Một năm, nhìn lại

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng ngày càng được nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến trình phát triển dần được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng đang được phát huy. Các địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đặc biệt, tư duy về liên kết vùng dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng; ban hành hệ thống các chỉ tiêu kinh tế-xã hội để đề ra các cơ chế, chính sách phù hợp đối với vùng.

Đồng thời, các đề án, nhiệm vụ đang triển khai hoặc đã có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của vùng như: Đã khởi công một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng; ban hành và triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá cần thiết cho vùng…

Trong một năm qua cũng đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nguồn vốn ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư, nhất là nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đường cao tốc, sân bay cho hạ tầng vùng; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương trong vùng được giữ vững ổn định; công tác đối ngoại được quan tâm, mở rộng cả về đối tác và nội dung hợp tác, trong đó chú trọng đối ngoại kinh tế, xúc tiến thu hút đầu tư; kinh tế-xã hội từng bước phát triển ổn định, đã chứng minh tính đúng đắn Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so với mục tiêu, phát triển kinh tế chưa có nhiều chuyển biến, chưa có tính đột phá; hệ thống thông tin kết nối chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đời sống, thu nhập của người dân trong vùng còn nhiều khó khăn, chậm được cải thiện…

Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều vướng mắc. Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 được tổ chức vào cuối tháng 6/2024, lãnh đạo các tỉnh, ngành đã đặt ra nhiều vấn đề.

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đề xuất tháo gỡ khó khăn trong chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc; nâng cấp tuyến Quốc lộ 27 kết nối với các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận; đồng ý với 10 chính sách nằm trong quy chế đặc thù.

Tỉnh Kon Tum mong muốn các địa phương được tham gia xây dựng cơ chế đặc thù để hạn chế các bất cập; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; bổ sung kinh phí làm đường; phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Măng Đen… Tỉnh Gia Lai đề nghị có cơ chế đầu tư đường quốc tế Pleiku; giao thông kết nối còn vướng mắc về nguồn vốn và cơ chế; dùng tiền của ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ Trung ương; sửa đổi nghị định về y tế…; cơ chế phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế rừng…

Tỉnh Đắk Nông kiến nghị về việc chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch sử dụng đất…