Mở rộng thị trường tiêu thụ gạo đặc sản

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng giá trị gạo đặc sản Thủ đô, thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách để xây dựng vùng lúa gạo chất lượng cao, thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi lúa gạo đặc sản.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trồng lúa hữu cơ của xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ.
Khu vực trồng lúa hữu cơ của xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai vừa tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng cao Bình Minh-Thanh Oai”.

Tại lễ công bố, đại diện Phòng Kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 6.000ha đất trồng lúa, trong đó vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 3.000ha. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thời gian qua, huyện đã phát triển nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, huyện phối hợp Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội xây dựng được sáu vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa an toàn, VietGAP, hữu cơ tại sáu xã, hợp tác xã, với quy mô 850 ha.

Trong đó có 220 ha sản xuất theo VietGAP tại các xã Dân Hoà, Kim Bài, Tam Hưng, Thanh Thuỳ, Bình Minh; 630 ha sản xuất lúa an toàn tại các xã Tam Hưng, Dân Hoà, Kim Bài, Đỗ Động, Thanh Thuỳ, Thanh Cao, Bình Minh.

Kết quả sản xuất cho thấy, năng suất lúa nếp cái hoa vàng đạt 4,5 tấn/ha; năng suất lúa chất lượng bình quân đạt từ 5,8 đến 6,3 tấn/ha/vụ. Giá trị sản phẩm lúa đạt 55,67 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đạt 24 tỷ đồng/855 ha.

Đặc biệt, để sản phẩm lúa, gạo khi lưu thông trên thị trường không bị làm giả bởi sản phẩm cùng loại và giúp sản phẩm khẳng định được vị thế chất lượng, các đơn vị đã xây dựng thương hiệu cho ba nhãn hiệu tập thể là "Gạo thơm Bối Khê" xã Tam Hưng, "Gạo Bồ nâu" xã Thanh Văn và "Gạo chất lượng cao Bình Minh".

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, việc công bố nhãn hiệu tập thể "Gạo chất lượng cao Bình Minh-Thanh Oai" mới đây và các nhãn hiệu tập thể trước đó là thành công bước đầu, góp phần nâng cao giá trị gạo đặc sản địa phương. Không dừng lại ở kết quả này, các hợp tác xã, địa phương được công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ tiếp tục tập trung tổ chức sản xuất, duy trì, quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể gạo đã được chứng nhận.

Thống kê của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho thấy, thành phố có hơn 160.000ha sản xuất lúa chuyên canh, sản lượng trên một triệu tấn/năm, trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 70%.

Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, Hà Nội xác định phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; củng cố, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, riêng nhóm lúa gạo Japonica, đến nay, trung tâm đã xây dựng được 25 vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu với tổng diện tích 1.370ha, sản lượng gần 10.000 tấn mỗi năm. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ rõ, các chuỗi sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm trên địa bàn thành phố đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo ra một số liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, phân phối sản phẩm. Các địa phương, hợp tác xã áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt như: VietGap, GlobalGap, hữu cơ, qua đó nâng tầm giá trị hạt gạo địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo hướng VietGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân và từng bước tham gia vào thị trường xuất khẩu. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu giống lúa chất lượng đạt hơn 80%. Thành phố duy trì và phát triển từ 80 đến 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời, hình thành thêm ít nhất hai chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội để mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao.