Đến ngày 30/5, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã bàn giao toàn bộ 27,7km (đạt 100%), tuy nhiên, Quảng Ngãi mới bàn giao 58,54km trên tổng số 60,3km (đạt 97,1%).
Phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 6
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tại, trên địa bàn các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành vẫn còn một số vị trí bị vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện trung, hạ thế, đường dây viễn thông,…) vẫn chưa được di dời nên chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Bên cạnh đó, vẫn còn 69 hộ với tổng số 4,736ha chưa thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, trong đó xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa có 38 hộ, với 3,33ha ở tại 53 thửa đất và 82 ngôi nhà; huyện Nghĩa Hành gồm 18 hộ với 0,67ha; thị xã Đức Phổ 13 hộ dân, tổng số 0,736ha.
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải), chủ đầu tư dự án, đến nay, mặc dù các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 86,24/88km (đạt 98%), nhưng do mặt bằng bàn giao theo kiểu “xôi đỗ”, “da báo”, nên nhà thầu chỉ tiếp cận thi công được 82,91km (đạt 94,2%).
Đặc biệt, một số vị trí đường găng tiến độ như đoạn Km0+450 - Km1+850; Km2+400 - Km2+700; vị trí mố M1, trụ T1 cầu vượt tỉnh lộ 624; vị trí mố M2 cầu K9+823 (gói thầu XL1); cầu vượt nút giao QL24, cầu Eo Gió, cầu Sông Quán (gói XL2), cụ thể, còn 116 hộ đã nhận tiền nhưng chưa tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng, trong đó huyện Tư Nghĩa 16 hộ, huyện Nghĩa Hành 38 hộ, huyện Mộ Đức 9 hộ và thị xã Đức Phổ 53 hộ. Các hộ này chủ yếu đang chờ xây dựng hoàn thiện nhà ở trong khu tái định cư nên chưa bàn giao mặt bằng.
Khẳng định phía tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua đã hết sức quyết liệt trong việc tổ chức rà soát và đốc thúc các đơn vị chức năng triển khai đẩy nhanh thực hiện giải phóng mặt bằng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, chính quyền các huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành vẫn đang tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân; xây dựng kế hoạch cưỡng chế và thực hiện cưỡng chế một số hộ; đẩy nhanh việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến nhằm tạo mặt bằng sạch thông tuyến giúp nhà thầu triển khai công tác thi công đồng bộ, liên tục.
Thi công "thần tốc" trên công trường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 2 kiến nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết vướng mắc mặt bằng tại các vị trí “xôi đỗ” thuộc phạm vi đã bàn giao nhưng chưa tiếp cận thi công, để nhà thầu có thể triển khai đồng bộ. “Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã cam kết tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 6/2024 để bàn giao toàn bộ cho nhà thầu triển khai thi công”, ông Thắng nói.
Theo đánh giá của chủ đầu tư, nhu cầu đất đắp cho dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn khoảng 11,25 triệu m3. |
Về nguồn vật liệu tại dự án, theo đánh giá của chủ đầu tư, nhu cầu đất đắp cho dự án khoảng 11,25 triệu m3 (gói thầu XL1 khoảng 5,7 triệu m3; gói XL2 khoảng 2,82 triệu m3; gói XL3 khoảng 2,73 triệu m3). Thời điểm hiện nay, dự án đã được cấp giấy phép khai thác/bản xác nhận cho 10 mỏ đất, tổng trữ lượng khoảng 9,73 triệu m3 (6 mỏ đất đang khai thác gồm: Mễ Sơn, Núi Thị 1, Núi Thị 2, Truông Ổi, Bren và Đồi Dốc Cao; 4 mỏ chưa khai thác là Đồi Dốc Cộ, Núi Cấm Ông Thi, Núi Đá Kè và Núi Thị 4 đang thực hiện giải phóng mặt bằng mỏ, dự kiến khai thác đầu tháng 6 với tổng trữ lượng khoảng 3,74 triệu m3).
Tại tỉnh Bình Định, sau khi điều phối, nhu cầu của dự án khoảng 4,1 triệu m3, dự kiến sử dụng từ 2 mỏ có tổng trữ lượng khoảng 3,86 triệu m3, hiện đã khai thác 2/2 mỏ với trữ lượng 3,86 triệu m3. Để đáp ứng nhu cầu vật liệu có xu hướng thiếu hụt, bù đắp kịp thời cho các đơn vị thi công đồng loạt, sau khi rà soát, Ban Quản lý dự án 2 tiếp tục đề xuất bổ sung một số mỏ thương mại gồm: mỏ đất Núi Bé (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) và mỏ đất tại Cụm công nghiệp Hành Minh phục vụ thi công gói thầu XL1. Riêng nguồn cát đắp nền đường, các nhà thầu tại dự án đã được chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác và bảo đảm đủ trữ lượng để thi công.
