Đặc sản gạo nếp Khẩu nua lếch Bắc Cạn

NDO -

NDĐT - Khẩu nua lếch là loại gạo nếp hạt mập, khi làm bánh chưng, đồ xôi thì dẻo, trắng, giàu dinh dưỡng và đặc biệt là hương thơm đặc trưng, được coi là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn). Loại gạo này được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành cao, vào dịp Tết Nguyên đán đồng bào không đủ để bán. Địa phương cần có chính sách phát triển loại lúa này để mang lại thu nhập khá cho nông dân.

Lúa nếp Khẩu nua lếch sau khi được phục tráng có năng suất cao hơn, chất lượng tốt.
Lúa nếp Khẩu nua lếch sau khi được phục tráng có năng suất cao hơn, chất lượng tốt.

Lúa nếp Khẩu nua lếch đã từng được nông dân các xã Thượng Quan, Đức Vân, Bằng Vân thuộc huyện Ngân Sơn gieo cấy nhiều, nhưng đến năm 2010 diện tích gieo cấy giảm xuống chỉ còn khoảng 10 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sản xuất cũ của nông dân, cụ thể là do không được chọn lọc, phục tráng nên làm cho giống lúa bị thoái hoá, năng suất thấp, chỉ khoảng 35 tạ/ha.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn cho biết: Khẩu nua lếch là giống lúa quý, hạt gạo mập, trắng, gói bánh chưng, đồ xôi dẻo, hương thơm đặc trưng, giàu dinh dưỡng. Nếu để mai một, thoái hóa là điều rất đáng tiếc nên phải có tác động của khoa học kỹ thuật để phát triển giống lúa này phục vụ đời sống và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn đã phối hợp Viện KHKT Nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc thực hiện dự án phục tráng giống lúa Khẩu nua lếch tại huyện Ngân Sơn. Các cán bộ khoa học phục tráng bằng cách, chọn dòng cây tốt để làm giống. Sau khi chọn được dòng tốt, chọn ra giống siêu nguyên chủng, rồi giống nguyên chủng. Có giống nguyên chủng rồi xây dựng mô hình trên diện tích 20 ha để nghiên cứu về thời vụ cấy, mật độ, số dảnh, phân bón... sao cho hiệu quả nhất. Sau ba vụ thử nghiệm thành công, đã rút ra quy trình thâm canh, khuyến cáo, tập huấn cho nông dân phương pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản, chế biến.

Trên cơ sở đánh giá đặc tính chất lượng gạo, đó là dẻo, ngon, giàu dinh dưỡng, thơm đặc thù, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn đã xây dựng hồ sơ chất lượng và được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể gạo nếp Khẩu nua lếch Bắc Cạn.

Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, một số xã ở Ngân Sơn đã thành lập tổ hợp tác sản xuất giống lúa này, đến nay diện tích cấy toàn huyện là 40 ha. Có dòng giống tốt, canh tác đúng quy trình, lúa nếp Khẩu nua lếch cho năng suất từ 40-43 tạ/ha, cao hơn gần 10 tạ/ha so với trước đây. Vào dịp gần Tết Nguyên đán, nông dân đóng những bao gạo nếp Khẩu nua lếch bán mỗi kg từ 40-45 nghìn đồng/kg, cao hơn gạo nếp thông thường từ 15-20 nghìn đồng/kg, nhưng vẫn không đủ bán cho người tiêu dùng mỗi khi Tết đến.

Gạo nếp Khẩu nua lếch có chất lượng tốt, giá thành cao, mang lại thu nhập khá cho nông dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, diện tích cấy còn hạn chế, sản lượng gạo còn ít nên không đủ bán là điều đang tiếc. Tiến sĩ Khiêm đề nghị: “Giống lúa này rất thích hợp với những chân ruộng đủ nước, độ mùn cao, giàu dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. Đồng thời, trên cơ sở vùng quy hoạch cấy giống lúa này khoảng 200 ha, chính quyền địa phương cần khuyến khích nông dân tăng diện tích để tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mỗi khi Tết đến”.