"Lửa nghề" không bao giờ tắt với thầy giáo vùng cao tật nguyền

NDO - Liên tiếp những biến cố đổ lên đôi vai của anh: Mất đi cánh tay trái, phải ngồi xe lăn sau một tai nạn điện; người vợ cũng là giáo viên ngày đêm bên cạnh hỗ trợ lại không may mắn mất trong một vụ tai nạn giao thông. Nhưng với ý chí, nghị lực và tình yêu nghề, thầy giáo ở vùng cao Sơn La đã vượt qua bao khó khăn, không bỏ nghề, vẫn bám trụ với các em học sinh, miệt mài gieo chữ.
0:00 / 0:00
0:00
Sau vụ tai nạn, thầy giáo Hoàng Anh Phù phải ngồi xe lăn và dùng nạng.
Sau vụ tai nạn, thầy giáo Hoàng Anh Phù phải ngồi xe lăn và dùng nạng.

Đó là câu chuyện về thầy giáo Hoàng Anh Phú, sinh năm 1977, Trường tiểu học và trung học cơ sở Chiềng Chăn, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, người đã có hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, nơi giao thông đi lại cũng như cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn. Thầy giáo Hoàng Anh Phú là một trong những giáo viên được đánh giá có chuyên môn, tâm huyết với nghề và có nhiều sáng kiến trong dạy và học.

Nỗ lực vượt khó khăn

Trong câu chuyện kể của các đồng nghiệp nơi đây được biết, năm 2013, thầy giáo Hoàng Anh Phú không may bị tai nạn điện, mất đi cánh tay trái và liệt nửa người, khiến người thầy giáo nhanh nhẹn, hoạt bát phải ngồi xe lăn hay dùng nạng. Khó khăn là vậy, nhưng với nhiệt huyết của mình dành cho nghề giáo, hằng ngày thầy giáo Phú vẫn quyết tâm đến trường, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Nụ cười hiền, thầy Hoàng Anh Phú, chia sẻ: “Tôi yêu nghề giáo viên từ ngày còn nhỏ, nên đã quyết tâm thi đỗ đại học để sau này được dạy học. Ngày nhận quyết định dạy học ở vùng cao xã Chiềng Chăn là một trong những thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Sau vụ tai nạn, tôi nghĩ sẽ không bao giờ được đứng trên bục giảng nữa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình và đồng nghiệp, tôi đã tiếp tục thực hiện ước mơ của mình truyền đạt kiến thức cho học sinh”.

Trong câu chuyện của thầy giáo Hoàng Anh Phú, được biết: Người đã hỗ trợ, động viên lớn về tinh thần cho thầy giáo sau vụ tai nạn chính là người vợ cũng là giáo viên cùng trường, người cũng đã cống hiến gần 20 năm cho sự nghiệp giáo dục nơi đây. Đó chính là cô giáo Đặng Thị Thu Phong, sinh năm 1980. Kể từ ngày thầy giáo Phú bị tai nạn, mọi sinh hoạt, công việc trong cuộc sống, từ những điều nhỏ nhất phải dựa vào vợ.

Là phụ nữ, trong hoàn cảnh ấy, cô giáo Đặng Thị Thu Phong trở thành lao động chính và chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Tần tảo lo cho chồng và các con ăn học. Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, cô giáo Đặng Thị Thu Phong tranh thủ làm thêm nhiều nghề để có thêm thu nhập với ước muốn nuôi dạy hai con gái được học tập, sau này có nghề nghiệp ổn định, trở thành người có ích cho xã hội. Và niềm vui đã đến với vợ chồng thầy giáo Hoàng Anh Phú khi con gái đầu thi đỗ Trường đại học Kinh tế quốc dân, đã thêm động lực cho người thầy giáo vươn lên trong cuộc sống và công tác.

"Lửa nghề" không bao giờ tắt với thầy giáo vùng cao tật nguyền ảnh 1

Trong công tác giảng dạy, thầy giáo Hoàng Anh Phú đã có nhiều sáng kiến được đánh giá cao.

Thế nhưng cuộc sống quá nghiệt ngã, người vợ, người đồng nghiệp luôn song hành những lúc khó khăn của anh đã không may mắn mất đi trong một vụ tai nạn giao thông vào cuối tháng 12/2022, khi đang trên đường đi dạy học về. Sau tai nạn bất ngờ ấy, ai cũng đau xót khi nhà trường mất đi người đồng nghiệp tận tụy hết lòng với nghề và gia đình mất đi một người vợ yêu thương chồng con hết mực.

