Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa thông qua phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân đang được các địa phương trên cả nước quan tâm đẩy mạnh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân dân bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Nhân dân bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực nội sinh, góp phần thúc đẩy các địa phương phát triển kinh tế nông thôn, tạo động lực mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển du lịch văn hóa

Hà Giang là tỉnh cực bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn lưu giữ những giá trị phong phú về văn hóa truyền thống, đa dạng như kiến ​​trúc nhà truyền thống, trình diễn nghệ thuật, nghi lễ, tín ngưỡng, trang phục...

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thu hút bình quân từ 2.000 đến gần 50.000 lượt khách du lịch mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó các hộ làm dịch vụ lưu trú có thu nhập bình quân từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như làng văn hóa dân tộc H’Mông, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc; làng văn hóa Lô Lô, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn...

Bên cạnh dịch vụ lưu trú tại nhà dân, tại Hà Giang người dân còn phát huy thế mạnh của lễ hội truyền thống, từng bước đưa các lễ hội này trở thành "đặc sản" của du lịch văn hóa như: Lễ hội Bàn Vương của người dân tộc Dao, huyện Hoàng Su Phì; lễ đốt lửa của người dân tộc Pà Thẻn, huyện Quang Bình; lễ cấp sắc của người Dao và một số lễ hội của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh như lễ hội gầu tào, lễ cúng thần rừng, lễ cầu mùa… Đây là những nét văn hóa đặc sắc của 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng hiện có trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Sìn Văn Phong, Nghệ nhân Nhân dân văn hóa tín ngưỡng, thôn My Bắc, xã Tân Bắc (địa phương nổi tiếng với lễ hội nhảy lửa) cho biết, lễ hội thường tổ chức trước sân nhà văn hóa của thôn vào ngày 16/10 âm lịch và có thể kéo dài đến Rằm tháng Giêng năm sau. Trước khi các chàng trai nhảy vào ngọn lửa thiêng, thầy cúng sẽ làm lễ xin thổ công, thổ địa cho phép làng tổ chức lễ hội, bài cúng kéo dài 40 phút, sau đó là lễ cúng thần kéo dài 30 phút. Trong không gian huyền ảo, thầy cúng ngồi trên ghế, đọc bài cúng, tay gõ que tre vào đàn "Pàn điêu", mỗi nhịp gõ như cầu nối giữa người và thần linh.

Chủ tịch UBND xã Tân Bắc (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) Hoàng Ngọc Bền cho biết, người Pà Thẻn không chỉ có lễ hội nhảy lửa mà còn lưu giữ kiến ​​trúc nhà truyền thống, các điệu dân ca truyền thống, nghề dệt. Những nét văn hóa đặc sắc này đang phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Giang. Người dân địa phương có thể phát triển kinh tế du lịch từ nghề truyền thống dệt vải thông qua Hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn xã Tân Bắc.

Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội và là nguồn nội lực trong việc xây dựng NTM, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã tập trung quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân vừa bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Những lễ hội, ngày hội truyền thống văn hóa, lịch sử đã được tổ chức hiệu quả, nhiều nghi lễ, lễ hội được xây dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc như: Lễ hội Hoa ban, lễ hội mừng cơ sở mới... đã trở thành sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, để tạo sức hấp dẫn, mới lạ và phong phú hơn cho các lễ hội truyền thống, tỉnh đã xây dựng thành công 3.300 đội văn nghệ tại các thôn bản, lực lượng vũ trang; định kỳ tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Hội thi Khắp Thái, Hội thi Điệu xòe cộng đồng, Hội thi tuyên truyền lưu động… các hoạt động không chỉ góp phần nhân rộng phong trào văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh mà còn quảng bá nét đẹp trong truyền thống văn hóa của 12 dân tộc trên địa bàn tỉnh đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Chỉ tính riêng năm 2024, du lịch văn hóa của tỉnh Sơn La đã thu hút 4,9 triệu lượt khách, bằng 107% so với kế hoạch; doanh thu từ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, bằng 122% so với kế hoạch. Đây chính là nguồn nội lực giúp tỉnh Sơn La triển khai nhanh chóng xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Văn hóa là động lực trong xây dựng nông thôn mới

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La Phạm Hồng Thu cho biết, để hỗ trợ địa phương và người dân phát triển du lịch văn hóa, hiện tỉnh đã xây dựng và lập 19 hồ sơ khoa học di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, trong đó có 17 sản phẩm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia, nhất là sản phẩm văn hóa "Nghệ thuật xòe Thái" đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Đắk Lắk, thành phố Hà Nội xây dựng hồ sơ Mo Mường trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời, tỉnh triển khai các dự án thành phần và tập trung thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn kết phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giai đoạn 1 từ 2021-2025). Trong ba năm qua, tỉnh Sơn La đã tổ chức 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy một lễ hội có nguy cơ mai một; xây dựng hai mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; hỗ trợ một chương trình tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tu bổ, tôn tạo tổng thể một di tích; chống xuống cấp một di tích.

Tại tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương cũng thành lập hơn 190 hội nghệ nhân dân gian cấp xã với hơn 9.000 hội viên. Các thành viên là những người già, trưởng bản, người có uy tín, người am hiểu phong tục, tập quán dân tộc. Họ là những người trực tiếp bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa và truyền dạy cho thế hệ trẻ, giữ vai trò quan trọng trong công tác vận động nhân dân xóa bỏ mê tín, dị đoan, hạn chế ma chay kéo dài nhiều ngày, cúng lễ khi ốm đau, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Đáng chú ý, Hà Giang còn là địa phương đầu tiên đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy ngoại khóa tại các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Hiện nay, nội dung giảng dạy văn hóa truyền thống được các trường thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức. Ngành giáo dục phối hợp với ngành văn hóa biên soạn tài liệu giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa vào trường học cho cả ba cấp. Các đơn vị ứng dụng tài liệu phù hợp với thực tế theo từng vùng.

Đồng thời, tỉnh Hà Giang cũng rất quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua việc triển khai nhiều chương trình, chính sách như: Chương trình phát triển văn hóa gắn kết với du lịch; chính sách khuyến khích phát triển du lịch; đề án đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho người dân vùng cao; dự án bảo tồn, phát huy các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn kết phát triển du lịch.

Được biết, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai đề tài "Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng" nhằm hỗ trợ các làng văn hóa du lịch bảo tồn kiến ​​trúc nhà ở truyền thống; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian; hỗ trợ công tác sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống; hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch.

Những nỗ lực của tỉnh Hà Giang và tỉnh Sơn La trong việc phát triển du lịch văn hóa đã góp phần phát huy những giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là những bước đi cần thiết để hai tỉnh Hà Giang và Sơn La cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.