Bình luận quốc tế

Mối đe dọa an ninh nguồn nước trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu

Cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu ngày càng cao của ngành nông nghiệp, những tác động nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu cho thấy yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước là cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố gần đây tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo, thúc giục các quốc gia phối hợp bảo đảm an ninh nguồn nước trước những mối đe dọa hiện hữu.

Báo cáo của WMO chỉ ra rằng, năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục là một trong những nguyên nhân khiến các con sông trên thế giới trải qua năm khô hạn nhất.

Tình trạng hạn hán trên diện rộng xảy ra ở miền nam nước Mỹ, khu vực Trung Mỹ và một số quốc gia Nam Mỹ. Mực nước sông Amazon và hồ Titicaca tại Nam Mỹ ở mức thấp nhất trong lịch sử. Giám đốc phụ trách thủy văn, nước và băng quyển của WMO Stefan Uhlenbrook nêu rõ, trong hơn 30 năm thu thập dữ liệu, cơ quan khí tượng của Liên hợp quốc chưa bao giờ chứng kiến quy mô hạn hán lớn như vậy trên thế giới.

Trong khi đó, cùng năm 2023, nhiều nước lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề của các trận mưa bão, lũ quét và ngập lụt. Theo báo cáo của WMO, châu Phi là khu vực có con số thương vong cao nhất.

Riêng tại Libya, trận lũ kinh hoàng xảy ra tháng 9/2023 làm sập hai con đập, cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người và ảnh hưởng tới khoảng một phần năm dân số. Lũ lụt cũng tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân các nước vùng Sừng châu Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda, Mozambique và Malawi.

Lũ lụt để lại thiệt hại không đếm xuể về cơ sở vật chất và kinh tế. Nghị viện châu Âu (EP) mới đây phê duyệt khoản viện trợ trị giá hơn một tỷ euro nhằm thúc đẩy nỗ lực phục hồi của Italia, Slovenia, Áo, Hy Lạp và Pháp sau các cơn lũ trong năm 2023. Khoản tiền này chỉ có thể hỗ trợ một phần chi phí của các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp và tái thiết, như công tác dọn dẹp, vệ sinh môi trường, sửa chữa cơ sở hạ tầng…

Dữ liệu của WMO cho thấy, khối lượng các sông băng, nguồn cung cấp nước cho sông ngòi ở nhiều quốc gia, giảm mạnh nhất trong nửa thế kỷ qua. Theo đó, các sông băng mất đi hơn 600 gigaton nước chỉ trong một năm. WMO cảnh báo, về lâu dài, hiện tượng băng tan có thể đe dọa an ninh nguồn nước của hàng triệu người.

WMO nhận định, các hiện tượng thời tiết đáng lo ngại nêu trên chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi từ La Nina sang El Nino vào giữa năm 2023. Các nhà khoa học cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan, diễn biến thất thường và tác động nguy hiểm hơn. Điều này khiến công tác dự báo và ứng phó thiên tai khó khăn hơn.

Lo ngại gia tăng về nguy cơ khan hiếm nước do nhiệt độ có thể lên mức cao kỷ lục trong năm 2024. Thực tế cho thấy, mực nước sông thấp đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở Zimbabwe, cũng như nhiều nơi ở miền nam châu Phi trong năm nay.

Ủy ban về nước của Liên hợp quốc (UN-Water) ước tính, khoảng 3,6 tỷ người hiện đối mặt tình trạng thiếu nước sạch trong ít nhất một tháng mỗi năm và con số này dự kiến tăng lên 5 tỷ người vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa thế giới không dễ đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc về bảo đảm việc tiếp cận và quản lý bền vững nguồn nước.

Báo cáo mới công bố của WMO chính là lời kêu gọi thu thập và chia sẻ thông tin về tài nguyên nước, qua đó giúp các quốc gia chuẩn bị tốt hơn và đưa ra những biện pháp ứng phó thách thức trong tương lai. Đạt một số tiến bộ, song châu Phi, châu Á và khu vực Nam Mỹ vẫn chưa thu thập được đầy đủ dữ liệu cần thiết.

Không thể quản lý và khai thác hiệu quả nguồn nước nếu không nắm rõ thực trạng nguồn tài nguyên quý giá này. Tổng Thư ký WMO nêu rõ, cùng với những hành động khẩn cấp, tăng cường chia sẻ dữ liệu và hợp tác đa phương đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung nhằm bảo vệ tài nguyên nước.