Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp địa phương

Việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 không chỉ nhằm cải thiện chất lượng điều hành mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư… trong và ngoài nước. Dự kiến, kết quả khảo sát DDCI này sẽ được công bố vào cuối năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2024, thành phố quyết tâm tiếp tục thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế-xã hội giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, để từ đó tạo động lực nâng cao chất lượng cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Thành phố ban hành Kế hoạch “Khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024”. Qua khảo sát này, thành phố mong muốn nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua các chỉ số cụ thể, như tính minh bạch trong thông tin, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian và chi phí không chính thức. Đây chính là những yếu tố góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy hành chính. Điểm mới nổi bật của chương trình khảo sát, đánh giá DDCI năm 2024 là việc bổ sung thêm ba đơn vị vào đối tượng được đánh giá gồm: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Nội vụ, Cục Quản lý thị trường thành phố, giúp tăng số lượng các sở, ban, ngành được đánh giá từ 25 đơn vị (năm 2023) lên 28 đơn vị trong năm 2024.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 với mong muốn tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân; đồng thời thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực.

Các công việc đang được khẩn trương thực hiện, dự kiến sẽ công bố kết quả đánh giá vào cuối năm 2024. Thành phố Hồ Chí Minh cũng mời các chuyên gia có uy tín từ các hiệp hội doanh nghiệp, các viện, trường đại học tham gia Hội đồng đánh giá nhằm đưa ra các khuyến nghị. Kết quả khảo sát thu được sẽ là cơ sở, căn cứ để Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp chấn chỉnh những bất cập, triển khai hàng loạt giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên nguyên tắc khách quan, khoa học, bảo đảm sự thống nhất, tính kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ DDCI năm 2023, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào tất cả các khâu từ thực hiện khảo sát đến công bố kết quả đánh giá, kể cả theo dõi kết quả đánh giá sau khi công bố. Các điểm mới trong Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 bao gồm việc tinh giản một số chỉ tiêu không còn phù hợp và bổ sung các chỉ tiêu mới nhằm nâng cao khả năng đánh giá toàn diện.

Đối với khối địa phương, Bộ Chỉ số DDCI năm 2024 giữ nguyên 10 chỉ số thành phần với 58 chỉ tiêu chung cho 22 địa phương và 52 câu hỏi phần phiếu khảo sát. Đối với khối sở, ban, ngành, Bộ Chỉ số bao gồm chín chỉ số thành phần bao gồm 38 chỉ tiêu chung cho 28 đơn vị và 63 chỉ tiêu đặc thù riêng cho từng đơn vị (giảm một chỉ tiêu chung, một chỉ tiêu đặc thù và tăng ba chỉ tiêu đặc thù so với năm 2023). Với việc áp dụng phương thức khảo sát trực tuyến kết hợp với phỏng vấn trực tiếp các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà đầu tư chiến lược, sẽ bảo đảm tỷ lệ phản hồi hợp lệ đạt ít nhất 30% ở cả hai khối sở, ban, ngành và địa phương. Kết quả khảo sát sẽ được phân tích và báo cáo chi tiết; trong đó có các đánh giá chuyên sâu và khuyến nghị phát triển cho các nhóm địa phương, sở, ban, ngành có xếp hạng cao và thấp.

Ngoài ra, Chỉ số xanh và Chỉ số sức khỏe và môi trường sống cũng được lấy ý kiến đánh giá trong đợt khảo sát lần này nhằm hướng tới phát triển bền vững xanh. Việc lồng ghép các yếu tố môi trường và sức khỏe vào bộ chỉ số đánh giá không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đây là cam kết mạnh mẽ của địa phương này trong việc phát triển kinh tế song hành cùng với trách nhiệm bảo vệ môi trường và cộng đồng.

Với lộ trình và kế hoạch triển khai rõ ràng, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn đưa đánh giá DDCI trở thành một chương trình trọng tâm nổi bật, giúp địa phương này lắng nghe nhiều hơn nữa tiếng nói của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về các ý tưởng, giải pháp, từ đó hoạch định các chính sách phát triển thu hút đầu tư, cũng như khắc phục các hạn chế còn tồn đọng. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, qua việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, sẽ giúp cải thiện tính minh bạch trong thông tin, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức... Đây chính là những tiền đề quan trọng góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp vào bộ máy hành chính.