Là chương trình hằng năm với nhiều dấu ấn và rất được yêu thích của Đài PTTH Hà Nội mỗi dịp xuân mới, “Tết Hà Nội 2025” sẽ mang đến cho khán giả nhiều nội dung đặc sắc trên các kênh sóng của đài phát thanh và truyền hình trong những ngày Tết theo 3 chủ đề: Tết đoàn viên (29 Tết), Tết vươn mình (mùng 1 Tết) và Tết di sản (mùng 2 Tết). Các chương trình đậm chất Tết và bản sắc Hà Nội sẽ kéo dài xuyên suốt giúp khán thính giả có thời gian thư giãn và tận hưởng những câu chuyện, chương trình thú vị trong những ngày Xuân về.
Loạt chương trình ngày 29 Tết (28/1) có chủ đề Tết đoàn viên sẽ khắc họa không khí náo nhiệt của phố phường, với chợ hoa rực rỡ sắc màu, hay nét trầm mặc, cổ kính của đường làng cuối năm. Khán giả sẽ được hoà mình với không khí chuẩn bị Tết chu đáo, đầm ấm trong mỗi gia đình qua các phóng sự thực tế. Đặc biệt, chương trình “Quán Thời gian chiều 29” ở sân bay Nội Bài giới thiệu một không gian âm nhạc trữ tình, sâu lắng, giàu cảm xúc dành tặng cho khán giả và những người xa quê trở về trong những chuyến bay ngày cuối năm.
Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Trinh, Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân trong chương trình "Tết Hà Nội 2025". |
Điểm nhấn trong chương trình đêm Giao thừa mang tên “Con đường” với hai phần: “Những con đường khát vọng” và “Những con đường di sản” dự kiến kéo dài từ 20 giờ đêm cuối cùng của năm đến 0 giờ 20 phút ngày mùng 1 Tết mang tới những câu chuyện lịch sử, nhưng lại soi chiếu tới hiện tại và câu chuyện của thời đại kết hợp giữa âm nhạc và trò chuyện cùng các nhà quản lý, các chuyên gia. Bên cạnh đó là câu chuyện về nét đẹp cần phát huy và gìn giữ của những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Nội dung của phần một “Những con đường khát vọng” có sự tham gia của 3 vị khách mời rất quan trọng, đi trên 3 con đường quen thuộc của thủ đô Hà Nội, nói về ba chủ đề khác nhau. Đó là đường Lê Thánh Tông-mang tên một trong những vị vua đầu tiên của Việt Nam tổ chức cuộc đại tinh gọn bộ máy, sẽ dẫn tới câu chuyện của lịch sử để đối chiếu với hiện tại, câu chuyện thời đại. Câu chuyện với vị khách trên con đường Phan Đình Phùng-Cửa Bắc gợi nhớ tới cuộc chiến giữ thành Hà Nội của Tổng đốc Hoàng Diệu và cũng chính là lời nhắc nhở thế và lực của đất nước- đất nước phải có lực mạnh thì thế mới mạnh. Hành trình của vị khách thứ ba ngày cuối năm sẽ là địa danh Cột Cờ và chia sẻ về vai trò của Hà Nội tiên phong trong việc đổi mới, vươn mình cùng kỷ nguyên mới của đất nước.
Phần “Con đường di sản” tái hiện lại đêm cuối năm ở Hoàng Thành cùng với sự tham gia của nhiều phường hát, thể hiện các nhạc phẩm theo màu sắc âm hưởng dân gian vùng miền có hát văn, hát chèo, Xẩm, dân ca Bắc Bộ, ca Huế, quan Họ… Từ mỗi diễn tấu dân gian, chương trình sẽ đưa khán giả trải nghiệm hành trình khám phá những di sản phi vật thể của đất nước, khám phá không gian đời sống thực dịp Tết ở nhiều miền quê đất nước. Trong đó, có Cô đôi thượng ngàn đưa chúng ta về không gian ăn Tết miền núi của người dân tộc, hát chèo mang đến một không gian ở nông thôn Bắc Bộ một đêm cuối năm và ca Huế là hình ảnh của một gia đình người Huế đón Tết như thế nào….
Mùng 1 Tết (29/1) với chủ đề “Tết vươn mình” sẽ tập trung tôn vinh những thành tựu nổi bật, từ sự hồi sinh của của các làng nghề truyền thống như đào Nhật Tân sau trận siêu bão lịch sử trong năm 2024, cho đến những dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội. Các chương trình, sự kiện, phóng sự không chỉ tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên mà còn khắc hoạ tinh thần kiên cường của người dân Hà Nội trước những khó khăn, thử thách, cho thấy vai trò tiên phong của Thủ đô trong việc mở ra những cơ hội, định hướng mới, khơi dậy niềm tự hào, truyền cảm hứng về một Hà Nội mạnh mẽ, tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Các đạo diễn, nghệ sĩ điện ảnh từng tham gia các phim truyền hình của Đài PTTH Hà Nội trong năm 2024 cũng góp mặt trong chương trình đón Tết, vui Xuân của đài. |
Buổi sáng của ngày mùng 1 Tết, trong khung thời gian, từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút, khán thính giả có thể đón ngày đầu năm mới Ất Tỵ bằng bữa tiệc âm nhạc với chương trình hoà tấu khí nhạc “Chào năm mới” do 60 nghệ sĩ biểu diễn được Đài PTTH Hà Nội tổ chức thường niên tại Cột Cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) - một di tích lịch sử đặc biệt uy nghiêm và thiêng liêng đối với người dân Thủ đô cũng như với người dân cả nước. Chương trình hòa tấu sẽ bao gồm các nhạc khúc về đất nước về mùa xuân, về thủ đô Hà Nội như: Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Mùa Xuân nho nhỏ (Trần Hoàn), Mùa Xuân trên quê hương (Hoài Mai), Em ơi mùa Xuân đến rồi đó (Trần Chung), Mùa Xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Hà Nội Mùa Xuân (Văn Ký)... thể hiện tinh thần phấn chấn, đầy năng lượng cho một sự khởi đầu rộn ràng, vui tươi.
