Mở rộng kênh phân phối hiện đại sau dịch Covid-19

Sau đại dịch Covid-19, nhiều nhà bán lẻ đã mạnh tay mở rộng kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, những mô hình mới đều được chọn lọc với nhiều hình thức từ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, mua sắm đa kênh... phù hợp với nhu cầu khách hàng tùy từng khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp đầu tư mở rộng kênh phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng tùy từng khu vực. (Ảnh tại siêu thị Emart).
Doanh nghiệp đầu tư mở rộng kênh phân phối hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng tùy từng khu vực. (Ảnh tại siêu thị Emart).

Với đoạn đường chỉ khoảng 1km từ An Dương Vương đến chung cư Lê Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân), chị Minh Trang (40 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: Tính sơ sơ đã có hơn sáu siêu thị, cửa hàng tiện lợi. “Ba siêu thị Bách Hóa Xanh, một siêu thị Satra Food, một siêu thị Co.op Food, một cửa hàng của San Hà, nếu đi chếch xuống thêm 500m nữa sẽ có thêm siêu thị Co.op Food ở chung cư Trương Đình Hội (phường 16, quận 8)… Đó là chưa kể những cửa hàng tiện lợi có quy mô nhỏ của những thương hiệu khác. “Ra ngõ gặp siêu thị” quả không sai ở khu vực nơi tôi sống”, chị Trang nói.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (41 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết: Chị đã đăng ký trở thành khách hàng thân thiết của hàng chục các thương hiệu bán lẻ đang kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quanh nhà tôi ở chưa đầy 500m đã có tới bốn siêu thị lớn nhỏ. Nếu chỉ có nhu cầu mua thực phẩm thì chọn những siêu thị tiện lợi như Satra Food, Co.op Food; vừa muốn mua sắm, vui chơi thì đến Aeon, Go!… Từ khi nở rộ siêu thị, giá cả các mặt hàng cũng cạnh tranh hơn, chúng tôi có thể so sánh giá từng cửa hàng; đồng thời, nơi nào có nhiều ưu đãi, khuyến mãi hơn thì mình sẽ chọn mua sắm nơi đó”, chị Hà cho biết.

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi có quy mô nhỏ không chỉ len lỏi trong ngõ nhỏ, phố nhỏ mà còn về tận nơi khu vực có đông công nhân, nhà máy xí nghiệp. Chị Huỳnh Thị Mai Thu (ngụ tại quận 12) cho hay: Việc nhiều thương hiệu bán lẻ mở cửa nhỏ ngay ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nhất là khu có đông dân lao động nhập cư đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá cả phải chăng.

Sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đặt mục tiêu mở rộng thêm kênh phân phối hiện đại. Theo các nhà bán lẻ, nhịp sống nhanh tại khu vực thành thị cùng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn về sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày.

Đó là lý do để nhà bán lẻ tập trung phát triển chuỗi siêu thị vừa và nhỏ. Đặt mục tiêu mở thêm 80 đến 100 điểm bán nhỏ lẻ trước khi kết thúc năm 2022, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết: Sẽ sắp xếp theo phân khúc thị trường của từng chuỗi Co.op Food, Co.op Smile, Cheers. Trong đó, đơn vị này tập trung đẩy mạnh phát triển chuỗi Co.op Food vì mô hình này cho thấy tính ưu việt về diện tích, hiệu quả kinh doanh. “Tùy theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của từng khu vực dân cư, mỗi cửa hàng Co.op Food sẽ linh hoạt chọn lọc từ 8.000 đến 10.000 mặt hàng trong danh mục hơn 30 nghìn mặt hàng của các siêu thị, đại siêu thị thuộc Saigon Co.op để phục vụ người dân”-ông Đức nói.

Trong buổi gặp đối tác cung cấp mới đây, ông chủ Thaco Trần Bá Dương dự kiến mở ít nhất 20 siêu thị Emart tại Việt Nam đến năm 2026. Trước mắt, đơn vị này đang khẩn trương mở hai siêu thị tại Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) và Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) ngay trong tháng 10 và tháng 12/2022. “Năm 2021, Emart có doanh thu 1.600 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu lẫn lượng khách bình quân trên một siêu thị ở Việt Nam. Với 20 siêu thị, doanh thu có thể đạt đến một tỷ USD (tương đương 23.500 tỷ đồng)”, ông Trần Bá Dương kỳ vọng.

Đơn vị này cho biết thêm, sẽ đầu tư mạnh cho ứng dụng mua sắm trực tuyến đáp ứng nhu cầu mua sắm thay đổi của khách hàng sau dịch; đồng thời vận hành hệ thống lấy hàng tự động, nhanh chóng và bảo đảm giao đến khách hàng trong vòng một giờ ở phạm vi bán kính 5km. Từ đầu năm 2022 đến nay, WinCommerce (WCM) cũng tiếp tục mở rộng quy mô khi khai trương năm siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho hay, theo kế hoạch, WCM sẽ khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022 nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền. Đại diện Satra cho biết, mạng lưới cửa hàng tiện lợi của đơn vị này hiện có hơn 180 cửa hàng tại thành phố và 18 cửa hàng tại Cần Thơ. So với thời điểm trước và sau dịch Covid-19, số lượng cửa hàng giảm khoảng 10% do bên cho thuê lấy lại mặt bằng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị này, hoạt động kinh doanh đang khá hiệu quả và Satra tiếp tục xúc tiến kế hoạch mở mới cửa hàng tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng dần ở các tỉnh. Hay như nhà bán lẻ Bách Hóa Xanh dù tạm ngưng mở mới, song lại lui về tập trung hoàn thiện nền tảng vận hành để sẵn sàng nhân rộng các điểm bán trên toàn quốc từ năm 2023.

Các chuyên gia thị trường nhìn nhận, về dài hạn, Việt Nam vẫn là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, Cố vấn cao cấp Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, chuyên gia thị trường Hoàng Trọng cho rằng, cửa hàng bán lẻ phải tạo được thế mạnh riêng ở một số sản phẩm hút khách để thu hút họ đến và có thể mua thêm nhiều sản phẩm khác nữa.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng chia sẻ, dù là doanh nghiệp FDI (100% vốn đầu tư nước ngoài) hay doanh nghiệp trong nước, muốn tăng sức cạnh tranh, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hướng đến lợi ích tối ưu nhất cho khách hàng, cùng với việc lựa chọn địa điểm phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối cần có sự kết hợp với nhà cung cấp để có được mức giá cạnh tranh nhất.