Đau đáu trong lòng người thầy giáo này vẫn là nỗi lo những ngày tới không đủ khả năng kinh tế cho các con ăn học.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, sau khi vợ thầy giáo Hoàng Anh Phú mất đi, điểm tựa của gia đình không còn, một mình thầy giáo Phú không thể gánh vác hết mọi bộn bề của cuộc sống. Mọi công việc sinh hoạt hằng ngày, thầy giáo Phú phải dựa vào người mẹ già và người thân trong gia đình. Vượt qua nỗi đau, ngoài là chỗ dựa về tinh thần cho các con, thầy giáo Phú vẫn nỗ lực tiếp tục công việc giảng dạy bên chiếc nạng và chiếc xe lăn. Nhưng đau đáu trong lòng người thầy giáo này vẫn là nỗi lo những ngày tới không đủ khả năng kinh tế cho các con ăn học, nhất là việc học cho con gái đầu khi cháu mới năm đầu trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Được đến lớp dạy học là động lực vượt khó

Tuy bị thương tật nặng, liên tiếp dồn lên vai những biến cố không mong muốn, nhưng thầy giáo Hoàng Anh Phú vẫn nỗ lực vươn lên, luôn có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao. Điển hình như việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin vào các bài giảng, quản lý máy tính từ xa, giúp đỡ đồng nghiệp cài đặt, sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến hay hướng dẫn cán bộ thư viện cách sử dụng, ứng dụng phần mềm vào quản lý cơ sở dữ liệu.

"Lửa nghề" không bao giờ tắt với thầy giáo vùng cao tật nguyền ảnh 2

Một giờ tin học của thầy giáo Hoàng Anh Phú và các học trò.

Thầy giáo Trần Phi Long, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Chiềng Chăn, thông tin: Trường hợp của thầy giáo Hoàng Anh Phú và cô giáo Đặng Thị Thu Phong là trường hợp rất đặc biệt. Nhà trường đã phát động cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường ủng hộ giúp đỡ thầy giáo Phú vượt qua khó khăn trước mắt. Rất mong các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cùng quan tâm chia sẻ, giúp đỡ thầy giáo Hoàng Anh Phú vượt lên khó khăn, tiếp tục sự nghiệp trồng người, ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con trưởng thành.

Cũng để san sẻ khó khăn của đồng nghiệp, thầy giáo Nguyễn Quang Quý, đồng nghiệp cùng trường đã tình nguyện đưa đón thầy giáo Hoàng Anh Phú mỗi ngày từ nhà đến trường dài 20km, với mong muốn giảm bớt chi phí thuê xe đi lại cho anh.

Tìm hiểu thêm, được biết: Con gái đầu thầy giáo Hoàng Anh Phú là em Hoàng Hồng Nhung, từng là học sinh giỏi ba năm liên tiếp của lớp chuyên Toán, Trường trung học phổ thông chuyên Sơn La. Trong quá trình theo học, Nhung đã nhận được nhiều học bổng của nhà trường, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Khi còn học trung học phổ thông, một buổi em đến trường (cách nhà 30km), buổi còn lại em phụ mẹ chăm sóc bố. Cô học trò nhỏ đã thi đỗ Trường đại học Kinh tế quốc dân với tổng điểm 27,8. Sau hơn 2 tháng nhập học, sự ra đi của mẹ và gánh nặng trên đôi vai bố khiến con đường đến trường của Nhung thêm khó khăn.

"Lửa nghề" không bao giờ tắt với thầy giáo vùng cao tật nguyền ảnh 3

Được lên lớp, được dạy học là động lực giúp thầy giáo Hoàng Anh Phú vượt qua khó khăn.

Ông Phạm Văn Khanh,Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn, thông tin: Ngoài phát động cán bộ, giáo viên trên địa bàn quan tâm, hỗ trợ gia đình thầy giáo Phú, phòng Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Liên đoàn lao động huyện phát động hỗ trợ gia đình thầy giáo Hoàng Anh Phú. Đồng thời, có công văn gửi Phòng Nội vụ huyện Mai Sơn quan tâm, tạo điều kiện bố trí công tác tại một đơn vị trường học thuận lợi, phù hợp điều kiện gia đình và sức khỏe của thầy giáo Hoàng Anh Phú.

Lửa nghề không bao giờ được phép tắt. Đến trường, lên lớp được gặp đồng nghiệp, được dạy học là động lực giúp tôi thêm yêu nghề và quyết tâm hơn trước những khó khăn.

Thầy giáo Hoàng Anh Phú

Em Hoàng Hồng Nhung tâm sự: “Trước đây khi mẹ em còn sống, mẹ em đã đóng hết học phí và các khoản trong ba tháng đầu. Mẹ mất đột ngột, với đồng lương của bố, em nghĩ mọi việc sẽ rất khó khăn. Em sẽ cố gắng học tập hơn, sắp xếp việc học để đi làm thêm giúp đỡ bố để trang trải cuộc sống”.

Trên đường trở về, hình ảnh thầy giáo Hoàng Anh Phú ngồi trên xe lăn đang miệt mài hướng dẫn các em học sinh trong giờ tin học với ánh mắt lạc quan, nụ cười hiền, khiến chúng tôi vừa trăn trở vừa khâm phục.

Chợt nhớ tới câu nói đầy lạc quan của thầy giáo Hoàng Anh Phú lúc chia tay với chúng tôi: “Lửa nghề không bao giờ được phép tắt. Đến trường, lên lớp được gặp đồng nghiệp, được dạy học là động lực giúp tôi thêm yêu nghề và quyết tâm hơn trước những khó khăn”.