Buổi tối cùng ngày vào 20 giờ, chương trình đặc biệt “Khúc xuân Hà Nội” với sân khấu đặc biệt ở Công viên Cầu Giấy được lên ý tưởng và thiết kế bởi đạo diễn Lê Quý Dương - người tạo ra những chương trình đẳng cấp mang thương hiệu của Đài PTTH Hà Nội sẽ mang tới một bữa tiệc âm nhạc hấp dẫn với sự góp mặt của hai nghệ sĩ Nhân dân: Thanh Lam, Mai Hoa; các ca sĩ: Mỹ Linh, Uyên Linh, Hà Myo, Ngọc Khuê, Lưu Hương Giang, ban nhạc Ngũ Cung… hay những gương mặt trẻ trưởng thành từ cuộc thi Tiếng hát Hà Nội như ca sĩ: Mộc An, Ninh Trịnh Quang Minh, Minh Ngọc (Chou Tú Ngọc), Đặng Ngọc Anh…
Một số diễn viên điện ảnh dự gala chào Xuân của Đài PTTH Hà Nội. |
“Khúc xuân Hà Nội” bao gồm những ca khúc kết hợp hài hòa giữa đương đại và dân gian, hiện đại và truyền thống. Không những quy tụ dàn sao lớn, chương trình còn mang tới những tiết mục với hiệu ứng thị giác đặc biệt, mỗi tiết mục là một concept, một cách thể hiện khác nhau không trùng lặp. Đài PTTH Hà Nội đã đầu tư một sân khấu ngoài trời với background là những tòa nhà cao tầng phía sau, các tiết mục sử dụng những công nghệ hiện đại nhất mà ở Việt Nam rất ít đơn vị “chịu chơi” như led vision drone, vũ điệu lụa bay với hệ thống gió âm… Tất cả sẽ tạo nên bữa tiệc âm nhạc thị giác đỉnh cao mà khán giả có thể khó rời mắt khỏi màn hình.
Ngày mùng 2 Tết (30/1) là dịp tôn vinh di sản văn hóa và lịch sử Hà Nội, nơi gặp gỡ của quá khứ và hiện tại, tạo nên bản sắc dân tộc độc đáo của Thủ đô. “Tết di sản” dẫn dắt khán giả qua các câu chuyện lịch sử ý nghĩa cùng các truyền thuyết gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Hà Nội. Talkshow “Gặp gỡ đạo diễn tuổi Tỵ” cùng chương trình thời trang, âm nhạc “Bước chân di sản” kết hợp sáng tạo hiện đại, góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý thức giữ gìn di sản trong bối cảnh hội nhập. Đây là lời khẳng định về một Hà Nội vừa giàu truyền thống, vừa tràn đầy sức sống đổi mới.
Chương trình hòa tấu "Chào năm mới" trong chương trình "Tết Hà Nội 2025". |
Trong tối mùng 2 Tết, khán giả có thể đón xem gala chào xuân “Hà Nội trong mắt ta” là chương trình gặp gỡ năm mới diễn viên phim truyền hình của Đài PTTH Hà Nội cùng một số khách mời là nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ sĩ từ cuộc thi Tiếng Hát Hà Nội; một số Hoa hậu, KOLS, nhà báo như nghệ sĩ Nhân dân: Việt Thắng; Trọng Trinh, Minh Hằng; các nghệ sĩ Ưu tú: Chiều Xuân, Đỗ Kỷ, Nguyệt Hằng, Kiều Anh, Hoàng Hải, Nguyệt Hằng, Xuân Trường; đạo diễn Tôn Văn và các diễn viên: Hoàng Xuân, Anh Tuấn, Thu Hằng, Huyền Trang; B Trần, Huỳnh Anh, Quỳnh Kool, Việt Bắc, Thanh Tú; Hoa hậu Nông Thuý Hằng, Hoa hậu Sella Trương; doanh nhân Trang Lê … từng tham gia dàn dựng, thể hiện vai diễn trong các phim: “Mật lệnh hoa sữa”, “Hà Nội trong mắt em”…
Thông qua chương trình, khán giả có thể nhìn lại những dấu ấn trong lĩnh vực phim ảnh và giải trí của Đài PTHT Hà Nội, đóng góp vai trò trong phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố. Chương trình mang lại những góc nhìn khác nhau về mảnh đất Hà Nội, những câu chuyện thú vị trong quá trình làm phim, những dấu ấn lĩnh vực văn hóa giải trí của Đài PTTH Hà Nội và những hướng đi mới trong năm 2025 nhằm mang lại những chương trình, sự kiện và bộ phim chất lượng nhất, có giá trị nhất cho khán thính giả.