Dự án có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, trong đó đoạn qua địa phận Quảng Ngãi dài 60,3km và Bình Ðịnh dài 27,7km. Ðây là dự án thành phần có quy mô lớn nhất trong số các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025).
Đào thông 2 hầm xuyên núi
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải - chủ đầu tư dự án), đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao 55,4/60,3km (đạt 91,9%), nhà thầu đã tiếp cận thi công được 48,1km, đạt 79,9%; phạm vi mặt bằng chưa bàn giao còn lại 4,8km. Đoạn tuyến qua thị xã Hoài Nhơn đã bàn giao 27,1/27,7km (đạt 97,8%), nhà thầu đã tiếp cận thi công được 27,1km, đạt 97,8%.
Tăng tiến độ thi công đoạn cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn
Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là một đại công trường được tổ chức thực hiện, quản lý theo hình thức Tổng thầu, thi công "thần tốc", vượt tiến độ nhiều hạng mục lớn.
Trên công trường, các nhà thầu đã triển khai 39 mũi thi công (23 mũi thi công đường; 10 mũi thi công cầu và 6 mũi thi công hầm), với tổng số 1.123 máy móc, thiết bị, huy động hơn 3.000 người (561 kỹ sư, 2.476 công nhân) thi công 3 ca liên tục với tổng thể nhiều hạng mục song song, như đào đắp nền đường tuyến chính, làm cầu, đào thông hầm; tiến độ chung đạt khoảng 13%, đáp ứng yêu cầu tiến độ kế hoạch.
Hạng mục Cầu Sông Vệ được tập trung nhân lực, phương tiện thi công. |
Cụ thể, gói thầu XL1 (Km00-Km30), Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng Dacinco đã huy động 11 mũi (7 mũi thi công đường, 4 mũi thi công cầu) với 356 máy móc, thiết bị và 856 nhân sự thi công; luỹ kế sản lượng đến nay đạt 528,1/3.682,3 tỷ đồng (14,34% giá trị hợp đồng), đáp ứng tiến độ đề ra.
Ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc Điều hành dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (Ban quản lý dự án 2) chia sẻ: Có lúc tưởng chừng tiến độ dự án không đạt kế hoạch do nhiều yếu tố bất thuận. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, các hạng mục “đường găng” của dự án đã cơ bản đạt tiến độ. Trên tuyến cao tốc có 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh và 3 hầm xuyên núi gồm: hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 700m và hầm 3 dài 3.200m. Hầm số 1 đã được đào thông vào ngày 23/12/2023, sớm 2 tháng so với hợp đồng thi công, hầm số 2 cũng được đào thông, vượt tiến độ gần 5 tháng.
Đảm nhận công việc tại gói thầu XL2 (Km30-Km57+200), Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả-Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã huy động hơn 1.025 lao động, chia thành 15 mũi thi công (9 mũi thi công đường; 2 mũi thi công cầu và 4 mũi thi công hầm). Luỹ kế sản lượng đến nay đạt 663,8/4.129,6 tỷ đồng (16,07% giá trị hợp đồng).
Thi công công trình hầm xuyên núi. |
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðèo Cả Nguyễn Quang Huy cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua 100 ngày thông hầm số 2 và kế hoạch thi công một số hạng mục chính thuộc dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Tập đoàn Ðèo Cả đã chủ động triển khai các giải pháp trong mùa mưa tại khu vực miền trung, đồng thời áp dụng sáng kiến cải tiến, đẩy nhanh tiến độ bằng phương pháp đào hầm "Hệ Ðèo Cả" (6 mũi thi công hầm thay vì 4 mũi), sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm).
Phát động thi đua 100 ngày thông hầm 2 và hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn
“Với hạng mục hầm, các kỹ sư, công nhân bố trí thay ca để công trường hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, phương tiện vận chuyển vật liệu, thiết bị không phải đi đường đèo dốc dài khoảng 3.600m như trước mà rút ngắn lại chỉ còn 700m, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án”, ông Nguyễn Quang Huy cho hay.
Huy động 13 mũi thi công tại gói thầu XL3 (Km57+200-Km88+00), Liên danh nhà thầu đang tất bật triển khai đồng loạt hạng mục cầu, hầm và phần đường tuyến chính. Riêng hầm số 3 là hầm đường bộ cấp đặc biệt, dài 3,2km và là 1 trong 3 hầm dài nhất cao tốc bắc-nam, theo hợp đồng sẽ được đào thông sau 42 tháng, nhưng nhà thầu đang nỗ lực để thông hầm sớm hơn kế hoạch.
