượng giải phóng mặt bằng khá lớn.
Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận cho biết: Quận đang xúc tiến đẩy nhanh việc tiếp xúc vận động hộ dân để thuyết phục bàn giao mặt bằng, trong trường hợp các hộ không đồng ý thì quận nắm tình hình, có giải pháp xử lý nhằm bàn giao dứt điểm cho chủ đầu tư. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm, quận Gò vấp đã được quy hoạch từ cách đây 30 năm; vì vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư càng được đẩy mạnh để công trình sớm về đích, nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe cũng như góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực này.
Thông tin tại Chương trình dân hỏi-chính quyền trả lời của thành phố, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố cho biết: Ðến tháng 9/2024, thành phố chỉ giải ngân chưa đến 20% kế hoạch giải ngân của năm. Trong đó, tiến độ giải ngân lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ chưa đạt như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, do thời điểm này mới chỉ ở giai đoạn hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án và đang chuẩn bị giải ngân vốn trong thời gian tới. Ngoài ra, còn có khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Luật Ðất đai 2024 có hiệu lực, một số dự án phải tính toán lại để bảo đảm quyền lợi cho người dân như Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, bờ bắc Kênh Ðôi…, vì thế tiến độ dự án theo đó cũng bị ảnh hưởng. Hay các dự án tuy đã có chủ trương đầu tư nhưng công tác quy hoạch chưa hoàn thiện cho nên chưa đủ điều kiện quyết định đầu tư và triển khai đầu tư dự án. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư để thúc đẩy nhanh nhưng một số cơ quan chưa cắt giảm, vì vậy thủ tục cũng chậm theo.
Cũng theo ông Kiên, còn có một số nguyên nhân khác khiến giải ngân vốn đầu tư chậm như thiếu vật liệu xây dựng, tiến độ thi công của nhà thầu…
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của toàn thành phố mới đạt 20% trên tổng số 12.380 tỷ đồng được giao. Lý do, khoảng 2.000 tỷ đồng nằm trong các dự án liên quan về giải phóng mặt bằng, 8.000 tỷ đồng, trong đó, có 4.000 tỷ đồng nằm trong dự án vành đai 3. Tuy nhiên, tiến độ các công trình từ quý III trở đi sẽ được đẩy nhanh, sau khi các công trình được gia tải và cát công trình được chuyển về thi công, khối lượng thi công sẽ được nâng lên.
Ông Phúc kỳ vọng: Chúng tôi sẽ giữ mục tiêu giải ngân hơn 90% vốn đầu tư công vào cuối năm nay theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố. Giải pháp đặt ra, từng dự án phải có tiến độ chi tiết, từng công việc cụ thể với các đơn vị thực hiện chịu trách nhiệm. Hiện nay, thành phố đã có tổ công tác đặc biệt cũng như Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm, kiểm điểm hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng. Với sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ như vậy, chúng tôi mong rằng, mục tiêu cuối cùng về tiến độ giải ngân của thành phố nói chung và Ban Giao thông nói riêng sẽ được bảo đảm. Ðơn cử, Quốc lộ 50 cuối năm được thông xe; nút giao An Phú phấn đấu trong tháng 9 này sẽ thông xe gói thầu đầu tiên (thi công cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố 2). Ngoài ra, cuối năm nay, hầm đầu tiên của nút giao An Phú sẽ thông xe và năm 2025 đường hầm thứ hai cũng như hệ thống bốn cầu vượt sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân...