Đưa hàng Việt tiếp cận thị trường quốc tế

Với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng,… các sản phẩm hàng Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm "Tôn vinh hàng Việt năm 2024" mới đây được người tiêu dùng đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ "Tôn vinh hàng Việt" năm 2024.
Doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ "Tôn vinh hàng Việt" năm 2024.

Ðại diện các doanh nghiệp đều khẳng định, trên cơ sở các chính sách, hỗ trợ từ cơ quan chức năng cùng xu hướng thị trường, doanh nghiệp đang nỗ lực đưa sản phẩm tiếp cận nhanh và hiệu quả đến khách hàng, nhất là với thị trường quốc tế.

Đa dạng sản phẩm, mẫu mã

Hội chợ Tôn vinh hàng Việt năm 2024 thu hút hơn 150 doanh nghiệp có sản phẩm tiêu biểu ở đa dạng lĩnh vực kinh doanh, tham gia 220 gian hàng và kết nối giao thương. Trong đó, nhóm thực phẩm chế biến và gia dụng chiếm 45,8%, da giày và dệt may 15%, dược phẩm và hóa mỹ phẩm chiếm 8,2%, thủ công mỹ nghệ chiếm 10%, dịch vụ chiếm 8,4%, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm 10% và sản phẩm khác là 2,6%.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Với chủ đề "Hàng Việt tiêu biểu hội nhập quốc tế", các doanh nghiệp tham gia chương trình năm nay tiếp tục hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo phương châm "Hàng Việt chinh phục người Việt" bằng chất lượng, thương hiệu uy tín, góp phần phát triển kinh tế thành phố và hướng đến mục tiêu xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Với những nỗ lực, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị và chuẩn hàng hóa, thay đổi và linh hoạt thích ứng cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng Việt ngày càng tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi sử dụng của người tiêu dùng. Mục tiêu của doanh nghiệp là đưa sản phẩm ra các thị trường bên ngoài. Ðể từng bước thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã có Quyết định số 386/QÐ-TTg ban hành Ðề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam với tỷ lệ hơn 85% tại kênh phân phối hiện đại và hơn 80% kênh phân phối truyền thống. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, các doanh nghiệp cần đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, cạnh tranh để hướng tới việc "Hàng Việt chinh phục người Việt". Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong chương trình năm 2024, các hoạt động kết nối, hỗ trợ, xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng được thực hiện xuyên suốt để các bên giao lưu, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp.

Cơ hội từ các phiên bán hàng trực tuyến

Tận dụng những cơ hội và lợi thế của các phiên bán hàng trực tuyến (livestream), năm nay, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp và Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp triển khai dự án "Trăm doanh nghiệp-Vạn đơn hàng-Triệu tài khoản" nhằm tổ chức các đợt tập huấn, hỗ trợ, các phiên livestream và chiến dịch quảng bá định kỳ hằng tháng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp OCOP thuộc nhiều nhóm ngành nghề.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn chi tiết xây dựng gian hàng trên không gian mạng. Các đơn vị cũng hỗ trợ các giải pháp phân tích để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Với việc ứng dụng công nghệ, hoạt động này cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thành phố, giúp họ tiếp cận, làm chủ và tận dụng tối đa tiềm năng của các nền tảng số và công nghệ mới hiện nay để từ đó xây dựng và thiết kế chiến lược kinh doanh bền vững.

Với sự tham gia của các đơn vị bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp, dự án sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận các phương thức kinh doanh mới, phù hợp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng hóa các nước sẽ xâm nhập các thị trường với tốc độ rất nhanh cho nên sự liên kết của các doanh nghiệp Việt nhằm tạo môi trường kinh doanh bền vững là điều rất cần thiết và cấp bách.

Tại Hội thảo "Ðẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới" tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công thương cho rằng: Thương mại điện tử xuyên biên giới đang bùng nổ mạnh mẽ với những con số tăng trưởng rất lớn. Thực tế này khiến nhiều quốc gia không thể đứng ngoài cuộc. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu với vô vàn cơ hội được mở ra. Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Dự báo năm 2025, thị trường thương mại điện tử toàn cầu sẽ đạt doanh thu dự kiến 7,4 nghìn tỷ USD. Cơ hội được chia đều cho các doanh nghiệp ở các quốc gia tận dụng được các lợi thế mà thị trường này mang lại. Thời gian qua, thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, nhiều thương hiệu Việt đã có "chỗ đứng" như gốm sứ Minh Long, Sunhouse, BeeFurni, Lafooco… Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, để khai thác hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới và hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật thông tin và riêng tư của khách hàng, chính sách giao dịch và quy định về thuế, hải quan, quy định về bản quyền, thương hiệu và sở hữu trí tuệ… Ðể tiếp cận các thị trường nước ngoài, công tác nghiên cứu thị trường, văn hóa, thị hiếu của khách hàng cần được thực hiện kỹ lưỡng, hiệu quả.