Nguy cơ mất an ninh nguồn nước

Quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay diễn ra nhanh, khó lường trên toàn cầu, khiến nguy cơ mất an ninh nguồn nước trở thành vấn đề cấp bách. Điều này nhiều lần được nhắc đến tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (BĐKH) (COP). Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước hiện được coi là nhiệm vụ tối thượng; là mệnh lệnh của sự tồn vong đối với loài người.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa là nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: TASS
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa là nhiệm vụ quan trọng. Ảnh: TASS

Khô hạn ngày càng lan rộng

Theo TASS, trước tác động ngày càng tăng của tình trạng BĐKH, Trái đất ngày càng ấm lên, nhiều khu vực trên thế giới đối mặt vấn đề khô hạn ở mức nghiêm trọng, đe dọa làm xáo trộn các lĩnh vực kinh tế, thậm chí ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Viện Tài nguyên thế giới (WRI) mới đây đưa ra nhận định, thế giới đang đối mặt “cuộc khủng hoảng nước sạch chưa từng có”.

Ngày Lương thực thế giới năm ngoái (16/10/2023) cũng đã được tổ chức với chủ đề: “Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm khẳng định tầm quan trọng của nước đối với cuộc sống con người; nhấn mạnh việc cấp thiết lúc này là cần phải bảo đảm an ninh nguồn nước. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) khẳng định, tài nguyên nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trung bình một ngày, mỗi người cần uống từ 2-4 lít nước và để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi người/ngày phải mất từ 2.000-5.000 lít nước.

Thời gian qua, hàng loạt khu vực tại châu Mỹ, nhất là Mỹ latin đang loay hoay tìm cách giải bài toán “khan hiếm nguồn nước” phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Chính phủ Peru ban bố tình trạng khẩn cấp tại 544 khu vực trong 60 ngày nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước. Động thái trên được Chính phủ Peru đưa ra sau khi báo cáo của các tổ chức khí hậu cho thấy, khả năng hình thành El Nino ở trung và đông Thái Bình Dương cho đến mùa hè năm 2024. Bản báo cáo nhấn mạnh, giải pháp đối phó nguy cơ thiếu nước của chính quyền các địa phương tại Peru hiện chưa đủ, còn hạn chế về mặt kỹ thuật.

Panama, một quốc gia khác ở châu Mỹ hiện cũng chật vật trong tìm kiếm nguồn nước mới cho kênh đào Panama, trong bối cảnh tuyến đường thủy này phải áp dụng lệnh giới hạn tàu thuyền qua lại (từ 40 chiếc xuống còn 32 tàu mỗi ngày). Tình trạng hạn hán kéo dài khiến lượng nước lưu thông trong kênh đào thấp “dưới mức cho phép”. Việc áp dụng lệnh hạn chế lượng tàu qua lại khiến Panama thâm hụt hàng chục triệu USD; làm gia tăng sức ép đối với giá cả hàng hóa bởi sự đình trệ trong lưu thông làm tăng các khoản phụ phí vận tải.

Giới chuyên gia cho rằng, tình trạng khô hạn xảy ra ở nhiều nơi, từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á, châu Phi là cơ sở cho thấy ảnh hưởng của BĐKH đang xâm nhập tới từng ngóc ngách của thế giới; không một quốc gia, khu vực nào miễn nhiễm trước tác động của nó. Do hệ lụy của BĐKH, chu trình tự nhiên của nước bị thay đổi, gây ra những đợt hạn hán kéo dài, người dân ngày càng thiếu nước. Bên cạnh đó, việc khai thác đá bừa bãi cũng làm thay đổi kiến tạo địa chất bao quanh những mạch nước ngầm, dẫn đến sự thay đổi lưu lượng của dòng chảy.

Tại Hội nghị Nước thế giới lần thứ 18 diễn ra ở Trung Quốc tháng 9/2023 với chủ đề “Nước và mọi sinh vật - Sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên”, các nhà lãnh đạo thế giới đồng loạt lên tiếng kêu gọi sử dụng hiệu quả, bảo vệ tài nguyên nước, đề xuất chia sẻ kinh nghiệm quản lý nước và hợp tác giải quyết các thách thức liên quan nguồn nước. Hội nghị nhấn mạnh, việc bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên nước là quyền và nghĩa vụ chung của tất cả các quốc gia và mọi cư dân trên Trái đất.

