UNESCO hỗ trợ bảo vệ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà

Theo Cục Di sản văn hóa, UNESCO sẽ đưa nhóm chuyên gia sang khảo sát thực địa tại Vịnh Hạ Long nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ với địa điểm này. Tại Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã đưa ra 8 khuyến nghị cho Việt Nam về việc bảo tồn Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
0:00 / 0:00
0:00
UNESCO hỗ trợ bảo vệ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà

UNESCO lưu ý về kiểm soát thực hiện các dự án ở khu vực bảo vệ di sản cần đánh giá tác động di sản theo hướng dẫn của Công ước 1972 của UNESCO… Các dự án xây dựng phải đánh giá về sự phù hợp của dự án tác động tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Từ đó, đoàn giám sát phản hồi của UNESCO sẽ đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản, đặc biệt là công tác quản trị di sản và hiệu quả tổ chức quản lý bảo vệ di sản khi khảo sát thực tế.

Xếp hạng đình Tân Đô

UNESCO hỗ trợ bảo vệ Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà ảnh 1

Ngày 22/12, tại đình Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đình Tân Đô. Đình Tân Đô được xây dựng từ lâu đời, còn gìn giữ được kiến trúc và một số tài liệu, hiện vật cổ như: Sách cổ, niên đại thời nhà Nguyễn ghi chép tên các vị thần được thờ ở đình và các gia đình có công tham gia xây dựng, hòn đá đánh tén (xin âm dương), câu đối cổ, bát hương… Ngôi đình đã gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Nùng Phàn Slình và một số dân tộc khác ở địa phương. Làng Tân Đô đã được ngành văn hóa đầu tư theo chương trình Dự án số 6 của Chính phủ về bảo tồn làng văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Chào năm mới cùng bà con dân tộc

Từ ngày 31/12/2024 đến 1/1/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động “Chào năm mới 2025”. Chương trình sẽ giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán văn hóa truyền thống, đặc trưng của nhiều dân tộc trên khắp các tỉnh thành.

Với chủ đề “Phiên chợ vùng cao - Chào năm mới 2025”, sự kiện là các hoạt động kết hợp múa khèn, giã bánh dày với chàng trai, cô gái dân tộc H’Mông, các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, ném còn…), ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống với sắc màu của các dân tộc H’Mông, Dao, Thái (Thanh Hóa) và các nhóm đồng bào vùng núi phía bắc.