Chuyển đổi kép để đổi mới và bứt phá

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện trong hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số trong tương lai gần. Thực hiện mục tiêu này, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến chuyển đổi kép (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) để hướng đến mục tiêu bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị giới thiệu giải pháp công nghệ chuyển đổi số tại Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024.
Các đơn vị giới thiệu giải pháp công nghệ chuyển đổi số tại Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024.

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã trở thành "chìa khóa vàng" giúp doanh nghiệp, các cơ quan nhanh chóng thích nghi và chuyển mình trong bối cảnh kinh tế- xã hội biến động không ngừng.

Phấn đấu năm 2030, kinh tế số đóng góp 40% GRDP

Hướng đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh, một xã hội số thịnh vượng, văn minh. Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% số người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu Thành phố Hồ Chí Minh. Ðến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử đạt hơn 85%.

Bên cạnh tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp vào GRDP của thành phố năm 2024 là 22%, phấn đấu đến năm 2025 đạt 25% và 40% vào năm 2030; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội.

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… nhằm thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực công nghệ số, nghiên cứu hình thành thêm khu công nghệ thông tin tập trung tại thành phố. Từ đó, tạo động lực lan tỏa và tạo sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Ðình Thắng, Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho biết: Từ năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định việc "khai thác dữ liệu" là nhiệm vụ cốt lõi và kho dữ liệu dùng chung là giải pháp xuyên suốt trong quá trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng và mục tiêu chuyển đổi số vào năm 2025. Những năm qua, chuyển đổi số đã thấm sâu vào từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng tổ chức và nhất là vào cộng đồng doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là trọng tâm phát triển kinh tế, với các trụ cột: Công nghiệp công nghệ và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số.

Chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu

Cùng với thực hiện chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh; chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai: sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Ðể thực hiện mục tiêu này, cuối năm 2022, thành phố đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, thành phố cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ðặc biệt, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nhiều điều kiện cho việc phát triển kinh tế xanh tại thành phố, trong đó, có một số quy định cụ thể quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh của thành phố.

Cụ thể, thành phố được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng 100%. Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon cho các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.

Thành phố cũng đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Bà Võ Thị Trung Trinh cũng cho biết: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Ðồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm. Qua đó, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.