Cảng Khánh Hội, động lực phát triển kinh tế thành phố

Cảng Khánh Hội (Quận 4) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khu vực này có thể vừa là nơi bảo tồn di sản văn hóa, vừa là điểm đến du lịch năng động với không gian công cộng xanh rộng lớn… của Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực cảng Khánh Hội, Quận 4.
Khu vực cảng Khánh Hội, Quận 4.

Đó là ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo “Dự án cải tạo cảng Khánh Hội: các yếu tố tạo nên sự thành công” do Viện Đô thị thông minh và quản lý (thuộc Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), Tổ chức ADEME (thuộc Bộ Chuyển đổi sinh thái và Liên kết vùng Pháp), Công ty Terao Asia (Singapore) phối hợp tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Món quà vô giá từ thiên nhiên

Theo Tiến sĩ Đinh Công Khải, Phó Giám đốc Viện Đô thị thông minh và quản lý, hội thảo mong muốn tìm ra giải pháp quy hoạch hiệu quả nhất nhằm khai thác tối đa các tiềm năng về du lịch, thương mại, dịch vụ mới tại cảng Khánh Hội, mà vẫn bảo đảm việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Nahas Anthony, Trưởng nhóm Tổ chức ADEME cho rằng, Cảng Khánh Hội là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển du lịch đường sông, là động lực để chuyển đổi kinh tế của thành phố trong thế kỷ 21. Do vậy, việc bảo tồn (nền kinh tế di sản) và tôn tạo (nền kinh tế kỹ thuật số bền vững) phải được thực hiện song hành. Tổ chức ADEME sẵn sàng làm cầu nối giữa các thành phố như: Paris, Bordeaux, Rouen, Lyon, Marseille với Thành phố Hồ Chí Minh để cung cấp chuyên môn nhằm gìn giữ vẻ đẹp đô thị sông nước, đồng thời tối đa hóa năng suất kinh tế và lợi nhuận tài chính cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Cảng Khánh Hội còn có thể được xây dựng hiện đại để gia tăng lưu lượng tàu du lịch quốc tế, cũng như thúc đẩy giao thông đường thủy kết nối nội đô và liên tỉnh. Nếu mục tiêu này được nghiên cứu, xây dựng sẽ chứng minh cho chiến lược tái phát triển cảng Khánh Hội mang lại lợi ích kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tạo cơ hội gia tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và khả thi cho tổ chức tài chính tham gia dự án.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Linh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự án quy hoạch cảng Khánh Hội cần thiết phải duy trì sự xuất hiện của các tàu khách quốc tế. Nếu thành phố xây dựng khu vực này trở thành một khu phức hợp, trọng tâm là du lịch, với mong muốn nâng tầm quốc tế thì chẳng có lý do gì lại không đưa tàu khách quốc tế vào nội đô vì đây là thế mạnh nổi trội và là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Sự xuất hiện của những tàu khách quốc tế sẽ nâng tầm giá trị của cả khu vực này lên. Bên cạnh đó, sự duy trì hoạt động của tàu khách du lịch quốc tế còn thể hiện sự tôn trọng lịch sử, tôn trọng nguyện vọng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh vì cảng Sài Gòn đã hằn sâu trong tâm trí của bao thế hệ người dân thành phố.

“Mỏ kim cương” cần khai thác đúng cách

Đóng góp cho đề án quy hoạch phát triển cảng Khánh Hội đang được các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến, ông Lê Hữu Luận, nguyên Giám đốc Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng nhà hát và bảo tàng tại khu vực này sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch; trong đó, bảo tàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam.

Còn nhà hát dọc cảng Khánh Hội sẽ là nơi diễn ra đa dạng chương trình nghệ thuật, không chỉ tạo ra một sân chơi cho nghệ sĩ mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố, từ đó thu hút du khách trong và ngoài nước. Các hoạt động diễn ra tại nhà hát và bảo tàng sẽ mang lại việc làm cho người dân địa phương, góp phần kích thích sự phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Quy hoạch Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh phải tư duy khu vực cảng Khánh Hội là “của để dành” không phải chỉ cho Quận 4 mà cho cả thành phố và toàn vùng. Khu vực này cần bổ sung các chức năng, kể cả nhà hát và các công trình nhưng công trình nào thì phải lựa chọn kỹ lưỡng vì không đủ không gian cho chúng ta xây dựng tất cả những gì chúng ta muốn. Theo ông Vũ, các công trình ở đây cần tạo ra giá trị cho cư dân chứ không chỉ phục vụ cho các chủ bất động sản dọc theo cảng. Công trình đó cũng phải tạo được thương hiệu cho Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Quận 4 nói riêng khi giới thiệu với bạn bè thế giới.

Luận giải về quy hoạch phát triển khu vực cảng Khánh Hội, tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố cho biết, dự án sẽ tái thiết theo hướng đưa cảng Khánh Hội trở thành khu chức năng hỗn hợp, có đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, dịch vụ logistics, du lịch, có những công trình tiện ích cho người dân như công viên giải trí, văn hóa mang nét đặc sắc và cạnh tranh của khu trung tâm quốc tế. Theo ông Tuấn, với những bổ sung đó thì khu cảng Khánh Hội sẽ có những giá trị văn hóa, lịch sử, chiều sâu của phát triển, công nghệ tiên phong và đột phá. Tuy nhiên, song song đó cần giải quyết bài toán quỹ đất, giao thông công cộng, kết nối giao thông liên vùng dọc bờ sông.

Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Chính phủ Pháp sẵn sàng tài trợ nghiên cứu khả thi để giúp thành phố xác định các mục tiêu thúc đẩy phát triển giá trị lịch sử, văn hóa và sinh thái của cảng Khánh Hội. Chính phủ Pháp cũng sẽ hỗ trợ chính quyền thành phố kiến tạo đô thị độc đáo và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cho thành phố nói chung, cảng Khánh Hội nói riêng. Nhóm chuyên gia bền vững của Pháp sẽ hợp tác chặt chẽ với nhóm chuyên gia, cơ quan quản lý và các công ty tư nhân Việt Nam trong xác định những phương pháp hiệu quả nhất, bảo đảm gia tăng lợi ích cho Thành phố Hồ Chí Minh từ Dự án cải tạo cảng Khánh Hội.