Gỡ vướng dứt điểm mặt bằng, nguồn vật liệu
Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn sau một năm triển khai, tuy còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng công tác tổ chức thi công, tuy nhiên, với sự hỗ trợ đắc lực của địa phương và chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn giám sát,... đã tháo gỡ cơ bản các vấn đề vướng mắc, tiến độ được bảo đảm theo hợp đồng, thậm chí một số hạng mục còn vượt kế hoạch đề ra.
Hai hầm trên tuyến đã được đào thông. |
Đánh giá tổng thể tiến độ thi công, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng nhìn nhận, các nhà thầu thuộc liên danh đều có tiềm lực tài chính tốt, kinh nghiệm thi công tại nhiều dự án nên tiến độ đáp ứng theo kế hoạch đề ra. Lũy kế giá trị giải ngân từ đầu đến nay của dự án đạt 7.965,5/8.506,6 tỷ đồng (đạt 93,4%). Ban Quản lý dự án 2 cũng đẩy nhanh các thủ tục nghiệm thu, thanh toán nhằm bổ sung kịp thời dòng tiền cho nhà thầu tăng tốc khối lượng công việc để rút ngắn tiến độ.
“Nhà thầu Tập đoàn Ðèo Cả đã triển khai dự án với quyết tâm cao độ, làm việc ba ca, bốn kíp, đồng thời có nhiều sáng kiến sáng tạo trong thi công, nhờ đó rút ngắn tiến độ gần sáu tháng. Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án 2 cùng nhà thầu Ðèo Cả lên kế hoạch tiếp tục triển khai thi công xuyên Tết, phấn đấu rút ngắn tiến độ dự án, sớm đưa công trình vào phục vụ người dân, phục vụ xã hội", ông Lê Thắng khẳng định.
Xác định là thành viên đứng đầu liên danh, cho nên ngay từ đầu, Tập đoàn Ðèo Cả đã chủ động tổ chức đánh giá khả năng của các nhà thầu, đưa ra các công cụ quản trị điều hành và tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số, công bố thông tin về giá trị gói thầu, tiến độ dự án, tổ chức giám sát cộng đồng để cùng kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện của các bên liên quan.
Thi công trụ cầu. |
Ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Ðèo Cả cho biết, để quản trị điều hành dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn hiệu quả, kiểm soát tiến độ và chất lượng, Tập đoàn Ðèo Cả đã đúc rút kinh nghiệm từ thực tế những dự án khó khăn, phức tạp như hầm Ðèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Trung Lương-Mỹ Thuận, Cam Lâm-Vĩnh Hảo… để áp dụng cho dự án.
"Ngoài áp dụng biện pháp cải tiến thi công, chúng tôi còn tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho nhân sự nội nghiệp, hiện trường, lái xe lái máy, an toàn lao động,... trực tiếp tại dự án", ông Cương cho biết.
Nhiều dự án cao tốc bắc-nam thi công “xuyên lễ”
Để công trình về đích, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 đã đề nghị chính quyền địa phương nơi dự án đi qua tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu giải quyết vướng mắc mặt bằng tại các vị trí “xôi đỗ” đã bàn giao nhưng chưa tiếp cận thi công được. Đối với các đoạn còn lại, Ban kiến nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với Ủy ban nhân dân 2 tỉnh, sớm bàn giao mặt bằng liền mạch để nhà thầu triển khai nhân lực, thiết bị đồng bộ. Ngoài ra, kiến nghị địa phương xem xét đẩy nhanh thủ tục giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Nhà thầu tổ chức thi công hạng mục cầu. |
Đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho dự án, Ban Quản lý dự án 2 cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ngành cho phép lập hồ sơ mỏ đối với 3 mỏ đất Núi Cấm Ông Thi, Núi Đá Kè (huyện Nghĩa Hành) và mỏ đất Núi Thị 4 (huyện Mộ Đức); xem xét đẩy nhanh thủ tục cấp phép mỏ cát thôn An Long (huyện Mộ Đức); hỗ trợ nhà thầu thi công trong việc vướng mắc đường tiếp cận vào khai thác mỏ đất.