Quần thể khu di tích trong đó có Tháp chính (nằm giữa) cao 23m. (Ảnh: Dương Phúc)
Quần thể khu di tích trong đó có Tháp chính (nằm giữa) cao 23m. (Ảnh: Dương Phúc)

Tháp Bà Ponagar - Di sản ngàn năm được vinh danh di tích quốc gia đặc biệt

NDO - Việc công nhận Tháp Bà Ponagar là di sản quốc gia đặc biệt không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử-văn hóa của di tích, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 17/1/2025 Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Thành Long đã ký quyết định số 152/QĐ-Ttg công bố xếp hạng di tích đặc biệt đợt 17 năm 2025 với 5 di tích trong đó có Di tích nghệ thuật Tháp Bà Ponagar tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vốn được coi là niềm tự hào của người Chăm từ nhiều thế kỷ qua.

Kiệt tác kiến trúc Chăm-pa lưu dấu ngàn năm lịch sử

Tọa lạc trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, di tích Tháp Bà Ponagar được xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII để thờ Nữ thần Ponagar-Mẹ Xứ sở của người Chăm. Trải qua hơn ngàn năm lịch sử, nơi đây không chỉ là trung tâm tín ngưỡng quan trọng mà còn lưu giữ những tinh hoa kiến trúc độc đáo của văn hóa Chăm-pa.

Khu di tích là một quần thể kiến trúc được phân bố trên 3 mặt bằng: Tháp Cổng, Mandapa và khu đền tháp. Do biến động của lịch sử, hiện nay khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc cổ ở 2 mặt bằng: Mandapa và khu đền Tháp.

Kiến trúc Mandapa có niên đại khoảng thế kỷ XI. Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật trước khi lên hành lễ ở các tháp phía trên.

Tháp Bà Ponagar - Di sản ngàn năm được vinh danh di tích quốc gia đặc biệt ảnh 1

Tháp Đông Bắc (tháp Chính) được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813-817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI.

Theo sử sách và những kết quả khảo sát thực địa, khu đền tháp này có tất cả 6 tháp. Ngoài 4 tháp hiện hữu, còn có 2 tháp ở khu vực phía sau, nhưng hiện nay chỉ còn nền móng của tháp cũ. Người Chăm gọi tháp là Kalan, dịch sang tiếng Việt nghĩa là đền, tháp.

Tháp Đông Bắc (tháp Chính) cao khoảng 23m. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại của tháp Chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813-817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI. Đây là ngôi tháp thờ Nữ thần Ponagar của người Chăm, còn theo truyền thuyết của người Việt, đây là nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Tháp nam cao 18m, có quy mô lớn thứ hai trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở khu đền tháp Ponagar. Tháp có niên đại thế kỷ XIII, là nơi thờ thần Shiva. Theo truyền thuyết của người Việt gọi là tháp Ông, thờ chồng của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Tháp Đông Nam là tháp có quy mô nhỏ nhất, cao 7,1m. Đây có thể là kiến trúc phụ trong quần thể kiến trúc này và thuộc loại muộn, khoảng thế kỷ XI-XII. Tháp thờ thần Skandha-con thần Shiva là vị thần tượng trưng cho sức mạnh, chiến tranh. Theo truyền thuyết của người Việt, tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Tháp Tây Bắc cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí. Đây là tháp thờ thần Ganesha-vị thần biểu tượng của may mắn, trí tuệ và hạnh phúc. Theo truyền thuyết của người Việt, tháp thờ Cô, Cậu (con của Thiên Y A Na Thánh Mẫu). Theo bia ký và khảo cổ học, tháp có niên đại xây dựng năm 817 song đã được trùng tu nhiều lần, nên niên đại cuối cùng khoảng thế kỷ XIII.

Tháp Bà Ponagar - Di sản ngàn năm được vinh danh di tích quốc gia đặc biệt ảnh 2

Di tích Tháp Bà Ponagar không chỉ là nơi linh thiêng mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Dương Phúc)

Di tích Tháp Bà Ponagar không chỉ là nơi linh thiêng mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh những giá trị kiến trúc độc đáo, nơi đây còn thu hút bởi các hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật múa Chăm, dệt thổ cẩm và đặc biệt là lễ hội Tháp Bà Ponagar được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Vị thế của di tích Tháp Bà Ponagar trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Việc di tích Tháp Bà Ponagar được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đã nâng tầm vị thế của di tích không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Di tích được ghi nhận những giá trị vượt thời gian và khẳng định nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đây cũng là động lực để tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo di tích trong những năm tiếp theo.

Theo ông Trần Đức Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa: “Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Tháp Bà Po nagar được Trung tâm Bảo tồn di tích quan tâm và thực hiện thường xuyên. Nơi đây đã trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc được được công nhận di tích quốc gia đặc biệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những người làm công tác quản lý di tích Tháp Bà Ponagar huy động thêm các nguồn lực, xây dựng kế hoạch bảo tồn dài hạn gắn với phát triển du lịch bền vững”.

Tháp Bà Ponagar - Di sản ngàn năm được vinh danh di tích quốc gia đặc biệt ảnh 3

Tháp Bà Ponagar không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc.

Tháp Bà Ponagar - Biểu tượng văn hóa và niềm tự hào của Khánh Hòa

Theo ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: “Tháp Bà Ponagar là niềm tự hào của người dân Khánh Hòa. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc. Việc di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ di sản cho các thế hệ mai sau, là minh chứng cho sự trường tồn của giá trị văn hóa truyền thống”.

Tháp Bà Ponagar không chỉ là nơi thờ Mẹ Xứ sở linh thiêng mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ, không gian văn hóa cổ truyền và lễ hội mang đậm tính truyền thống. Đây là nơi mỗi chi tiết chạm khắc đều kể những câu chuyện văn hóa, đưa chúng ta ngược dòng lịch sử để cảm nhận và trân trọng di sản ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

back to top