Quản lý, phát triển nhãn hiệu gạo đặc sản “Tài Nguyên Thạnh Trị”

Giống lúa Tài Nguyên Thạnh Trị của tỉnh Sóc Trăng đã có từ lâu đời, nhưng trải qua quá trình canh tác, dẫn đến bị thoái hóa, thậm chí bị trộn lẫn với nhiều giống lúa khác, làm ảnh hưởng chất lượng loại gạo đặc sản này. Vì vậy, để giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động xây dựng nhãn hiệu cấp quốc gia cho gạo Tài Nguyên Thạnh Trị.

Nông dân xã Thạnh Trị tập huấn phương pháp canh tác lúa Tài Nguyên.
Nông dân xã Thạnh Trị tập huấn phương pháp canh tác lúa Tài Nguyên.

Từ xưa đồng đất Thạnh Trị (Sóc Trăng) vốn là vùng thổ nhưỡng thích nghi với một giống lúa mùa chịu được phèn mặn mà lại cho gạo nhỏ, có gan đục, mềm cơm và giàu chất dinh dưỡng. Ðó là gạo từ lúa mùa Tài Nguyên. Tuy nhiên, theo thời gian, do tập quán canh tác và sự thoái hóa về giống, lúa mùa Tài Nguyên giảm năng suất, chất lượng gạo cũng sa sút dần… Trước thực trạng đó, giai đoạn 2009 - 2012, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã triển khai đề tài "Nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất giống lúa mùa đặc sản Tài Nguyên đục cho tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) làm chủ đầu tư. Sau ba năm nghiên cứu, đã có 45 dòng lúa Tài Nguyên được viện lúa chuyển giao cho huyện Thạnh Trị.

Giai đoạn 2012-2015, huyện Thạnh Trị tiếp tục triển khai đề án nhân giống lúa Tài Nguyên thuần chủng và phát triển sản xuất lúa đặc sản, gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Giống thuần chủng được đưa vào sản xuất trên diện rộng, thay thế dần giống lúa Tài Nguyên mùa cũ đang có biểu hiện thoái hóa. Nhờ các mô hình cánh đồng mẫu lớn ra đời, sản xuất tập trung, bảo đảm tiến độ thời vụ, đã tăng năng suất và sức cạnh tranh của giống lúa hàng hóa. Nông dân được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn tự chế tại chỗ các chế phẩm vi sinh có nguồn gốc sinh học để phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: "Giống lúa Tài Nguyên đục, hay còn gọi Tài Nguyên sữa là giống lúa mùa đặc sản cho sản phẩm gạo ngon được nông dân huyện Thạnh Trị lưu giữ nguồn giống và phát triển. Giống lúa này có phẩm chất gạo ngon, dễ ăn, để nguội vẫn mềm cơm cho nên được nhiều người ưa chuộng. Ðặc biệt, giống lúa này có khả năng chống chịu phèn mặn và bệnh đạo ôn..., năng suất trung bình từ 6,8 đến 7 tấn/ha, thậm chí có vụ đạt hơn 7 tấn/ha. Vì vậy giống lúa Tài Nguyên Thạnh Trị đang được duy trì phát triển từ hơn 7.000 đến 7.500 ha/năm và được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Riêng vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 đạt 7.644 ha, sản lượng lúa 50.000 tấn/năm. Theo kế hoạch phát triển lúa đặc sản Tài Nguyên của Thạnh Trị đến năm 2020 sẽ là từ 7.000 đến 9.000 ha, bảo đảm toàn bộ diện tích lúa Tài Nguyên đã ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu.

Ðể quản lý và phát triển nhãn hiệu "Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị", từ năm 2014, UBND huyện Thạnh Trị phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện dự án khảo sát và quy hoạch vùng đất sản xuất, lưu giữ và bảo tồn giống gốc lúa Tài Nguyên và tiến hành đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị. Ðến tháng 3-2017, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu "Gạo Tài Nguyên Thạnh Trị".

heo Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Trần Vĩnh Nghi, nhằm tìm ra giống lúa Tài Nguyên mùa thuần chủng, hàm lượng prô-tê-in cao, hàm lượng amylose trung bình thích hợp điều kiện sinh thái của tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp địa phương đã kết hợp Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long tiến hành thu thập mẫu giống lúa Tài Nguyên mùa tại huyện Thạnh Trị và tiến hành thanh lọc, phục tráng giống bằng kỹ thuật điện di prô-tê-in SDS-PAGE. Kết quả đã chọn ra được các dòng lúa Tài Nguyên mùa thuần chủng, có hàm lượng prô-tê-in cao hơn 10%, hàm lượng amylose trung bình (dưới 24%), năng suất cao hơn giống cũ (>15%), kháng một số loại sâu bệnh chính, độ thuần bảo đảm tiêu chuẩn giống do Bộ NN và PTNT ban hành năm 1998, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu.

Ông Lý Khoa, chủ doanh nghiệp tư nhân Châu Hưng, ở thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị được giao khai thác nhãn hiệu gạo Tài Nguyên Thạnh Trị chia sẻ, giống lúa Tài Nguyên chỉ trồng một vụ, sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Giá lúa hàng hóa luôn cao hơn giống chất lượng cao gấp từ 1,2 đến 2 lần. Ông Khoa cũng đã thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm cho các xã viên Hợp tác xã trồng lúa Tài Nguyên. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị Mai Thanh Ngon: "Qua thời gian phấn đấu tạo lập nhãn hiệu, được sự giúp đỡ từ Bộ NN và PTNT, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và các ngành trong tỉnh, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu cấp quốc gia, là niềm vinh dự, tự hào đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Thạnh Trị nói riêng. Từ đây, hạt gạo Tài Nguyên do người dân Thạnh Trị sản xuất đã chính thức trở thành nhãn hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước".