Nghị lực người thầy giáo "tí hon"

NDO - Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại Hà Nội vừa qua, rất nhiều người vô cùng xúc động và khâm phục nghị lực phi thường của Chu Quang Ðức (trong ảnh), sống tại xã Ðại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội), nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin. Chàng trai 27 tuổi, nhưng người chỉ bé như đứa trẻ lên mười và gắn chặt với chiếc xe lăn. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, Ðức trở thành thầy giáo dạy tin học của Trường THPT Mê Linh.

Sinh ra trong một gia đình gồm năm anh em, Ðức cùng người em thứ tư (đã qua đời) bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin từ người cha từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền nam. Ngay từ nhỏ, Ðức đã không đi lại được như những đứa trẻ bình thường, chân tay và toàn thân teo quắt lại, gia đình tưởng Ðức bị mắc căn bệnh lạ nên đã đưa đi khắp các bệnh viện lớn như Xanh Pôn, Nhi Thụy Ðiển, Y học Dân tộc Cổ truyền... chạy chữa, nhưng bệnh tình không giảm mà ngày càng tăng. Kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp lại càng kiệt quệ. Ðức bộc bạch: Khi biết bệnh tình của mình là do di chứng chất độc da cam từ người cha để lại, em bị suy sụp, luôn có suy nghĩ mình là người bỏ đi. Em trở thành đứa trẻ lầm lì, ít nói, hay cáu gắt với mọi người chung quanh. Nhất là những khi bệnh tật hành hạ, toàn thân đau buốt đến thấu xương, nhiều lúc em đã nghĩ đến điều xấu nhất là chết để giải thoát cho bản thân và gia đình. Những lúc như vậy, bố mẹ luôn ở bên cạnh khuyên nhủ em hãy cố gắng vươn lên. Rồi bố đem những câu chuyện về nghị lực của các chú thương binh đang mang trên mình những thương tật của chiến tranh kể cho em nghe. Những câu chuyện cảm động ấy đã thôi thúc Ðức có mơ ước được đi học và trở thành thầy giáo.

Ðến tuổi cắp sách đến trường, thấy các bạn cùng lứa được cha mẹ chở đến lớp, Ðức xin đi học. Bố mẹ Ðức đã ứa nước mắt khi nghĩ, sức khỏe con yếu, lại bị bệnh, mọi sinh hoạt trên lớp, ai sẽ giúp? Trong cuộc sống hằng ngày, Ðức cầm thìa xúc cơm còn không nổi, sao có thể cầm bút viết, thước kẻ được?... Nhưng với quyết tâm được đến trường, Ðức tin sẽ vượt qua mọi trở ngại. Ngày đầu đến lớp, dù gặp không ít khó khăn nhưng đó lại là một cảm giác vô cùng sung sướng đối với Ðức. Ðể trả công bố mẹ, thầy giáo, cô giáo và các bạn, năm năm bậc tiểu học, Ðức luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và tự tin bước vào bậc THCS.  Ðức cho biết: Ði học đem đến cho em cuộc sống mới, đầy niềm vui và sự lạc quan, yêu đời, với bao hiểu biết mới về thế giới chung quanh, điều mà trước đây không bao giờ có được. Bước vào bậc THPT thật sự có nhiều thử thách, bởi áp lực cường độ học tập, khối lượng bài tập cũng rất nặng nề, Ðức phải cố gắng rất nhiều. Nhờ thầy giáo, cô giáo tận tình chỉ bảo, các bạn trong lớp, trong trường luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ và nhất là người anh họ học cùng khối Phan Văn Vinh tận tình đưa đón Ðức suốt những năm học THPT,  Ðức đã lấy lại được niềm tin để vượt qua. Tại kỳ thi đại học, Ðức nộp đơn đăng ký dự thi vào Khoa Tin học Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 và trúng tuyển.

Niềm vui chưa dứt, thì tiếp đến là những ngày vất vả khi mới nhập trường, bố phải bế Ðức lên tầng 4 của trường, còn Ðức phải vật lộn với những kiến thức mới mẻ cùng những cơn đau đầu dữ dội. Ðể vượt qua những trở ngại đó, Ðức luôn tâm niệm nhất định không được bỏ cuộc, phải quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình. Ðược sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong nước, ngoài nước và các thầy giáo, cô giáo, bạn bè bằng cả vật chất lẫn tinh thần, hai năm liền Ðức đều được nhận học bổng của nhà trường và là một trong bốn sinh viên của Khoa Tin học được cử đi học lớp cảm tình Ðảng, được thầy hiệu trưởng tặng giấy khen. Ðức còn là một trong mười sinh viên của khoa được làm khóa luận tốt nghiệp.

Nắm vững kiến thức tin học, mơ ước trở thành giáo viên đã thành hiện thực với Chu Quang Ðức. Tháng 8-2010, Trường THPT Mê Linh tổ chức tuyển giáo viên dạy Tin học, Ðức mạnh dạn nộp hồ sơ tham dự và đã trúng tuyển, được đi làm chính thức từ tháng 10-2010. Hiện Ðức là thầy giáo dạy môn Tin học tại Trường THPT Mê Linh và tham gia làm việc ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chiến tranh TP Hà Nội. Không dừng ở đó, tại gia đình, Ðức vẫn duy trì lớp học dạy toán, tin học cho hơn 25 em từ lớp 8 đến lớp 12 trong thôn, các xã lân cận. Tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng các học sinh được thầy Ðức kèm cặp, sau hai năm học đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của các trường. Các em lớp 9 đều thi đỗ vào THPT, lớp 12 đều thi đỗ đại học và cao đẳng.