Hội nghị nhắc lại nhiều lần “nước là một trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ” trong bối cảnh thế giới đang gian nan ứng phó vấn đề BĐKH, khan hiếm nguồn nước và ô nhiễm hiện nay. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), trên toàn cầu, cứ 3 trường học thì có 1 trường không được cung cấp nước sạch, không có nhà vệ sinh và hệ thống ống thoát nước. Trong khi đó, nước sạch, chỗ rửa tay là những điều kiện cơ bản để bảo vệ trẻ em trước các căn bệnh hô hấp, tiêu chảy...

Sự chệch hướng trong nỗ lực đạt mục tiêu SDG về tiếp cận nước sạch có thể ảnh hưởng đến hàng loạt mục tiêu khác, bởi nước có mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, môi trường, lương thực, nghèo đói, sức khỏe... Ngoài ra, theo các chuyên gia từ Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển), dù hành động của mỗi cá nhân trong bảo vệ nguồn nước là quan trọng, song để có được sự thay đổi bền vững cần phải có những hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và các chính phủ phải cam kết thực hiện mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước.

Giải pháp ứng phó

Nước luôn là vấn đề thiết yếu của cuộc sống, gắn liền với sự an toàn của cộng đồng, an ninh quốc gia. Việc khai thác, xử lý, cung cấp và tiêu thụ nước phải được tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Để tránh các nguy cơ mất an ninh nguồn nước, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Skolkovo (Nga) khuyến nghị cần giải quyết một số vấn đề như hệ quả xã hội, kinh tế và môi trường khi lấy nước từ thiên nhiên; quan hệ giữa sử dụng đất và nguồn nước; sự trả giá khi có sự chuyển đổi nguồn nước và sử dụng đất; những vấn đề xã hội cần lưu ý khi có sự khủng hoảng nguồn nước. Để hiện thực hóa những vấn đề nêu trên, cần có giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước.

Để bảo đảm an toàn, phát huy đầy đủ công năng của hệ thống công trình thủy lợi, cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm bảo vệ hệ thống hồ, đập; phát huy đầy đủ công năng, nâng cao hiệu quả của toàn bộ hệ thống thủy lợi; nâng cao khả năng tích trữ nước cho hồ, đập; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước và giảm tổn thất cho các hệ thống thủy lợi sau hồ, đập.

Quản lý nước thông minh và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước bao gồm hiện đại hóa quản lý, vận hành, khai thác các công trình sử dụng nước thông qua việc lắp đặt các hệ thống quan trắc, giám sát, thiết bị vận hành tự động kết hợp với các bộ công cụ phần mềm tính toán sử dụng tối ưu nguồn nước; ứng dụng phương thức quản lý, điều hành khoa học, tiết kiệm nước theo hướng quản lý lưu vực, xây dựng quy trình vận hành mang tính hệ thống, theo từng đối tượng sử dụng nước và được khép kín theo cả mùa vụ; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; lai tạo các giống cây, con chịu hạn, ít sử dụng nước cho những vùng khan hiếm nước.

Cần bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt chú trọng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Bảo vệ, phục hồi và phát triển, mở rộng diện tích thảm thực vật, đặc biệt cần chú ý nâng cao chất lượng cho thảm phủ thực vật, rừng đầu nguồn; mở rộng diện tích rừng ngập mặn ven biển. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tác động của BĐKH toàn cầu.

Bên cạnh đó, các nước cần có giải pháp trữ nước, điều tiết, chuyển nước cho các vùng khó khăn về nước; đánh giá lại tất cả các lưu vực sông để có giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước một cách hiệu quả và phù hợp với thực trạng. Đối với các vùng khó khăn về nước, cần tích trữ nước, điều tiết nguồn nước; xây dựng các “kho” chứa, trữ nước lớn cho các vùng khan hiếm nước; xây dựng các hồ nhân tạo, trữ nước mưa phân tán nhỏ cho vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đặc biệt, cần có giải pháp nâng cao nhận thức về tài nguyên nước, tổ chức quản lý và khai thác nguồn nước từ trung ương đến địa phương; có chính sách phù hợp để thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước. Trong tương lai, nước phải được sử dụng theo hướng đa mục tiêu, quản lý nguồn nước phải theo hướng quản lý lưu vực.

Ngoài ra, cần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật và các quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt ưu tiên xây dựng bộ công cụ, chế tài mang tính kinh tế để điều chỉnh hành vi đối với chuỗi sử dụng nước nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia.