Xây dựng thương hiệu gạo đặc sản vùng cao (Kỳ 1)

Điều kiện địa lý, khí hậu đặc thù vùng trung du, miền núi phía bắc nước ta đã tạo nên nhiều loại gạo đặc sản thơm, ngon, độ dinh dưỡng cao. Để đánh thức tiềm năng sẵn có này, các địa phương đang có nhiều giải pháp nhằm khôi phục và bảo tồn các giống gạo đặc sản…

Thu hoạch lúa nếp trên những thửa ruộng bậc thang tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: DUY LINH
Thu hoạch lúa nếp trên những thửa ruộng bậc thang tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: DUY LINH

Bài 1 : Hiệu quả từ nguồn gien lúa quý hiếm

Hiện nay, ở một số địa phương đã xuất hiện các vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo đặc sản giữa doanh nghiệp và người dân, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Từ đó, gien di truyền các giống lúa quý hiếm được bảo tồn, đời sống của người dân sản xuất nông nghiệp được nâng cao.

Phù hợp thổ nhưỡng

Mặc dù có diện tích trồng lúa ít nhưng một số vùng thuộc các tỉnh trung du, miền núi phía bắc có “thiên thời, địa lợi” với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, tạo điều kiện để sản xuất các loại lúa đặc sản có giá trị kinh tế, hàm lượng dinh dưỡng tốt. Nhiều địa phương đã có những loại gạo nổi tiếng thơm ngon như tẻ Séng Cù (Lào Cai), nếp Tú Lệ (Yên Bái), nếp Gà gáy (Phú Thọ), Tẻ râu (Lai Châu)... Lúa Séng Cù (Lào Cai) ngon khi được gieo trồng ở một số vùng có đất đai và điều kiện khí hậu phù hợp như nhiệt độ trung bình khoảng 20 đến 23oC, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn và nguồn nước tưới là nước lạnh từ núi. Vì vậy ở một số xã của huyện Bát Xát và Mường Khương (tỉnh Lào Cai), loại lúa này cho năng suất và chất lượng nổi trội. Séng Cù là giống cảm ôn, ngắn ngày (vụ mùa 110 đến 115 ngày và vụ xuân khoảng 130 đến 135 ngày) cho nên nhiều nông dân tỉnh khác cũng gieo cấy như cánh đồng Mường Lò (Yên Bái).

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Giang Trung Dũng cho biết: “Séng Cù, theo tiếng dân tộc Nùng nghĩa là lúa thơm. Đây là loại lúa sản xuất không quá khó khăn so với các loại lúa khác; điểm nổi trội là có hàm lượng dinh dưỡng cao, có mùi thơm, dẻo, mẫu mã đẹp, dễ tiêu thụ. Nhưng để có loại gạo chất lượng tốt, khí hậu vùng đất trồng phải chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 10oC. Đồng thời phải gieo cấy ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển. Nếu không bảo đảm điều kiện nhiệt độ, đất đai thì hương vị và chất lượng gạo sẽ giảm.

Hiện nay, một số địa phương tại huyện Mường Khương bảo đảm đủ điều kiện đất đai, khí hậu để trồng loại lúa Séng Cù này”. Gạo Séng Cù Mường Khương đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, được quy hoạch 700 ha ở mười xã trong huyện để sản xuất. Trong đó, sản xuất gạo Séng Cù chủ yếu trong vụ mùa, còn lại 30% diện tích sản xuất trong vụ đông xuân. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, tránh lai tạp với giống lúa khác, huyện Mường Khương đang tổ chức sản xuất trên cánh đồng một giống. Qua thống kê, trồng gạo Séng Cù năng suất có thể đạt từ 5 đến 5,5 tấn/ha với giá bán từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg. So với các giống lúa cao sản khác, trồng lúa Séng Cù thu nhập cao hơn 1,5 lần, bình quân mỗi héc-ta cho thu lãi khoảng 60 triệu đồng.

Nhắc đến đặc sản nông nghiệp của tỉnh Lai Châu không thể bỏ qua gạo Tẻ râu. Đây là giống lúa nương khá dài ngày và chất lượng gạo tốt. Gạo Tẻ râu có đặc điểm là trong, mềm, dẻo và nở theo chiều dài hạt, khi thổi cơm có mùi thơm đặc trưng cũng như độ dẻo vừa phải, vị đậm ăn rất ngon. Giống này được bà con các dân tộc thiểu số trồng trên vùng núi cao có diện tích và sản lượng không lớn. Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực mở rộng diện tích trồng loại lúa đặc sản này.

Đây có thể coi là điểm nhấn phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất tập trung. Theo các cơ quan chuyên môn, giống lúa Tẻ râu có thời gian sinh trưởng vào khoảng 120 đến 125 ngày, năng suất thấp khoảng 2 đến 2,5 tấn/ha. Tuy nhiên, đây là loại gạo có giá bán rất cao vào khoảng 45 đến 50 nghìn đồng/kg; tính ra mỗi héc-ta trồng lúa Tẻ râu nông dân có thu nhập vài chục triệu đồng.

Hiệu quả đã được khẳng định

Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một thung lũng nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán, Khau Song. “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu thơ ấy phần nào nói lên sự quý hiếm về một giống lúa mà ngàn đời nay gắn bó với vùng đất đầy thơ mộng, thanh bình. Chủ tịch UBND xã Tú Lệ Lò Văn Thức cho biết, hiện toàn xã có khoảng 80 ha đất ruộng canh tác lúa nếp Tú Lệ mà bà con nông dân nơi đây hay gọi là nếp Tan. Trong thung lũng Tú Lệ, lúa nếp Tan được gieo trồng ở bản Phạ Trên (trời cao) và Phạ Dưới (trời thấp) bởi tại hai địa danh này cho chất lượng nếp thơm ngon nhất. Do được trồng trên những cánh đồng màu mỡ cho nên nếp Tú Lệ có nhiều đặc tính quý là cơm ngon, dẻo lâu, vị đậm, ngậy, đặc biệt cốm nếp có hương thơm ngào ngạt mang đặc trưng riêng. Bao đời nay, nếp Tú Lệ được người nông dân nâng niu, gìn giữ như “hạt ngọc trời ban” chỉ để thết đãi khách quý hoặc những dịp lễ trọng.

Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ. Thời gian qua, các dự án phục tráng giống lúa quý này đã và đang được triển khai, góp phần bảo tồn và phát triển giống lúa có một không hai ở vùng miền núi phía bắc... Để bảo đảm chất lượng gạo, nếp Tú Lệ phải trồng trên độ cao khoảng 500 - 600 m so với mực nước biển. Huyện đang phấn đấu đến năm 2020 có 100 ha trồng nếp Tú Lệ, đồng thời có đề án làm giống nếp Tú Lệ phục vụ sản xuất cho người dân. Hiện nay, gạo nếp Tú Lệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Hoàng Văn Ô (xã Tú Lệ) cho biết: “Giống lúa nếp ở đây đã được trồng từ rất lâu rồi! Trước đây người dân trồng chủ yếu để làm cốm và thổi xôi. Nhưng hiện nay, do nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, người dân trên địa bàn đã sản xuất để bán và hiệu quả mang lại khá cao. Gia đình tôi có 4.000 m2 trồng lúa nếp Tú Lệ, bình quân thu về gần hai tấn. Điều đáng mừng là đến kỳ thu hoạch có thương lái đến tận nơi thu mua với giá 18.000 đồng/kg thóc, 40.000 đồng/kg gạo, thu nhập gấp hơn ba lần so với trồng các loại lúa khác. Bên cạnh đó, hằng năm, chúng tôi được cán bộ khuyến nông cơ sở đến tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh”.

Xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ là địa phương nổi tiếng với loại nếp Gà gáy. Giám đốc HTX nông nghiệp xã Mỹ Lung Khúc Ngọc Tung chia sẻ, hiện nay trên địa bàn có khoảng 45 ha ở mười thôn trồng lúa nếp Gà gáy, trong đó hộ trồng nhiều nhất khoảng hai mẫu với năng suất bình quân đạt 1,3 đến 1,6 tạ/sào, giá bán 40.000 đồng/kg gạo. Lúa nếp Gà gáy của địa phương đã được nhân dân ở trong và ngoài địa phương biết đến với chất lượng thơm, ngon, dẻo.

Để bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con nông dân, Hợp tác xã chủ động thu mua lúa cho người dân. Riêng năm 2015, Hợp tác xã đã thu mua được 20 tấn. Trong năm 2016, do lúa được mùa, Hợp tác xã đã thu mua cho người dân khoảng 40 tấn. Nhờ có đầu ra ổn định cho sản phẩm, những năm gần đây, diện tích trồng lúa nếp Gà gáy đã và đang tăng lên. Nếu như năm 2015 chỉ có 40 ha trồng lúa nếp Gà gáy thì năm 2016 đã tăng lên thành 45 ha.

Gia đình chị Đinh Thị Chuyện ở khu 6, xã Mỹ Lung hiện có khoảng sáu sào ruộng trồng nếp Gà gáy. Hiệu quả kinh tế của nếp Gà gáy cao hơn hẳn lúa thường (một tạ nếp Gà gáy bằng ba tạ lúa thường). Chị Chuyện cho biết thêm: “Trồng nếp Gà gáy không phức tạp, kinh nghiệm gia đình đã tích lũy được từ ông bà để lại. Nhưng khi thu hoạch về phải có kỹ thuật phơi, không được phơi khi nắng quá gắt mới bảo đảm được chất lượng cũng như mẫu mã của gạo. Năm vừa rồi, gia đình thu hoạch được sáu tạ thóc, bán lại cho Hợp tác xã Mỹ Lung ba tạ, còn ba tạ đem làm quà biếu. Năm tới, gia đình tôi có kế hoạch mở rộng diện tích trồng nếp Gà gáy”.

(Còn nữa)