Thay thế ngay thầu phụ yếu
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có tổng chiều dài 88km, đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và tỉnh Bình Định (27,7km), với tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp gần 14.500 tỷ đồng. Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi, gồm: hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m cùng 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh, trong đó lớn nhất là cầu bắc qua sông Vệ có chiều dài 610m. Đây là dự án có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam.
Sau gần 1,5 năm triển khai, tại 3 gói thầu xây lắp của dự án, các nhà thầu đã huy động 42 mũi thi công (22 mũi làm đường; 14 mũi làm cầu và 6 mũi thi công hầm) với gần 1.600 máy móc, thiết bị và gần 4.000 người lao động (trong đó có 560 kỹ sư). Lũy kế sản lượng đến nay đạt 3.883/14.498 tỷ đồng, đạt khoảng 27% giá trị hợp đồng.
Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu, cải tiến phương pháp thi công hầm “Hệ Đèo Cả”, sử dụng 6 mũi thi công, tăng tốc tiến độ đào hầm. |
“Bằng kinh nghiệm đúc rút qua nhiều lần triển khai thi công các dự án hầm xuyên núi lớn và làm chủ công nghệ, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu cải tiến phương pháp thi công hầm “Hệ Đèo Cả” (6 mũi thi công hầm thay vì 4 mũi), sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm). Nhờ đó, tiến độ đào hầm được thúc đẩy đáng kể.
Quảng Ngãi nỗ lực an cư cho người dân trong vùng dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn
Hiện tại, nhà thầu đã hoàn thành đắp nền đường và triển khai thi công mẻ cấp phối đá dăm tại gói thầu XL1 và XL3. Riêng hạng mục 2 hầm đường bộ số 1 và 2 là nút thắt của dự án, đơn vị thi công đã đào thông và tiến hành hoàn thiện đồng thời hệ thống thoát nước trong hầm, ống thông gió…
Với hầm số 3, đến nay, nhà thầu đã khoan thi công hầm cánh phải 959 m/3,2km (đạt 30%), hầm cánh trái 892m/3,2km (đạt 27,9%)”, ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn cho biết.
Ban Quản lý dự án 2 đề nghị nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực,… tăng tốc các mũi thi công phần đường. |
Đánh giá thời tiết khu vực Quảng Ngãi và Bình Định hiện nay rất thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại sản lượng bị chậm trong mùa mưa, tuy nhiên, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 vẫn bày tỏ lo ngại khi các đoạn đã bàn giao mặt bằng còn nhiều vị trí “xôi đỗ” khiến việc tổ chức thi công đồng bộ (nhất là gói thầu XL1 thuộc các huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành; gói thầu XL2 thuộc thị xã Đức Phổ) sẽ bị cản trở.
Mặt khác, đa số các mũi thi công phần đường đều đang bị chậm tiến độ do năng lực thi công của nhà thầu phụ yếu, chưa tập trung huy động tối đa nguồn lực, giải quyết các thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng mặc dù đã được địa phương hỗ trợ. “Ban Quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu chính tiến hành rà soát và có biện pháp cắt giảm, điều chỉnh khối lượng đối với các mũi thi công chậm tiến độ, thay thế nhà thầu phụ không đáp ứng được công việc nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình,” ông Thắng khẳng định.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án 2 đề nghị Liên danh nhà thầu tập trung, đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục mỏ vật liệu, bãi thải, khẩn trương huy động và tăng cường máy móc, thiết bị, nhân vật lực,… để triển khai thi công các hạng mục đã có mặt bằng, đặc biệt là các mũi thi công phần đường.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cùng lãnh đạo tỉnh thị sát hiện trường dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. |
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiểm tra thực tế hiện trường tại dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Về vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh tinh thần phải vào cuộc quyết liệt, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị để thực hiện. “Khó thì tìm cách tháo gỡ, tham vấn ý kiến với ngành chuyên môn để giải quyết dứt điểm, rốt ráo, dứt khoát đến ngày 30/6 phải hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn như Thủ tướng đã chỉ đạo. Đây là trách nhiệm chính trị, uy tín của tỉnh với Trung ương", bà Vân quyết liệt.