Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam:

Một năm thành công của hợp tác Việt Nam-UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước

NDO - Trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam với UNESCO tiếp tục được củng cố, với 4 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao UNESCO sang Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới trụ sở UNESCO vào tháng 10/2024 đã đưa mối quan hệ trở thành hình mẫu về hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 21/1, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và đề ra định hướng hoạt động năm 2025 tại Hà Nội.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; cùng sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND các tỉnh An Giang, Hà Giang, Ninh Bình, lãnh đạo các địa phương Bắc Ninh, Đà Lạt, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh…, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các thành viên Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, các ban quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và truyền thông.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi mang tính thời đại với những biến động không ngừng.

Trong bối cảnh đó, vai trò của UNESCO trở nên đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng hòa bình, thúc đẩy hiểu biết, lòng tin và hợp tác để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Về kết quả hoạt động của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao nhấn mạnh, trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam với UNESCO tiếp tục được củng cố, với 4 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao UNESCO sang Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới trụ sở UNESCO vào tháng 10/2024 đã đưa mối quan hệ trở thành hình mẫu về hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước.

Một năm thành công của hợp tác Việt Nam-UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu.

Năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm cương vị tại 6 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, thể hiện sự tin cậy của bạn bè quốc tế, uy tín, vị thế của đất nước và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam cho công việc chung của tổ chức.

Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO cũng đánh giá, năm 2024 là một điểm sáng với việc ghi danh thêm 6 danh hiệu UNESCO - mức cao kỷ lục trong một năm, đưa số lượng danh hiệu của Việt Nam lên 71 danh hiệu, đứng đầu các nước Đông Nam Á, tạo thêm nguồn lực, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở các địa phương.

Việc ghi danh Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam”, Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”, 2 Thành phố học tập toàn cầu Sơn La và Thành phố Hồ Chí Minh và thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo của UNESCO tại VinUni không chỉ thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc, tư tưởng, nhân sinh quan của người Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực thực hiện sứ mệnh chung của UNESCO, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương và đất nước.

Bên cạnh đó, việc vận động thành công UNESCO ủng hộ hồ sơ bảo tồn Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã mở ra khả năng tái hiện Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên, góp phần hiện thực hóa ước nguyện ngàn đời của cha ông ta, của thế hệ hiện tại và tương lai.

Những thành tích trên có được nhờ chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, sự tham gia tích cực, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, với nhiều đóng góp cụ thể của các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, sự đồng hành vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, người dân và hợp tác hiệu quả của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Một năm thành công của hợp tác Việt Nam-UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí với nội dung báo cáo tổng kết và những kết quả quan trọng trong hợp tác Việt Nam-UNESCO mà Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đạt được trong năm qua.

Hội nghị cũng tích cực thảo luận về các khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp cũng như định hướng sắp tới để tăng cường hiệu quả hơn nữa hợp tác với UNESCO, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Các ý kiến tập trung đề xuất cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các cơ chế điều hành mà Việt Nam là thành viên như: Đại hội đồng UNESCO, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng tư vấn về công viên địa chất toàn cầu; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy để thực hiện được các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra và có tính hiệu quả cao theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các lĩnh vực của UNESCO, tăng cường hợp tác công-tư trong công tác UNESCO.

Phát biểu kết luận, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thực chất của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy hợp tác với UNESCO; đồng thời nhấn mạnh năm 2025 là giai đoạn bản lề quan trọng để triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm đến Việt Nam của lãnh đạo UNESCO như Tổng Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, các Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO trong các lĩnh vực, đồng thời chuẩn bị lộ trình cho hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2026-2030.

Hội nghị cũng xác định các định hướng trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy việc xây dựng và vận động cho các hồ sơ bảo tồn, hồ sơ đề cử di sản/danh hiệu mới, tạo nguồn lực cho sự phát triển của các địa phương, đất nước và nâng cao hình ảnh Việt Nam.

Cụ thể như hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 47 (Bulgaria, tháng 7/2025); hồ sơ Nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ tại Kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 (Ấn Độ, tháng 12/2025); các hồ sơ đề cử Thành phố Hồ Chí Minh là Thành phố sáng tạo; xây dựng hồ sơ thành phố Hà Nội, Đông Hà, Sầm Sơn, Uông Bí, Hạ Long là Thành phố học tập toàn cầu; hồ sơ vinh danh danh nhân Lê Quý Đôn; và một số hồ sơ dự kiến khác như Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Võ cổ truyền Bình Định, Mo Mường, Củ Chi…

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thay mặt lãnh đạo Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các thành viên Ủy ban và các đối tác đã đóng góp vào thành công của năm 2024, khẳng định Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò điều phối, tư vấn, hỗ trợ và giám sát trong các hoạt động hợp tác với UNESCO nhờ những nỗ lực, quyết tâm, đóng góp thiết thực, tâm huyết của các thành viên Ủy ban Quốc gia trong hội nghị.

Thứ trưởng cũng cho rằng năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm thành công của hợp tác Việt Nam-UNESCO, tranh thủ nguồn lực cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh của nhân loại.