Nỗ lực khép kín đường vành đai 2

Vành đai 2 được xem là tuyến đường vành đai ngoại vi thành phố giúp kết nối giao thông ở các cửa ngõ với khu vực cảng, các tuyến quốc lộ, từ đó hình thành một trục xương sống liên hoàn, qua đó giúp thay đổi bộ mặt đô thị thành phố Thủ Đức.
Vành đai 2 (đoạn 3) dài 2,7 km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa-Quốc lộ 1 được thực hiện theo hợp đồng BT tạm ngưng 4 năm qua, dự kiến sẽ thi công trở lại.
Vành đai 2 (đoạn 3) dài 2,7 km, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa-Quốc lộ 1 được thực hiện theo hợp đồng BT tạm ngưng 4 năm qua, dự kiến sẽ thi công trở lại.

Sau gần 20 năm triển khai, tuyến đường đang được địa phương và chủ đầu tư nỗ lực khép kín để giải quyết bài toán kết nối giao thông, từ đó kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông…

Thành phố Thủ Đức tổ chức đo vẽ, kiểm đếm

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết: Sau khi giải quyết rất nhiều khó khăn, vướng mắc, dự án đường vành đai 2 đã dần được tháo gỡ, dự án đã bắt đầu khởi động lại sau thời gian dài. Hai đoạn của đường vành đai 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) đang được lập và phê duyệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của đoạn 2 được Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt là 4.543 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1.956 tỷ đồng; kinh phí dành cho xây dựng là 2.587 tỷ đồng. Dự kiến trên địa bàn thành phố Thủ Đức có khoảng 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, hiện nay, dự án đường vành đai 2 đã được bố trí vốn đầy đủ, người dân bị ảnh hưởng sẽ sớm nhận được tiền bồi thường. Thành phố Thủ Đức cam kết công khai, minh bạch, mở một mục riêng trên website về dự án đường vành đai 2 để người dân nắm bắt thông tin. Các thông tin chung về dự án, từng mốc thời gian sẽ được cập nhật để người dân có thể theo dõi. Tất cả thông tin cũng được công khai tại trụ sở phường, qua các nhóm Zalo cho người dân có dự án đi qua được biết.

Bên cạnh đó, thành phố Thủ Đức cũng có địa chỉ tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng để người dân trao đổi. “Đối với vấn đề an cư, địa phương và thành phố rất quan tâm, chủ trương là chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thành phố Thủ Đức sẽ áp dụng giá tiệm cận tối đa theo giá thị trường, thông qua việc khảo sát giá thực tế, đồng thời công khai giá dựa trên khảo sát từ từng vị trí như mặt tiền đường, các tuyến đường hẻm với hơn 200 vị trí đã khảo sát”-ông Quyết nhấn mạnh.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức thông tin thêm, địa phương đã tổ chức đo vẽ, kiểm đếm tất cả trường hợp nằm trong phạm vi dự án (gồm cả hai đoạn có chiều dài 6 km) với 1.161 hồ sơ. Đồng thời, Ban Bồi thường phối hợp với các phường liên quan bàn giao ranh mốc sau đó chuyển cho chủ đầu tư làm cơ sở thực hiện. Công tác ban hành thông báo thu hồi đất đạt tỷ lệ 100%.

Ban Bồi thường đã tổ chức xác minh nguồn gốc đất các trường hợp thuộc dự án, kết quả đạt 83% tiến độ, phấn đấu đến cuối tháng 9 sẽ hoàn tất. Cuối tháng 10 sẽ xong công tác thẩm định giá đền bù, sau đó ban hành quyết định thu hồi đất cho toàn bộ 1.161 hồ sơ. Dự kiến, bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 12, Ban Bồi thường thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức chi trả tiền đền bù cho hộ dân và các đơn vị tổ chức bị ảnh hưởng.

Nỗ lực tiếp tục thi công đoạn 3

Dự án đường vành đai 2 đã có trong quy hoạch từ năm 2007 (dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe) nhưng chưa thể triển khai đồng bộ vì một số vướng mắc. Trong đó, đoạn 3 của dự án dài 2,7 km, có điểm đầu tại đường Phạm Văn Đồng và điểm cuối tại nút giao Gò Dưa-Quốc lộ 1 được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), được ký kết vào năm 2016 nhưng bị tạm ngưng sau gần bốn năm thi công.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường vành đai 2 chậm tiến độ, khó được khép kín. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, người dân ngụ phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, nằm trong khu vực đoạn 3, thi công dở dang từ năm 2020 đến nay than phiền: “Chúng tôi mong mỏi từng ngày khởi động lại việc xây dựng đoạn này do để lâu hạ tầng rất nhếch nhác, nắng mưa lầy lội. Thành phố cần đốc thúc quyết liệt hơn để chủ đầu tư khởi động thi công trở lại, sớm hoàn thành cả đoạn tuyến này”.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư đoạn 3) Tạ Quốc Bình cho biết: Tính từ thời điểm tạm ngưng công trình thì khối lượng giải phóng mặt bằng thực hiện hơn 90%, giá trị giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng. Khối lượng thi công đạt khoảng 40%. Vướng mắc gặp phải do liên quan đến hình thức đầu tư nên từ năm 2020 đến nay dự án phải tạm dừng. Thực tế thành phố đang tổ chức rà soát, để tiến tới bổ sung điều kiện và ký phụ lục hợp đồng. Nhà đầu tư cũng nỗ lực cùng thành phố tháo gỡ khó khăn như điều chỉnh báo cáo tiền khả thi, xác định quỹ đất thanh toán nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo ông Bình, nhà đầu tư đã xây dựng tiến độ chi tiết, sẵn sàng tiếp tục triển khai dự án khi thành phố hoàn tất ký kết phụ lục hợp đồng. Nếu mọi việc thuận lợi, sau một năm thi công, dự án sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Theo Ban Điều hành dự án PPP (Ban Giao thông), Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác liên ngành do Sở Giao thông vận tải chủ trì giải quyết vướng mắc của dự án BT. Nếu giải quyết xong, dự kiến cuối năm nay có mặt bằng để thi công trở lại vào đầu năm 2025. Riêng đoạn 1 và 2, thành phố phấn đấu khởi công trong năm 2025.

Tuyến đường vành đai 2 được phê duyệt quy hoạch từ năm 2007, bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (Quận 7), đến ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1, sau đó chạy vòng về đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng bao quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, toàn tuyến mới hoàn thành 50 km, 14 km còn lại là những đoạn thi công dở dang, hoặc đang chờ đầu tư, thực hiện. Trong 4 đoạn dở dang, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức) dài 2,7 km được triển khai từ năm 2017.