Chia sẻ cùng thầy cô giáo tiêu biểu dạy trẻ khuyết tật

NDO -

NDĐT - Trong khuôn khổ Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018, sáng 14-11, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (TP Hà Nội), 48 thầy, cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật của mọi miền đất nước đã có những chia sẻ xúc động tại buổi gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy giáo Võ Duy Quang, Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ tại buổi gặp mặt bằng ngôn ngữ cử chỉ.
Thầy giáo Võ Duy Quang, Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ tại buổi gặp mặt bằng ngôn ngữ cử chỉ.

Tại buổi gặp mặt, thầy Võ Duy Quang, "người lái đò" đặc biệt của Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ những học sinh kém may mắn trong cuộc sống. Qua lời phiên dịch của chuyên viên, người thầy khiếm thính cho biết: "Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính. Ngoài bậc tiểu học, các em cũng không có các cấp học cao hơn để tiếp tục học tập, rèn luyện. Do đó, vô hình trung chúng ta đã tách biệt trẻ khiếm thính khỏi xã hội".

Đồng tình với ý kiến của thầy Võ Duy Quang, cô giáo Nguyễn Thị Liễu từ Trung tâm Giáo dục dạy nghề tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tài liệu giáo dục trẻ đặc biệt, để các thầy cô chuyên tâm hơn, nâng cao công tác đào chuyên môn.

Trong khi đó, cô Trần Thị Kim Nghĩa (Cần Thơ) lại trăn trở: "Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, mảng dạy nghề cho trẻ em khuyết tật nhiều nơi đến nay vẫn chỉ có may vá, thủ công mỹ nghệ. Những nghề này hiện đã tụt hậu so với nhu cầu thị trường, nên sau khi học xong, các em thường không tìm được việc làm".

"Mặt khác, nhu cầu học tập của các em hiện cũng không còn như xưa. Có em sau này trở thành chuyên viên trang điểm, muốn làm thợ tạo mẫu tóc... Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành chủ trương mới, tạo điều kiện để các học sinh khuyết tật có cơ hội nỗ lực, trở thành người có ích cho xã hội", cô Nghĩa nói.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, đánh giá cao sự hy sinh, công lao to lớn của các thầy, cô giáo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, đồng thời khẳng định: giáo dục trẻ em khuyết tật là trách nhiệm của toàn xã hội.

"Đất nước ta ngày càng phát triển. Nhưng sự phát triển ấy sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi tính công bằng. Mong rằng, các thầy cô luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, tiếp tục thực hiện tốt công tác 'trồng người" cao quý, làm vơi đi phần nào sự kém may mắn trong cuộc sống của học sinh", Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng 48 thầy, cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật của cả nước.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long triển khai trong giai đoạn 2015-2019, thuộc khuôn khổ phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi".

Năm nay, Chương trình diễn ra trong hai ngày 14 và 15-11, vinh danh 48 nhà giáo dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển - giáo dục hòa nhập, bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.